Mình là người cổ súy nhiều cho việc đọc, nhưng rất ít khi hướng dẫn tận tình chi tiết về việc đọc cho các bạn học nghề lập trình, vì nhiều lí do. Mình ngờ rằng phần lớn các nhà giáo khác cũng thế nốt. Hay đòi hỏi sinh viên PHẢI đọc đi, nhưng không khi nào chỉ cho họ đọc cái gì, và đọc như thế nào thì hiệu quả. Viết bài này, mình muốn bạn sinh viên/Lập trình viên nào mà đọc được thì biết được mình cần phải đọc những gì cho chặng đường dài hành nghề phía trước. 

Trước khi bắt đầu, mình có mấy giả định, nếu các giả định này chưa được đồng thuận thì những gợi ý phía dưới về những thứ cần đọc của một lập trình viên có thể vứt vào sọt rác được, bạn không cần quan tâm.

Giả định 1: có thể bạn có nhiều kênh học tập và tiếp thu thông tin khác nhau, nhưng bạn coi việc đọc là kênh tự học căn bản bậc nhất.

Giả định 2: bạn đang băn khoăn “đọc bao nhiêu là đủ”, “đọc rộng như thế nào mới tạm chấp nhận được”.

Giả định 3: bạn cầu thị, muốn trở thành lập trình viên giỏi, muốn tốt hơn qua từng ngày sống trên đời.
Vậy nhé, ta bắt đầu.
Vui đọc sách - Ảnh: Internet

Vui đọc sách – Ảnh: Internet

1. Nếu bạn muốn đi làm thuê chuyên nghiệp

Mình căn cứ trên một khảo sát của ETS ở Mĩ (Xem chi tiết tại đây:  “Standards for What?The Economic Roots of K-16 Reform) để làm ví dụ về những thứ ta cần đọc. Theo đó, bộ kĩ năng cần thiết để làm việc trong thế kỉ 21 mà các nhà quản lí đòi hỏi ở nhân viên của mình bao gồm:
  1. Kĩ năng căn bản: đọc, viết, tính toán
  2. Kĩ năng nền tảng: biết cách tự học
  3. Kĩ năng giao tiếp: lắng nghe và nói chuyện
  4. Kĩ năng thích nghi: giải quyết vấn đề và tư suy sáng tạo
  5. Sự hiệu quả nhóm: các kĩ năng liên cá nhân, thương lượng, làm việc theo nhóm
  6. Khả năng gây ảnh hưởng: hiệu quả tổ chức và lãnh đạo
  7. Tự quản: tự trọng, động lực/đặt mục tiêu
  8. Thái độ: tư duy tích cực
  9. Kĩ năng ứng dụng: năng lực nghề nghiệp và chuyên môn.
À, thế thì rõ rồi nhỉ. Nếu bạn chỉ cắm đầu vào luyện các loại kĩ năng code, kĩ năng thiết kế, kĩ năng hack … thì mới chỉ thỏa mãn được cái số 9 thôi. Còn lại 8 mục kia, có thể bạn đã đánh giá thấp chúng rồi đấy.
Vậy ngoài cái hiển nhiên là phải tìm đọc các sách vở, tài liệu về chuyên ngành, bạn sẽ phải
  • tìm kiếm các sách vở, tài liệu, nghiên cứu về “kĩ năng đọc sách” để có thể đọc được dăm cuốn sách về công nghệ mới mà sếp yêu cầu nghiên cứu trong vòng 1 tuần;
  • đọc thêm hướng dẫn về “kĩ năng viết” (ví như bạn có thể sẽ phải viết hàng trăm trang báo cáo cho sếp về công nghệ cần sử dụng;
  • về “kĩ năng tự học” để mình nhanh chóng nắm bắt các công nghệ mới thay đổi xoành xoạch trong ngành IT;
  • tìm sách để học thêm về cách thức giao tiếp hiệu quả với sếp, với đồng nghiệp, với khách hàng (dân LTV xưa nay vẫn thường bị chê rất dữ về khoản này, có khi làm hỏng cả hợp đồng, thiệt hai không biết đâu mà kể – bạn có chắc là bạn viết một email đúng quy cách khi gửi cho sếp?);
  • tìm sách đọc thêm về tư duy sáng tạo, về cách thức giải quyết vấn đề để luôn tạo ra nhiều giá trị hơn (công việc của LTV là công việc đòi hỏi kĩ năng này rốt ráo hơn hết, có một đặc điểm quan trọng của nghề LTV là : nếu biết cách giải quyết vấn đề, một người có thể làm việc bằng cả 10 người cộng lại);
  • tìm sách đọc thêm về làm việc nhóm, tương tác nhóm, về tổ chức, lãnh đạo, quản lí để biết quản lí chính bản thân mình, lãnh đạo mình tiến tới mục tiêu trên đường đời, đồng thời có khả năng dẫn dắt những đàn em trong cùng đội nhóm, hoặc sẽ làm quản lí/lãnh đạo của công ty (vẫn là làm thuê, nhưng là làm sếp – từ bé tới lớn);
  • tìm sách đọc thêm về  cách thức hiệu quả để tự quản lí bản thân tốt hơn, đặt mục tiêu tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, làm việc ít stress ơn mà vẫn được việc hơn.

Đã hết chưa? Mình nghĩ là chưa, ai mà biết được? Nhưng hãy coi như danh sách trên đây là tối thiểu nhé. Bạn cũng thấy đấy, tại sao người ta lại liệt kê cái kĩ năng “đọc” vào hàng đầu vậy? Vì đơn giản là nếu bạn đọc dở (chậm, hoặc đọc không nhớ, đọc không hiểu …) thì bạn chẳng bao giờ có thể đọc đủ những thứ cần đọc. Vậy hãy bắt đầu bằng việc đọc các sách hướng dẫn đọc hiệu quả hơn nhé.

2. Nếu bạn muốn làm lãnh đạo

Dù vô tình hay hữu ý, không sớm thì muộn, rồi bạn cũng sẽ được|bi dí vào một vị trí quản lí/lãnh đạo. Còn gì tệ hại và vô duyên hơn nếu như lúc ấy bạn không biết quán lí, lãnh đạo thế nào. Lãnh đạo hay quản lí là thứ căn bản mọi người cần phải học, như bạn học ngôn ngữ lập trình vậy. Nhắc lại nhé: nó là thứ căn bản cho lập trình viên, chứ không phải cho lãnh đạo. Số lượng người sinh ra đã làm lãnh đạo hiếm lắm, phần lớn do học hành (tự học hoặc được đào tạo) mà thành.
Vậy hãy tập trung nhiều hơn vào các khoản mục 5-6-7 trên kia để đọc kĩ hơn.
Còn điều này nữa, một số công việc quản lí/lãnh đạo trong lĩnh vực tri thức như phần mềm đòi hỏi nhiều hơn ở nhà lãnh đạo (xem thêm: Phronesis – sự khôn ngoan thực tiễn), ở đó đòi hỏi người lãnh đạo phải có hiểu biết rộng ra cả các lĩnh vực xã hội, nhân văn, chính trị, triết học. Có thể bạn cũng sẽ tìm thấy lợi ích từ việc đọc các mục sách này ngay từ lúc chập chững học nghề LTV. Cứ thử xem!

3. Nếu bạn muốn làm chủ

Một số người hay sờ vào chân con voi để mô tả con voi nó như cái cột đình. Một số người khác thì hay nói là “Bill Gates” không cần học vẫn thành tỉ phú. Bạn đừng có rơi vào cả hai tập hợp người này nhé.
Một LTV muốn khởi sự (startup) tức là bắt đầu bước một chân ra khỏi chỗ ngồi yên ấm của mình để bắt đầu những thứ hoàn toàn xa lạ. Ví như tinh thần doanh nhân, tài chính, phát triển khách hàng, marketing, PR, networking, partnership v.v.  Thật là vô cùng mênh mông bể sở.
Làm chủ tức là dấn thân vào chiến trường. Có câu thế này: “đổ mồ hôi trên thao trường để ra chiến trường không phải đổ máu”. Một số người ví von người khởi nghiệp là doer, không phải thinker, nên nói “đừng nghĩ nhiều, hãy làm đi”. Tôi thì muốn nói câu đó khác đi một chút: hãy là người hành động mạnh mẽ, nhưng hãy là doanh nhân có doanh trí, không phải là một tay kĩ thuật mắt cận lòi [lúc nào cũng ngô nga ngô nghê] lấn sang địa hạt kinh doanh.

Thay lời kết

Bạn đã học đủ để cảm thấy tự tin chưa? Bạn đã đọc đủ chưa hỡi các Lập trình viên đầy đam mê và khát vọng?
Đấy là mình cố tình bỏ đi một mục hay nhưng hóc búa: “nếu bạn muốn làm người tốt”. Trong khi làm LTV, bạn cũng làm người, vậy thì câu hỏi ấy cũng cần phải đặt ra đúng không? Nhưng tạm thế đã nhỉ. Giờ thì vào Amazon.com hoặc Alezaa.com, hoặc Tiki.vn mà tìm sách đi nào!
Written by Tấn Dương