Hay là một vài câu hỏi về chương trình đào tạo

Bà ngoại Sun hỏi bố trẻ con: sao lại chuyển Sun sang trường mới xa hơn?

Bố nó trả lời (hơi ẩu một tí): vì bên đó có bữa ăn ngon hơn, sau mấy năm học hy vọng Sun sẽ có thể chất ổn hơn.
***
Chuyện này dẫn đến một câu hỏi giáo dục học thú vị và hệ trọng không kém: Một thanh niên 18 tuổi đến một campus đại học chỉ để trải qua gần 40 môn học trong vòng 4 năm để hướng đến các mục tiêu nghề nghiệp tại một công ty nào đó?
Khi đặt câu hỏi này, chúng ta thấy ngay sự bất cập trong các thảo luận về chương trình đào tạo tại trường đại học. Mọi thứ dường như chỉ dẫn đến cái CV xin việc.
Thực tế rõ ràng khác hơn nhiều.
Chàng và nàng đến Campus với tuổi thanh xuân phơi phới, ngoài nhu cầu thâu nạp tri thức để chuẩn bị vào đời, chàng và nàng còn làm quen với nhau, thậm chí là yêu nhau, gây dựng các mối quan hệ bền sâu khác với bạn bè đồng học, thử nghiệm các thứ mới mẻ, thậm chí điên rồ của tuổi trẻ, tham gia các cuộc thi khắc nghiệt để thử thách sức mình, và… chơi nữa. Campus là nơi cuộc sống diễn ra. Vì thế trải nghiệm ở Campus không chỉ là trải nghiệm học tập, mà còn là trải nghiệm trưởng thành, và trải nghiệm cuộc sống tuổi trẻ trong khuôn viên. Ngoài là sinh viên, chàng và nàng còn là công dân, là con người, là những người trẻ đầy nhựa sống và khao khát đang sống.
Vì vậy chúng ta cần nói nhiều hơn đến những yếu tố phi-khóa-học, đến những điều không to tát nhưng thực sự mang ý nghĩa và không kém phần quan trọng đối với sinh viên. Thế thì không thể tránh khỏi những thảo luận mang tính bản chất về hệ giá trị, mục tiêu tối hậu, về phương cách tổ chức, về triết lí giáo dục…
Hiện nay chẳng có mấy giảng viên quan tâm đến “triết lí giáo dục” của nhà trường, mặc dù trong người một số vị có vai vế cũng hàng bồ triết lí trên bàn trà? Có mấy cán bộ phát triển chương trình đào tạo nhìn ra vượt khỏi những “khóa học” hay “tiêu chuẩn”? Có mấy cán bộ quản trị đặt câu hỏi và đồng cảm về giá trị của “trải nghiệm học tập” hay “trải nghiệm trưởng thành” trong khi vẫn hằng ngày đối mặt với “hiệu quả”? Có mấy cán bộ tuyển sinh đủ thâm hậu để không dùng “việc sau ra trường” “câu” sinh viên tương lai? Vân vân và vân vân.
Những câu hỏi về sự cộng tác thường vắng mặt trong các lý thuyết về phát triển chương trình đào tạo. Có lẽ bởi chúng thường vượt khỏi “biên giới” quan tâm của người phát triển chương trình. Vì vậy các lí thuyết này thường cố tình loại bỏ ra khỏi lí luận những thứ không thuộc “educational objectives” để dễ bề làm việc. Tuy vậy, ngay cả khi “làm việc” xong xuôi, thường người làm ra chương trình vẫn ngẩn tò te vì kết quả không thực sự là cái mọi người mong muốn.
Liệu có phải  vì họ đã cố tình lờ đi thực tại, mà quá lệ thuộc vào sách vở?
Written by Tấn Dương