Lần đầu tôi được chứng kiến cách dạy kiểu Student Teaching là khi học thầy Eric – một cao thủ giảng sư đại học. Với Student Teaching, thầy không cần dạy, mà trò thì học như điên, kết quả thì khỏi phải nói: quá tuyệt.

Bắt đầu với môn học, thầy chỉ ra kì vọng của mình: tôi không chấp nhận kết quả học tập kém, và các bạn thì thừa sức đạt Distinction (giỏi) – dễ như bỡn.

Cũng hôm đó, thầy nói “tôi không giỏi tiếng Anh, dù tôi là người Mỹ”!?

Rồi thầy  trưng ra thống kê của Briggs cho thấy: cách học dở ẹc nhất là nghe giảng\dở ẹc thứ nhì là cắm đầu vào đọc sách\tốt nhất là dạy nhau cái mình biết\tốt nhì là bắt tay giải quyết bài toán chính mình vướng phải. Tôi sẽ để các bạn làm cái tốt nhất. Cả lớp cứ há hốc mồm.

Rồi thầy thuyết trình bài đầu tiên. Hai mươi đứa thì hai mốt đứa mắt trợn ngược không hiểu gì. Lòng bảo dạ: phen này phải tự lao đầu vào học không thì toi cái tám trăm đồng (phí cho một môn học).

Thế là theo kế hoạch của thầy, cả lớp phân làm bốn nhóm, mỗi nhóm đọc trước một chương, giảng lại cho các nhóm khác, thiết kế bài tập cho các nhóm khác làm, chấm bài và gửi lại cho thầy đánh giá. Tất nhiên là cả bài tập lẫn nội dung slide đều phải qua tay thầy duyệt và comment trước. Cứ thế xoay vòng cho hết cái chương trình của môn học.

Hôm mình qua văn phòng thầy nộp bài, thấy có cả đống slide và bài tập; cái nào cái nấy chuyên nghiệp kinh khủng. Hóa ra lớp nào thầy cũng dùng bài “student teaching” thì phải.

Trong đề cương của thầy mỗi nhóm phải hoàn thành một dự án. Đầu giờ học, các nhóm có 15 phút để kiểm tra tiến độ và các khó khăn của mỗi dự án. Rồi comment lẫn nhau. Không khí rất sôi nổi, và hiếm khi thấy sự chểnh mảng trong các nhóm vì project có khối lượng công việc không nhỏ, không làm liên tục thì cuối kì tha hồ mà hộc hơi.

Sau mỗi buổi học khoảng một tiếng, thầy đưa bài quiz nhanh, khoảng 10 phút. Đứa nào không làm được 8/10 (đủ để được điểm distinction) câu thì phải làm bài tập lớn bổ sung. Sợ vất vả, đứa nào đứa nấy phải mài đũng quần ở thư viện, đọc kĩ giáo trình, làm bài tập sơ cua trước khi đến lớp. Trong lớp chỉ có một tiếng nên đứa nào cũng chăm chú, tham gia tích cực vào bài giảng và các hoạt động trên lớp. Do bạn mình giảng bài nên đứa nào đứa nấy mạnh dạn hỏi han, comment tùm lum lên. Kết quả là hôm nào cũng chỉ hai ba đứa phải làm bài tập làm thêm (gọi là Student Learning Asignment – vừa phải làm, vừa phải chấm cho nhau, nếu chấm điểm thấp thì phải ghi rõ vì sao thấp, cách để nâng điểm).

Kết quả thi cuối kì môn ấy, tổng hợp lại các điểm quiz, điểm project và điểm thi cuối kì, toàn điểm  DI (Distinction – Giỏi) và HD (High Distinction – Xuất sắc) cả. Tuyệt nhiên không đứa nào trượt. Hoàn toàn thỏa mãn.

Written by Tấn Dương