Dù muốn nay không chúng ta ai cũng có nhiều căn tính (identity).
Ở nhà có thể là một ông chồng bỏ bê việc nhà, nhưng ở cơ quan lại có thể là một nhân viên cần mẫn.
Ở công ty có thể là một nhân viên chỉ biết làm tròn vai, nhưng ở quán karaoke và các cuộc ăn chơi thì lúc nào cũng tỏa sáng như ngôi sao và leader thực sự.

Khi bán hàng thì có thể là một sát thủ, kì kèo bớt một thêm hai, nhưng khi làm từ thiện thì lại cho đi không thương tiếc.
Một người hội tụ rất nhiều đặc điểm nhận dạng, phụ thuộc vào bối cảnh và mối liên hệ phức tạp mà chị ta có. Vừa là một bà vợ, vừa là một cô bạn, vừa là một nhà sư phạm, lại vừa là một bà mẹ, vừa là một nhà hoạt động xã hội, vừa là một kẻ thích đọc sách, vừa là một đứa nghiện game online. Vậy nếu phải gọi chị ta bằng cái định danh thì chúng ta thường lười nhác phó mặc cho định kiến mà chọn lấy một thứ mà chúng ta chạm vào được. Nhưng nó cũng không khác gì cái cách mà thầy bói mù xem voi. Sai toét cả.
Một con người, đúng là phức tạp, phức tạp như một vũ trụ nhỏ vậy.
Thế thì đừng mong đơn giản hóa về một cái định danh. Để rồi té ngửa ra “ông này giáo sư mà sao lại buôn bán kinh thế”.
Đơn giản hóa này tệ hại hơn chúng ta tưởng. Tư tưởng gia từng nhận giải Nobel, ngài Amarty Sen từng lập luận trong “Căn tính và bạo lực” rằng chính cái thói đơn giản hóa về căn tính của con người, của một cộng đồng người mà dẫn đến những xung đột trên thế giới. Chiến tranh viện cớ một lí tưởng, hay một tôn giáo là một trong số những ví dụ tiêu biểu nhất về xung đột kiểu này. Chúng để lại một hệ quả khủng khiếp. Và như cụ Sen nhận xét, thì nguyên nhân có phần từ chỗ phiến diện hóa căn tính của con người.
Ở Việt Nam bạn có thể dễ dàng gặp một người nói là theo đạo phật nhưng lại thờ mẫu. Hay một người sáng cuối tuần nào cũng đi nhà thờ Thiên Chúa, nhưng lại rất tích cực thực hành những lời dạy của Thích Nhất Hạnh. Vậy thì phải gọi họ bằng cái “căn tính” tôn giáo nào?
Vậy thì việc chuyển dịch từ óc định kiến về căn tính sang đa căn tính thì mang lại điều gì?
Nó mang đến một cái nhìn rộng mở hơn để tìm hiểu về nhau, rộng lượng hơn về đặc tính của con người, dễ chấp nhận nhau hơn, bớt cực đoan hơn, và dễ làm bạn với nhau hơn. Bớt tranh cãi đi, để thời gian mà thấu hiểu. Học cách lắng nghe, quan sát và tập cách thích ứng hơn là giữ mãi cái óc phiến diện về một đặc điểm có vẻ như là cố hữu.
Written by Tấn Dương