[Vệt bài “36 kế dạy học thụ động” này chủ yếu để phục vụ trí tưởng tượng của giáo viên]

Vừa vào lớp học, cô giáo Hân hô rõ to: “Mời cả lớp đứng dậy, dọn hết bàn vào góc tường”. Rồi cô vẽ đường biên hình số 8 giống sa hình tập lái xe máy.
Cô nói “Mời các bạn tham gia hai thí nghiệm, và xem thử chúng ta có thể rút ra được điều gì”.
Trong thí nghiệm một, cô yêu cầu các bạn tự lập các cặp, một làm sếp, một nhân viên. Sếp hô thế nào, nhân viên làm như vậy, không sai một li. Khẩu lệnh chỉ gồm “Đi”, “Đứng”, “Trái”, “Phải”. Đi làm sao để không vượt quá đường biên kẻ trước.
Các bạn thực hiện trong 5 phút, với mục tiêu phải đi được 100 bước.  Rất nhiều vụ va chạm giữa cặp này với cặp khác hiện ra, khung cảnh rất chi là căng thẳng và hỗn loạn. Sau 5 phút, hầu như không cặp nào đi nổi 100 bước đúng luật.
Trong thí nghiệm hai, cô yêu cầu các cặp đổi chiến thuật, tự mình đi, tự mình đếm, thực hiện đúng luật chơi, đi đến đâu đếm đến đó, không vi vượt khỏi đường biên. Các bạn đi thật nhẹ nhàng, và tạo thành một luồng đều đặn hình số 8 như đường biên đã vẽ ra. Kết thúc 5 phút, mỗi cặp thực hiện được trên 100 bước thật nhẹ nhàng.
Kết thúc thí nghiệm, mỗi sinh viên đều có những quan sát tinh tường:
– Có khi làm việc theo mệnh lệnh một cách cứng nhắc dẫn đến tình hình rất tệ, vừa căng thẳng, vừa lỗi nhiều, và lại không năng suất.
– Đường biên bé quá, nới rộng ra thì sẽ không va vào nhau.
– Có khi để nhóm tự quản lí lại tiện hơn, và năng suất hơn nhiều. Khi nhân viên đã biết cách làm, chỉ cần trao quyền là họ làm được, không cần giám sát từng li từng tí, vừa phí tài nguyên, vừa giảm năng suất.
….
Các bạn đều ngạc nhiên với những điều giản dị nhưng sâu sắc mà họ mới khám phá ra.

Cô Hân chỉ cần tóm lại vài quan sát của các bạn, và yêu cầu mọi người đem đi thí nghiệm ở nhóm khác để quan sát, xem có lặp lại được những điều mà các bạn vừa quan sát thấy không.
Đó chính là cách để cô dẫn các bạn đến với hiểu biết về khái niệm các nhóm tự tổ chức (self-organizing team) vốn rất khó hiểu và khó tin.
Cô giáo Hân chuẩn bị nhiều thí nghiệm như vậy. Đó chính là những bảo bối để cô mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho đám học trò thân yêu. Triết lí giảng dạy của cô vẫn nhất quán như vậy: làm sao giảng viên ít làm việc nhất, mà học trò thì học được nhiều nhất, vừa rộng vừa sâu vừa tràn đầy cảm xúc.

_________________

Các phần trước: 

  1. Cho sinh viên làm thầy
  2. Giả vờ như thật
  3. Kí hợp đồng cho chắc
  4. Chơi tẹt ga
  5. Thế thân
  6. Đôi bạn cùng tiến
Written by Tấn Dương