Trong khóa học Agile Management do Học viện Agile tổ chức, tôi thường gợi ý một số cuốn sách tốt để làm chất liệu cho tư duy và thực hành quản lí.
Danh sách dưới đây là tổng hợp danh mục những cuốn sách tốt dành cho nhà quản lí nhâm nhi mỗi ngày, có thể đủ cho ít nhất 1 năm đọc và học nghiêm túc.
Thứ tự không phản ánh một ưu tiên nào, chỉ là đánh số cho dễ tra cứu. Với một số cuốn sách, tôi có một bài điểm ngắn. Bạn đọc có thể theo đường dẫn để đọc thêm. Hãy dùng Google nếu bạn muốn biết nơi nào bán những cuốn sách này.
Tôi ưu tiên những sách của các tác giả quan trọng, những thought leader trên thế giới, những cuốn sách chứa nhiều thông tin khoa học hơn là sách hướng dẫn kiểu gạch đầu dòng (mặc dù cũng có ngoại lệ). Tôi ưu tiên sách đã được xuất bản bằng tiếng Việt, nhưng cũng để vài cuốn chưa được dịch, biết đâu có ai đọc được lại nảy sinh lòng ham muốn dịch nó ra :-).

0.Phương pháp đọc sách hiệu quả

Tác giả: Mortimer Adler & Charles van Doren

Tựa sách gốc là “How to read a book”, rất giản dị. Sách này dạy cách đọc sao để học được nhiều nhất từ một cuốn sách bất kì.

  1. TÂM LÍ HỌC THÀNH CÔNG

Tác giả: Carol Dweck – Giáo sư Đại học Standford, chuyên gia hàng đầu về tâm lí học. 

Đây là một trong số những cuốn sách tâm lí học ứng dụng tốt nhất hiện nay. Cuốn sách bàn về tầm quan trọng của thái độ và niềm tin tích cực đối với trí tuệ, thử thách, sự học hỏi và thành công. Cuốn sách có tác động lớn tới hầu hết người đọc.

Nếu đọc cuốn này, bạn có thể cân nhắc đọc kèm Nghĩ thiện của Inamori Kazuo và Nhấn nút tái tạo của Satya Nadella (CEO của Microsoft, chính nhờ nuôi dưỡng văn hóa học hỏi dựa trên tư duy phát triển mà Microsoft trở nên vĩ đại một lần nữa).

  1. TƯ DUY, NHANH VÀ CHẬM

Tác giả: Daniel Kahneman, nhà khoa học nhận giải Nobel kinh tế 2012. 

Cuốn sách quan trọng của nhà kinh tế học được giải Nobel Daniel Kahneman có rất nhiều thông tin khoa học hữu ích về tư duy của chúng ta, cách chúng ta ra quyết định, đúng đắn và sai lầm như thế nào. Đây là một trong các kinh điển quan trọng nhất về cách ra quyết định của con người.

  1. NGHỆ THUẬT TƯ DUY RÀNH MẠCH

Tác giả: Rolf Dobelli

Cuốn sách của Dobelli này liệt kê 99 “Lỗi” tư duy thường mắc phải dưới một văn phong uyển chuyển dịu dàng cực đỉnh. Trong khi các “lỗi tư duy này” cũng là chủ đề nghiên cứu có vẻ thử thách của một số nhà nghiên cứu từng đạt giải Nobel, những cái tên nghe thôi đã thấy háo hức R. Thaler, D. Kahneman, D. Arielly, N. Taleb… thì dưới ngòi bút của Dobelli, chúng ta không hề thấy nó “nguy hiểm”, “khó nhằn” mà rất dễ hấp thu và gợi suy nghĩ.

  1. PHI LÍ TRÍ

Tác giả: Daniel Ariely – Giáo sư Đại học Duke, chuyên gia hàng đầu về tâm lí học, kinh tế học hành vi. 

Cái quan trọng nhất của cuốn sách “khủng khiếp” này là ở chỗ, nó cung cấp hàng tá bằng chứng khoa học để minh chứng cho một điều rất trần trụi là: Con người là một động vật phi lí tính (chứ không phải là phi lí trí như sách dịch từ “irrational”); kiểu như hầu hết chúng ta share một post trước khi kịp nghĩ cho kĩ nó đúng đắn hay dở thế nào. Cái vừa hay vừa dở là cái sự phi-lí-tính ấy lại đoán được, thế là có đất cho bọn làm quảng cáo giật tít nó thao túng netizen.

Cái hay nhất của cuốn sách này là nó dành cho độc giả phổ thông, ai đọc cũng nắm bắt được chút ít.

Về tác giả, Daniel Ariely là một ‘con khủng long’. Có bằng tiến sĩ về cognitive psychology ở ĐH North Carolina, rồi lại tiến sĩ nữa về business administration ở ĐH Duke. Là người có số trích dẫn (trên G.Scholar) 24500+, chỉ tính 5 năm trở lại đây là 16700+, và cứ tăng lên sau mỗi năm.

Dan.A viết sách cực hay, nói chuyện rất duyên (xem trên TED), và cũng vui tính.

  1. HOÀN THÀNH MỌI VIỆC KHÔNG HỀ KHÓ

Tác giả: David Allen, chuyên gia hàng đầu về năng suất.

Đây là cuốn sách giúp tôi và Học viện Agile kiếm được kha khá tiền nên tôi rất biết ơn tác giả của nó, ông David Allen rất mực đẹp giai.

Nhưng đây cũng là cuốn sách khiến tôi rất khổ sở vì học mãi mà không hết cái hay của nó.

Nghe đâu cuốn này đã từng ế xưng ế xỉa.

Chừng nào những sách thực dụng như thế này hết ế thì năng suất lao động của người Việt ta nhất định cất cánh

  1. CẨM NANG SCRUM (2018)

Tác giả: DT TẤN, NK NHẬT, PA ĐỚI, NV KHOA.

Cuốn này không chỉ giới thiệu một khung làm việc Agile phổ biến nhất là Scrum, mà còn nêu các biện pháp để thúc đẩy việc xây dựng các nhóm hiệu năng cao, có khả năng linh hoạt thích ứng với sự biến động của môi trường. Bắt đầu với Scrum framework là một trong những cách nhanh nhất để có nhóm làm việc hiệu quả vượt trội.

7.KHỞI NGHIỆP TINH GỌN

Tác giả: Eric RIES – “cha đẻ” của phương pháp Lean Startup.

Đây là cuốn sách được đánh giá rất cao bởi rất nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: doanh nhân, nhà quản trị, lập trình viên, nhà giáo… Một cuốn sách hiếm thấy có được sự hòa trộn tài tình giữa kĩ thuật thực hành rất thực dụng với những ý tưởng đột phá về khởi nghiệp và kinh doanh. Có lẽ đánh giá như học giả Steve Blank ở Stanford về cuốn sách không có vẻ gì là tâng bốc: “Đây là bản lộ trình đổi mới cho thế kỉ XXI. Những ý tưởng trong Khởi nghiệp Tinh gọn sẽ giúp tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo”. Những gì thể hiện trong 3 năm kể từ khi cuốn sách được xuất bản dường như đang minh chứng cho điều Blank nói: nó trở thành Best Seller, được bàn bạc và áp dụng thường xuyên, còn các hội thảo về Lean Startup thì thường đông nghịt người, và thật kì lạ nếu trong một hội thảo hay một cuốn sách về Agile\Lean nào trong thời gian gần đây lại không trích dẫn vài điều về Lean Startup.

  1. Làm điều quan trọng

Tác giả: John DOERR – người đưa OKR về với Google, và là một nhà đầu tư có tiếng.

Cuốn sách mới còn nóng vừa thổi vừa đọc của John Doerr, một chuyên gia về OKR – một framework cực kì hữu hiệu cho việc thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch trong tổ chức. Sách không phải là hướng dẫn thực hành chi tiết nhất trên thị trường, nhưng là sách chứa nhiều tư tưởng dẫn đường tốt, và cũng có nhiều chi tiết về cách thức các tổ chức làm OKR như thế nào, từ Google tới nhóm từ thiện của Bill Gates và nhiều dự án khác nữa.

  1. TƯ DUY CÓ HỆ THỐNG

Tác giả: Daniel LEVITIN, chuyên gia hàng đầu thế giới về khoa học thần kinh, tâm lí học và nhận thức. 

Cuốn sách của  có nhiều thông tin khoa học hữu ích để vận dụng vào tổ chức tất tần tật những thứ căn bản của cuộc sống: quản lí công việc, quản lí thông tin, sắp xếp đồ vật, tổ chức thời gian

Sách có tựa gốc là “The Organized Mind”, có thể dịch ra là “óc tổ chức” – gần nghĩa gốc hơn là “tư duy có hệ thống”. Vì tựa sách “tư duy có hệ thống” dễ bị nhầm lẫn thành “tư duy hệ thống” (system thinking) vốn có nội hàm hơi khác.

Tôi không thể liệt kê hết những ứng dụng to lớn của cuốn sách này. Sách đặc biệt hữu ích trong bối cảnh chúng ta luôn có nguy cơ bị quá tải thông tin như hiện nay.

  1. THÔNG MINH HƠN, NHANH HƠN, GIỎI HƠN

Tác giả: Charles DUHIGG – Phóng viên đạt giải Pulitzer. 

Cuốn sách này nối tiếp cuốn “Sức mạnh của thói quen” tại thành một bộ quan trọng giúp ích cho các nỗ lực gia tăng năng suất cá nhân và tổ chức. Trong cuốn này, rất nhiều thông tin sâu sắc về hệ thống quản trị SMART được bàn bạc. Như tựa đề cuốn sách, nó giúp chúng ta làm việc và sống “thông minh hơn”, nhanh hơn và tốt hơn.

  1. SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN

Tác giả: Charles DUHIGG – Phóng viên đạt giải Pulitzer.

Đây là cuốn sách chứa nhiều thông tin khoa học quan trọng về cơ chế hình thành thói quen của con người. Bàn về vấn đề khá cũ, với những dữ liệu mới của khoa thần kinh học và tâm lí học. Hơn cả, nhiều ứng dụng trong kinh doanh và giáo dục cũng được gợi ý. Đây là một trong những cuốn sách nằm trong danh sách đọc đi đọc lại của rất nhiều nhà giáo và nhà quản lí.

  1. NHỮNG NGUYÊN LÍ QUẢN TRỊ BẤT BIẾN MỌI THỜI ĐẠI

Tác giả: Peter Drucker

Cuốn sách này tổng hợp những bài báo đã đăng trên tạp chí danh tiếng Harvard Business Review thể hiện rõ tư tưởng vượt thời đại và có giá trị xuyên thời gian của nhà tư tưởng Peter Drucker – người được coi là cha để ngành quản trị hiện đại.

  1. THE CHECKLIST MANIFESTO

Tác giả: Atul GAWANDE – Giáo sư Đại học Harvard

Cuốn sách này bàn về một chủ đề hẹp nhưng lại có công dụng lớn: các danh mục kiểm tra (checklist). Những checklist tốt đã góp công hạn chế không biết cơ man nào là tai nạn giao thông, các sai sót khi phẫu thuật trong ngành y, hay nâng cao năng suất trong các ngành khác nhau. Đây là một trong những sách được đánh giá rất cao về chủ đề đảm bảo chất lượng và cải tiến quy trình.

  1. Được việc 

Tác giả: Dương Trọng Tấn

Cuốn sách mỏng này chứa nhiều gợi ý tốt cho thực hành, cải thiện hiệu quả cá nhân để đạt được kết quả tốt trong lao động.

  1. NGHỆ THUẬT KAIZEN TUYỆT VỜI CỦA TOYOTA

Tác giả: Y. WAKAMATSU, chuyên gia kaizen đến từ xứ sở mặt trời mọc. 

Nằm trong bộ sách giới thiệu phương thức Toyota theo cách thức bình dân, nhiều hình, ít chữ, nhiều hướng dẫn, ít lí luận. Đây là cuốn rất dễ để một người khi tiếp cận Kaizen biết mình có thể bắt đầu như thế nào.

  1. TỪ TỐT ĐẾN VĨ ĐẠI

Tác giả: Jim COLLINS, chuyên gia về xây dựng doanh nghiệp, tác giả của bộ ba kinh điển: “Từ tốt đến vĩ đại”, “Xây để trường tồn”, và “Vĩ đại do lựa chọn”. 

Về cuốn sách kinh điển này, tôi có viết một vài dòng về cuốn này ở ĐÂY.

  1. THỰC THI

Tác giả: R. CHARAN & L. BOSSIDY

Tôi từng nói với nhiều người đây là cuốn sách quan trọng, tuy hơi khó đọc. Cuốn sách nhiều chi tiết này có giọng văn không thật dễ nắm bắt nhưng đề cập tới nhiều việc quan trọng để một nhà quản lí có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Các tác giả đào sâu phân tích những khoảng cách thực thi khiến các kế hoạch hay có thể bị hỏng, không tạo ra kết quả như mong muốn; và những cách thức để vượt lên khoảng các vấn đề đó. Cuốn này, cùng với cuốn tiểu thuyết kinh doanh cực hay của Goldratt “Mục tiêu” (tôi có viết một bài điểm sách kĩ hơn ở ĐÂY) có thể tạo thành một cặp sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ nhà quản lí.

18.PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG LÃNH ĐẠO

Tác giả: John MAXWELL, chuyên gia về leadership

Maxwell là một trong những người viết tốt nhất về leadership. Đây là một trong số các cuốn quan trọng nhất của ông, bên cạnh “21 nguyên tắc vàng của thuật lãnh đạo”. Cuốn “Phát triển kĩ năng lãnh đạo” cho biết những nhà lãnh đạo cần phải học cái cái, phát triển kĩ năng nào, và bằng cách nào. Một cuốn sách căn bản.

  1. NGHĨ THIỆN

Tác giả:  Inamori Kazuo

Cuốn sách mới của bậc “thánh kinh doanh” đương đại người Nhật, ông Kazuo, cựu chủ tịch của những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản (Kyocera, KDDI, Japan Airlines). Sách mỏng nhưng hàm chứa những nguyên lí bất biến giúp nhà quản lí hằng ngày rèn rũa tinh thần, hướng đến tư duy sáng suốt hơn, làm việc hiệu quả hơn.

  1. PHƯƠNG THỨC TOYOTA

Tác giả:  J. Liker, chuyên gia hàng đầu về Lean

Đây là một trong những cuốn xuất sắc nhất về Lean đã từng được viết ra. Cuốn sách này tóm Toyota Production System trong mười bốn nguyên lí dẫn đường, và những kĩ thuật và phương thức thực hành xoay quanh nó. Khi nghiên cứu về Lean thì 1 hành là không đủ, nhưng nếu phải bỏ hết tất cả các cuốn khác để đọc một cuốn không quá dày cho người mới bắt đầu thì có thể bắt đầu bằng cuốn này, để biết cách thức Toyota tổ chức công việc, xây dựng văn hoá tổ chức như thế nào, và tại sao nó lại trở thành “hình mẫu” cho các tổ chức khác học tập trong suốt mấy mươi năm qua.

  1. QUẢN TRỊ DỰA VÀO TRI THỨC 

Tác giả:  I. Nonaka và đồng sự, một trong những bộ óc quản trị lớn nhất đương đại

Trong vòng sáu bảy năm qua tôi không ngừng giới thiệu học thuyết của Nonaka tới đông đảo nhà quản trị, các ScrumMaster trong Nam ngoài Bắc. Bản thân tôi và cộng sự cũng vận dụng được ít nhiều. Trên blog này, bạn có thể bắt gặp vài bài viết tôi có trích dẫn Nonaka. Học thuyết về việc lấy tri thức làm trung tâm của quản trị trong thời đại ngày nay rất có tính ứng dụng, rất hữu dụng. Các quan điểm của Nonaka tới nay vẫn còn hết sức mới mẻ và mang tính gợi ý.

Cuốn sách “Quản trị dựa vào tri thức” này có tựa gốc là “managing flow” không phải là một cuốn dễ đọc. Tôi hy vọng là các tác phẩm quan trọng khác của Nonaka cũng được Việt hoá để làm sáng tỏ các chi tiết trong mô hình SECI rất nổi tiếng mà Nonaka đề xuất, cũng như về khái niệm “knowledge-creating company” trong thời đại tri thức và số hoá.

  1. NHÀ QUẢN TRỊ THÀNH CÔNG

Tác giả:  Peter Drucker, người được mệnh danh là cha đẻ  của quản trị hiện đại, và một trong những bộ óc quản trị của mọi thời đại

Tựa sách gốc là “The Effective Executive” (không phải từ “thành công” hết sức mập mờ trong tựa đề tiếng Việt). Drucker rất quan tâm đến Effective, tức “do the right things”, điều quan trọng bậc nhất của quản trị.

Cuốn sách này thực sự là là một trong các kinh điển (trong số rất nhiều kinh điển mà Drucker từng viết).

Sách đề cập tới những vấn đề căn cơ nhất trong thực hành quản lí: Tính hiệu quả, quản lí thời gian, ưu tiên hoá, khai thác thế mạnh, nhận diện giá trị cốt lõi, ra quyết định hiệu quả. Không một nhà quản trị nào làm việc mà không phải động phải các vấn đề hằng ngày này.

  1. TẠO LẬP MÔ HÌNH KINH DOANH 

Tác giả: Alexander Osterwalder và Yves Pigneur

Toàn bộ cuốn sách này là về mô hình kinh doanh và công cụ tuyệt hảo Business Model Canvas (Khung Mô hình Kinh doanh). BMC có lẽ là một trong các công cụ mạnh nhất trong lĩnh vực quản trị trong thời gian gần đây. BMC có thể được dùng cho các nhóm khởi nghiệp, hoặc các sếp to sếp nhỏ tại các tập đoàn lớn. Có thể dùng để “bịa” một mô hình kinh doanh hoàn toàn chưa có, hoặc tinh chỉnh những mô hình kinh doanh hiện có.

Điều thú vị là kể từ lúc có BMC, người ta còn nghĩ ra cách để biến nó thành công cụ để một nhóm bất kì cải thiện hiệu quả hoạt động, cũng như có thể vận dụng cho cá nhân để phục vụ mục đích phát triển bản thân (gọi là Personal BMC). Một công cụ đơn giản nhưng tuyệt hảo không thể thiếu.

Ngoài ra, đây là một trong những cuốn sách kinh doanh đẹp nhất trên thị trường. Vừa đọc vừa xem.

  1. THE AGE OF AGILE: HOW SMART COMPANIES ARE TRANSFORMING THE WAY WORK GETS DONE

Tác giả: Stephen Denning, chuyên gia về quản trị, tác giả của Radical Management

Cuốn sách này cập nhật các thông tin về xu hướng đổi mới quản trị trong các doanh nghiệp hàng đầu hiện nay. Sách không quá chú tâm bàn cách làm thể nào để quản trị theo mô thức mới, mà tập trung kể các câu chuyện chuyển đổi phương thức làm việc ở các doanh nghiệp hàng đầu hiện nay Microsoft, Spotify, Ericson, Apple, HP, Tesla, Google…

Sau cuốn sách Management 3.0, đây là cuốn sách đầy đủ và có giá trị bậc nhất trong việc định nghĩa rõ ràng Agile Management, tầm quan trọng của nó, và những nguyên tắc của nó cũng như khả năng vận dụng rộng rãi đã được kiểm chứng trong thực tế.

  1. BẮT ĐẦU VỚI CÂU HỎI TẠI SAO

Tác giả: Simon Sinek

Sách này tóm tắt cách “kể chuyện” bắt đầu từ lí do (Why)  thay vì cái gì hay “thế nào”. Lý thuyết ba vòng tròn bắt đầu từ Tại sao, rồi mới đến Cái gì, và Thế nào của Sinek rất được chú ý trên TED. Sách này cải thiện khả năng kể chuyện, tạo dựng các câu chuyện hay trong giao tiếp, kinh doanh, bán hàng, và tư duy nói chung.

  1. PEAK – NHỮNG ẢO TƯỞNG VỀ THIÊN TÀI 
    Tác giả: Anders Ericsson, Robert Pool 
    Như tựa đề phụ của cuốn sách, đây là cuốn sách chia sẻ các thông tin về khoa học não bộ về tiềm năng con người. Tác giả Ericsson là một trong những nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về năng lực, tài năng của con người, và là người đưa ra khái niệm “luyện tập có chủ đích” rất ảnh hưởng.
    Sách này trình bày lí do tại sao tài năng cần phải được rèn luyện, và rèn luyện như thế nào là hiệu quả. Sách sẽ giúp người đọc tìm hiểu tương đối sâu về luyện tập có chủ đích. Sách hữu ích với hầu hết mọi người học tập suốt đời, đặc biệt cho nhà đào tạo, nhà quản lí.

    27: NHÀ LÃNH ĐẠO 4.0

    Tác giả: Tập thể, HBR
    Sách được biên tập từ nhiều nguồn trên Harvard Business Review, tập hợp lại dưới 17 chủ đề về quản lí. Có thể dùng như là sách nhập môn, hoặc sách cẩm nang hướng dẫn thực hành của nhà quản lí mới.

    28: TINH HOA QUẢN TRỊ DỰ ÁN
    Tác giả: Gogon và cộng sự 
    Đây là cuốn không dành cho nhà quản trị dự án chuyên nghiệp. Nó có vẻ quá đơn giản.
    Nhưng đối với nhà quản lí tổng quát thì không nên chê sự đơn giản. Sự đơn giản của cuốn này giúp nhà quản lí nắm bắt được những điều cốt yếu nhất của việc quản trị một dự án. Nó sẽ giúp hiệu quả nói chung của nhà quản lí tăng lên rõ rệt, vì về cơ bản, các nhà quản lí sẽ phải làm việc với rất, rất nhiều dự án trong suốt quá trình công tác của mình.

    29: DẪN DẮT SỰ THAY ĐỔI
    Tác giả: J. Kotter
    Cuốn sách nhập môn của change management của chuyên gia hàng đầu ở Harvard. Cuốn này nên đọc cùng với “Dẫn dắt công cuộc thay đổi bằng cách khác” của Herold và cộng sự, để có một cái nhìn đối chiếu, khác với mô hình 8 bước của Kotter.

    30: 7 THÓI QUEN HIỆU QUẢ 
    Tác giả: Steven Covey 
    Mô hình của Covey về phát triển năng lực lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng nhà quản lí trên toàn cầu. Cuốn sách này cũng thuộc loại bán chạy hàng đầu trong những cuốn sách kinh doanh hay nhất.

    31: TÁI TẠO TỔ CHỨC 
    Tác giả: Frederic Laloux
    Cuốn sách phác thảo lược sử phát triển của các loại hình tổ chức trong lịch sử loài người. Đây là cuốn sách hữu ích cho các lãnh đạo cấp cao khi phải định hình lại tổ chức để phù hợp với bối cảnh kinh tế biến động của thế kỉ XXI.

Written by Tấn Dương