Dewey nói đại ý “giáo dục về cơ bản là giải phóng và mở rộng kinh nghiệm”.

Trẻ con như tờ giấy trắng nên việc giải phóng kinh nghiệm và mở rộng kinh nghiệm rất tự nhiên, nếu như người lớn và môi trường xã hội không đặt lên nó cái vòng kim cô đáng kể nào. Kiểu gì trẻ con cũng “chơi” được tuốt!

Người lớn thì lại khác, bị hằn sâu bởi kinh nghiệm nên nhiệm vụ “giải phóng” nó trở nên nặng nề hơn. Có vài người dạo này hay nói: “chỗ khó nhất của giáo dục là giáo dục lại người lớn”, là bởi nhìn ra  cái sức nặng khủng khiếp của kinh nghiệm trong mỗi một người lớn tuổi. Nếu không sở hữu một tư duy linh hoạt và cởi mở, kinh nghiệm của mỗi người như một tảng Ngũ Hành Sơn đè lên, thật khó khăn để giải phóng cho được.

Nhân bàn chuyện giáo dục với một vị đứng đầu đơn vị giáo dục, có nhà giáo dục đặt vấn đề: chúng ta phải giáo dục lại phụ huynh, tại sao không?

Đúng rồi, tại sao không?

Có một số phụ huynh khác đặt vấn đề với sách của Cánh Buồm: học xong quyển Văn 1 (Đồng cảm) thì con tôi được gì, làm được gì, có làm được bài văn hay hơn không, có được điểm cao hơn không? Các vị hỏi “dã man” quá, thử hỏi lại xem: các vị thực sự muốn gì ở con mình?

Thử xem một bức tranh rất bắt mắt sau đây do một cháu bé mầm non tạo thành với sự yểm trợ của người lớn: người lớn vẽ khung sườn, còn các bé chỉ cần chấm ngón tay vào màu và phết lên (có khi còn có sự gợi ý chấm chỗ nọ chỗ kia). Thử hỏi, học sinh học được gì qua trò chơi này? Và bức tranh đèm đẹp kia là cái mà phụ huynh muốn thấy được qua quá trình giáo dục con mình, hay là cái gì khác?

Một siêu phẩm của tuổi thơ

Một siêu phẩm của tuổi thơ

Câu hỏi cuối: người lớn có nên bớt đi sự sốt ruột, kiềm chế sự thực dụng sát mặt đất lại, và có nên .. đi học lại cùng con?

Written by Tấn Dương