Ở ta có chuyện thế này: một học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ cấp hai hoặc sớm hơn, lên cấp ba lại học tiếp, lên đại học lại học tiếp. Vậy tính ra học rất nhiều. Nhưng cuối cùng trình độ phần lớn chỉ dừng ở sơ cấp gì đó. Phần nhiều vẫn bị coi là mù-câm-điếc. Trong khi một học sinh học đều đặn ở British Council hoặc ACET thì chỉ 2 năm là rất thạo.

Tương tự như thế, một học sinh học tin học từ lớp 10, tức là bắt đầu làm quen với tư duy lập trình từ cấp 3, lên đại học (chuyên ngành IT) lại học hàng tá hầm bà lằng những ngôn ngữ lập trình, những thuật toán, những kĩ nghệ nọ kia. Vậy mà ra trường vẫn lập trình không nổi. Cơ bản là chỉ viết được vài chương trình demo cho vui mắt. Trong khi ở xứ Tây Thiên, người ta chỉ cần chưa đầy 2 năm để biến một học sinh mới toe với máy tính thành lập trình viên thạo việc.
Ta có thể lấy thêm ví dụ giống như hai ví dụ trên.
Quy luật nó là như thế này: học nhiều không hẳn là cứ phải giỏi. Nếu như dạy không đúng, kiến thức và kĩ năng mà học sinh có được không tỉ lệ thuận với số giờ được học. Sự khác nhau ở hai thái cực kể trên chính là ở chỗ các cơ sở đào tạo có làm đúng “khoa học” giáo dục không? Có giúp sinh viên tự “tiêu hóa” kiến thức và “rèn” kĩ năng tiến bộ và tích lũy theo từng ngày, ngày sau cao hơn ngày trước hay không.
Người ta hay nói “trải nghiệm” rất quan trọng đối với việc học, thế tại sao lại “trải nghiệm” nhiều thế mà vẫn không “ngon” lên được? Thực tế thì nếu có “trải” mà không có “nghiệm” thì sẽ chẳng có gì cả, mù-câm-điếc vẫn sẽ hoàn điếc-mù-câm mà thôi.
Ảnh minh họa PS. không nhất thiết liên quan gì đến nội dung bài viết

Ảnh minh họa
PS. không nhất thiết liên quan gì đến nội dung bài viết

Written by Tấn Dương