Các trường phổ thông đã dần đưa “kĩ năng tự học” thành một thứ cần  phải học cho học sinh. Ở đại học, phần lớn các giáo sư ngầm định rằng sinh viên phải tự học. Về cơ bản, sinh viên được thả nổi để tự học ở giai đoạn này.
Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng phát biểu tường minh đối với ứng viên rằng, chúng tôi cần người ham học hỏi, hoặc/và thêm điều kiện có thể học hỏi nhanh.
Nhưng làm thế nào để biết là một người có kĩ năng tự học tốt.

Các bài báo khoa học có cách thể hiện viết rất rắc rối, tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác, còn đây là một số ý kiến riêng có vẻ dễ vận dụng trong quan sát hằng ngày, và nhất là trong việc luyện tập để trở thành một người tự học.
Thứ nhất, người ấy liên tục đọc sách. Sách giấy, ebook bằng Kindle, sách pdf trên iPad, hoặc sách điện tử trên Alezaa hay Watpad trên smartphone, đều tốt cả. Miễn là liên tục đọc sách.
Liên tục tức là ngày nào cũng đọc, hoặc tuần nào cũng đọc chứ không phải là một tháng bỏ ra 1 ngày đọc sách chạy tiến độ. Tức đọc sách phải thành thói quen. Cái việc đọc sách này có thể đo lường được. Nếu một tuần anh ta không có lí do nào đặc biệt về sự bận rộn, mà không đọc hết một cuốn thì như thế chưa coi là có thói quen đọc sách và cũng không có kĩ năng đọc sách ở trình độ cao.
Trong số các việc làm thể hiện việc tự học, đọc sách là dễ quan sát hơn cả. Và suy cho cùng, hành động đọc sách cũng là hành động tự học mang tính căn bản nhất. Có nhiều cách để học, tất nhiên rồi. Cách thức học hỏi khác từ công việc, học mót các kĩ năng từ người khác, xem video, học trên Internet… Nhưng cái nhìn rõ nhất và thường là khác biệt nhất về tự học là xem người ta có đọc sách không. Tiêu chuẩn này có từ xa xưa, nhưng ngay cả khi Internet và mạng xã hội đã lên ngôi, nó vẫn chưa bị thách thức quá nhiều.
Hai là, người ấy có cách tiếp cận bài bản với cái chưa biết. Tức là có một cách nhất quán, hiệu quả để tìm hiểu cái mới. Có thể là: hỏi người có kinh nghiệm, tìm trên Internet, rồi đến đọc sách, rồi tổng hợp lại, và cố gắng hiểu đúng bản chất vấn đề trước khi thí nghiệm để xác minh tính đúng đắn của thông tin và kiến thức mới, trước khi vận dụng nó vào đại trà. Cái chữ “bài bản” ở đây được dùng với hàm ý là một cách làm nhất quán, chứ không phải là một phương pháp vạn năng siêu đỉnh nào đó. Vì có nhiều cách tiếp cận nhà nghề, mang tính “chân truyền” cũng hiệu quả không kém những cách học giống như được mô tả trong sách kinh điển.
Ba là, người ấy luôn có thể lấy được thông tin về đối tượng cần biết trong thời gian nhanh nhất (tức là có sẵn kho thông tin hoặc manh mối để tìm kiếm được thông tin trong thời gian nhanh nhất). Thông tin là khởi nguồn của việc học hỏi. Việc một người không biết tìm kiếm thông tin ở đâu thường là dấu hiệu của một người không biết cách học.
Bốn là, tốc độ. Người ấy có khả năng trả lời được “nó là cái gì”, trong thời gian rất ngắn. Biết cách thức cụ thể để đạt được mục tiêu về cái đó trong thời gian từ vài giờ đến vài ngày là cùng. Và để “vận dụng” được hầu hết các kiến thức mức độ phổ thông của một cái không hoàn toàn ngoài lĩnh vực của mình, thì chỉ cần vài ngày đến vài tuần là đủ để làm việc. Tức là, năng suất, hay tốc độ học của một người phải chấp nhận được. Một người đã học PHP, đã biết làm PHP hai năm mà khi yêu cầu tìm hiểu một framework mới vốn không có nhiều khác biệt về cách thức tư duy và công cụ như Laravel mà cần đến 1 tháng thì không chấp nhận được, 1 tuần hoặc vài ngày thì có dấu hiệu là “đã biết cách tự học”.
Nếu thoả mãn bốn tiêu chí này, thì có thể khẳng định chắc chắn đó là một người biết cách tự học. Nhưng nếu chưa thoả mãn hết cả, hoặc chưa có cả bốn tiêu chí này thì khả năng là người đó vẫn có thể biết cách tự học, nhưng theo một cách khác. Nhưng tôi thấy để đạt được cả bốn cái này thì có quy trình khả thi. Còn những cách khác thì tôi không biết chắc.
Như tôi đề cập ở bên trên, các nhà nghiên cứu giáo dục chuyên nghiệp có thể có cách tiếp cận khác. Chúng ta sẽ hẹn dịp khác để xem xét các thứ “chuyên nghiệp” dữ dằn này.
Written by Tấn Dương