Bạn được nói là sẽ đi làm 8 tiếng 1 ngày, năm sáu ngày mỗi tuần. Nhưng thực ra thì con số 8 đấy cũng cực kì tương đối và co giãn.
Theo cách làm Pomodoro (được giả sử là tập trung nhất về mặt thời gian làm việc năng suất), bạn chỉ thực sự làm việc khoảng 80% thời gian đó. Như vậy thực chất là bạn bỏ ra khoảng sáu tiếng rưỡi, còn lại là thời gian “rảnh”. Thực ra, thời gian rảnh đó  thường dài hơn nhiều so với con số  lí thuyết 1.5h. Sự việc này có ít nhất hai ý nghĩa.
Thứ nhất là bạn đừng bao giờ lên kế hoạch cho 8 tiếng làm việc mà là 6h làm việc mỗi ngày, nếu bạn sử dụng khung thời gian 8 giờ công sở sao cho vừa khít. Lên kế hoạch và cam kết với 8 tiếng có thể là một điều nguy hiểm, vì bình thường bạn không có khả năng hoàn thành một khối lượng công việc lớn hơn 25% với chất lượng tương đương. Bạn sẽ phải làm thêm giờ, hoặc là hy sinh chất lượng, hoặc sẽ lâm vào tình trạng stress.

Ý nghĩa thứ hai là con số 8h kia hóa ra không có giá trị đo đếm gì cả. Nếu bạn ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, không nghĩ về cái gì khác, bạn cũng đã “chuyên chú” cho công việc 100% thời gian công ty. Nhưng thực ra thì bạn đang lãng phí cả ngày. Thời gian 8h công sở dài ngắn co giãn theo cách bạn sử dụng thời gian ấy, theo năng lượng của bạn, theo cảm xúc của bạn. Hãy cảnh giác, vì 8h có thể biến thành 3h hoặc 1h như bỡn.
8h mỗi ngày, hay cách gọi 9am-5pm theo Tây, là một cách làm việc truyền thống mặc nhiên được áp dụng nhưng có vẻ ngày càng trở nên thiếu hiệu quả. Liệu đó có phải là cách làm việc duy nhất mà chúng ta nên theo?

KanpoDay ở Học viện Agile

Các nhà khởi nghiệp dù cho thành công hay thất bại thì đều khai là mình làm việc 12, 14 hoặc 16 tiếng mỗi ngày. Không có nhà khởi nghiệp nào làm việc 8 tiếng 1 ngày cả. Có thể thấy, họ bỏ ra 2/3 thời gian trong ngày để làm việc. Trong khi “người thường” bỏ ra 2/3 thời gian cho cá nhân. Đó là một sự khác biệt lớn. Hóa ra, các nhà khởi nghiệp (kể cả là thành công rực rỡ), có thể không phải là những người thông minh xuất chúng, có thể cũng chẳng phải là có biện pháp làm việc gì ghê ghớm; họ bỏ nhiều thời gian hơn và tập trung vào công việc cần phải hoàn thành. Ở đây chúng ta tạm gác xa vấn đề về sức khỏe và chất lượng cuộc soosngs sang một bên.
Có người lại nói, nhân viên xuất sắc luôn vượt kì vọng của sếp về công việc, trong khi nhân viên thường chỉ mong “đạt”. Mấu chốt ở đây là “thái độ” đối với mục tiêu. Nếu công ty kì vọng ở bạn 2 sản phẩm, bạn làm ra 3; nếu sếp giao 5 việc, bạn cố làm được 7; thì đó chính là tâm thế của người mong vượt kì vọng. Liệu bạn có thể hoàn thành sự vượt kì vọng ấy trong vi 8h nhênh nhang công việc?
Cảm nhận về thời gian làm việc như thế nào là dài ngắn có thể được phụ thuộc vào lứa tuổi và điều kiện. Khi tôi còn trẻ và chưa vợ con gì, tôi có thể dành ra 14 tiếng ở công ty mà không thấy mình tiêu hao đáng kể thời gian cho lắm. Nếu có sức, nhiều khi tôi còn muốn bỏ nhiều hơn. Nhưng khi tôi vừa có con gái đi học mẫu giáo, nhà không có giúp việc, vợ bận việc ngoài giờ, bản thân tham gia hoạt động của hội này nhóm nọ, thì 8h mỗi ngày cho một công việc ở công ty đã cần đến một sự nỗ lực. Mà những sự nỗ lực ấy kéo dài cả sang phần thời gian nhẽ ra là cần nghỉ ngơi, và có khi vào cả trong giấc ngủ.
Trong một thời gian dài, tôi từng làm việc ở công ty từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Thời gian này có lẽ là thời gian quan trọng nhất trong việc gây dựng năng lực, làm giàu trải nghiệm, nâng cao uy tín và kiến thiết sự nghiệp. Sau hơn một thập kỉ làm việc, tôi thấy tiếp tục cần phải ủ mưu làm thế nào để mình luôn đủ năng lượng và cảm xúc để làm được như vậy, trong một bối cảnh phức tạp hơn nhiều lần với những biến số đa dạng và đôi khi không dễ dàng hòa hợp với nhau: Gia đình, tài chính, xã hội, cá nhân, đam mê, bè bạn, lí tưởng… Tôi dần nhận ra, cần phải để thời gian “sống” nhiều hơn, “làm việc tức là được sống”, “làm cái mình thích”, và “thích cái mình làm”; loại khỏi đầu khái niệm “cân bằng cuộc sống-công việc”. Trong khi người ta khuyến khích làm việc “thông minh chứ đừng chăm chỉ”, tôi thì lại mong muốn mình có thể vận dụng được những tri thức về khoa học thần kinh, hiểu biết khoa học về não bộ và cách làm việc của nó, cũng như các phương pháp quản lí hiện đại để “vừa làm việc chăm chỉ, vừa làm việc thông minh, lại đảm bảo chất lượng cuộc sống”. Nhưng đó sẽ là chủ đề cho một cuộc thảo luận khác.
Written by Tấn Dương