Từ lúc còn chưa biết chữ, những cuốn sách đầy hình vẽ và miếng dán đã hấp dẫn chúng ta hết giờ này đến giờ khác, hết tập này đến tập nọ. Có ai bảo ta phải nghĩ gì về “mục đích đọc sách” đâu nhỉ?

Nhớn lên tí nữa, người lớn quẳng cho ta cuốn truyện, hay vô tình đi ngang qua sạp báo thấy bán Dũng sĩ Herman, Bảy viên ngọc rồng …, ta sà xuống trả dăm nghìn và đọc ngấu nghiến thích thú. Cũng chẳng ai bảo ta phải trả lời “đọc sách để làm gì?”.
Cho đến bây giờ, khi đã qua tuổi mười tám, chúng ta vẫn còn cất giữ ở đâu đó cái sở thích đọc sách thật tự nhiên như vậy.
Nhưng chỉ dừng ở đó thì không đủ cho cuộc sống hiện đại của một người có ý định tham gia vào các hoạt động lao động có sử dụng nhiều đến tri thức như lập trình viên, kĩ sư, hay giáo viên chẳng hạn.
Bạn có thể đã nghe ở đâu đó một lời đồn đại rất hoang đường: “đọc chưa đến 4 cân sách 1 tháng thì chưa được tính là có học”. Hay ở công ty nọ có câu đồn thổi “cái lứa nhân viên thời ấy, mỗi năm so xem đứa nào đọc được mấy tạ sách”. Phải đọc nhiều như vậy thì mới may ra làm được việc gì đó tử tế. Vì cái nền văn minh, công nghệ của người Việt chúng ta còn thua xa thiên hạ, chúng ta không tự nhiên hấp thụ văn minh một cách dễ dàng từ môi trường xã hội được, mà phải chủ động tìm kiếm và học hỏi liên tục, trước nhất là từ sách.
Việc đọc sách vì thế xem ra lại là thúc ép (có thể tự giác, hoặc bị thúc đẩy bởi các lực đẩy “thực dụng” như “điểm cao”, “làm việc tốt”, “thành công hơn”, “giàu hơn” …) chứ không còn xuất phát từ tình cảm tự nhiên nữa.
Trong việc phát triển chuyên môn, tác giả lừng danh Malcom Gladwell có tham khảo các nghiên khoa học và đúc kết ra con số “thần thánh” là 10.000 giờ: là số giờ thực hành có chủ đích (deliberate practice) để một người đi từ chỗ là dân tập tọe (newbie) đến chỗ có chuyên môn cao (disciplined) nhất của nghề nghiệp. Những người xuất chúng như Bill Gates, ban nhạc vĩ đại The Beatles, … đều phải trải qua đòn thử lửa khắc nghiệt ấy của thời gian; không có ngoại lệ.
Mấu chốt ở đây là “thực hành có chủ đích”, tức là việc rèn rũa liên tục, đúng chuyên ngành và liên tục cải tiến qua năm tháng;  chứ không chỉ là việc tích lũy số giờ làm việc mỗi ngày thành 10.000 giờ. “Sống lâu lên lão làng” không phải là câu áp dụng được cho lĩnh vực tri thức.
Khắc ghi. Ảnh: sưu tầm

Khắc ghi.
Ảnh: sưu tầm

Cái chữ DISCIPLINE có gồm hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là KỈ LUẬT, nghĩa thứ hai là CHUYÊN NGÀNH. Bạn không thể thành ra người có chuyên ngành nếu không có một kỉ luật cao trong lao động trí óc. Thành ra cái việc thực hành có chủ đích thực chất là duy trì một kỉ luật cho bản thân để đạt tới tầm cao trong nghề nghiệp.
Ngẫm lại việc đọc cũng không thể nằm ngoài quy tắc ấy. Bạn không thể tự nhiên trở thành người có khả năng đọc được nhiều loại sách, càng không thể tự nhiên thành ra người biết chọn sách tinh tế. Cái kết quả đáng mơ ước mà bạn có thể nhìn thấy ở ai đó xung quanh thường phải kinh qua một thời gian dài làm việc trong ý thức và kỉ luật cao độ. Bạn cần thiết lập một kỉ luật đọc, và tuân thủ nó. Khi tích lũy đủ số giờ nhất định, bạn sẽ có nhu cầu và dần biết cách nâng cao khả năng của từng khía cạnh trong cái việc tuy giản dị nhưng cũng lắm chuyện: đọc sách.
Written by Tấn Dương