Có quan điểm “giáo dục phải lấy người học làm trung tâm”. Nhất trí!

Có người hỏi “như thế nghĩa là thế nào?”. Bắt đầu bí.

Hỏi thêm “[thiết kế]bài giảng như thế nào thì là lấy người học làm trung tâm?”. Lần này thì bắt đầu rối tung lên.

Trong “Cách ta nghĩ”, Dewey chỉ rõ người lớn có mối quan tâm chuyên biệt hơn trẻ nhỏ, việc học bị chi phối rất nhiều bởi các kinh nghiệm và bối cảnh (địa vị xã hội, mục đích đi học, mục đích nghề nghiệp …) trước đó. Vì thế nếu biết được các kinh nghiệm trước đó, cùng với “mối quan tâm chuyên biệt” ấy là gì, ta có thể động viên được người học. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất về việc học (xem thêm “How people learn”).

Knowles cho rằng người học (trưởng thành) luôn quan tâm đến vấn đề trước, rồi tìm cách cách giải quyết vấn đề ấy. Vì thế một bài giảng phải giúp người ta “thỏa mãn” được mối quan tâm tự nhiên ấy, từ đó mới có được động lực tự nhiên kích thích người học. Một bài giảng tập trung vào “chuyển giao thông tin” dưới bất kì hình thức nào đều lấy nội dung làm trung tâm của việc dạy, sẽ không phù hợp với tâm lí của người học, giới hạn kết quả của việc học.

Vậy “thế nào là lấy bài toán làm trung tâm”? Và thế nào là “lấy nội dung làm trung tâm”? Ta xem hai ví dụ (chỉ là ví dụ) dưới đây:

1. Tình huống một

Trong bài giảng về Hàm, cô giáo viết lên bảng dòng chữ

“Hàm số”

[Rồi bắt đầu giảng giải]

Hàm là một quy tắc cho tương ứng giữa hai tập hợp X và Y, với mỗi x thuộc X, có một y thuộc Y, và ta viết là y = f(x).

Ví dụ như y = f(x) = 2.x, với x bằng 1 thì ta có y = 2.1 = 2.

Các em nắm được chưa?

[Học trò: dạ rồi ạ

Rồi cô giáo giảng tiếp]

2. Tình huống Hai

Cô giáo hỏi: bạn nào đã đi chợ mua gì cùng bố mẹ hay anh chị chưa?

Bạn Tùng: dạ hôm qua em đi mua chuối ạ

Bạn Bình: dạ em với chị đi mua quần áo ạ. Em mua được cái thắt lưng rất đẹp

Bạn Thành: dạ hôm nọ em cùng ông nội đi mua cái trống chèo ạ.

[Cả lớp nhao nhao]

Cô giáo: rồi, tốt lắm, thế có ai được giảm giá tí nào không?

Bình: có ạ, chị em dắt vào cửa hàng sale 30% ạ.

Thành: dạ có ạ, một nửa

Cô: Bình cho cô biết giảm 30% có nghĩa là thế nào?

Bình: cái thắt lưng của em có giá 100 nghìn, được giảm 30 nghìn ạ. Em chỉ phải trả có 70 nghìn thôi. [Mặt hớn hở].

Cô: thế 30% giảm giá nghĩa là thế nào?

Bình: là 30% của 100, là 30 nghìn ạ.

Cô: rồi giỏi lắm. Vậy là lớp mình có một người hiểu thế nào là hàm số rồi đấy.

[Viết lên bảng và đọc to]

Giá_thắt_lưng = giá_gốc – giá_gốc X tỉ_lệ_giảm_giá.

                           = 100 – 100X30% = 70 (nghìn).

Cô giáo:  Thành có làm được phép tính như thế này không?

Thành: dễ như bỡn ạ [ Rồi tự tin lên bảng, viết phép tính tương tự ]

[Ngay sau đó cô giáo dẫn giải sang khái niệm hàm số: f(x) = a.x, rồi thử thách các bạn giải các bài toán khác như tính phản lực tác động vào một vật cũng với phương trình f=m.a, và tính doanh thu của một cửa hàng dựa trên lượng hàng bán ra với các lượng giảm giá tương ứng…]

Trong tình huống một, cô giáo tập trung vào giảng giải cặn kẽ khái niệm, truyền tải nội dung cho học trò, và hy vọng học trò hiểu được. Cô kết hợp với lấy ví dụ và cho làm bài tập trên lớp. Cách này tuyến tính, và không tính tới “bối cảnh” là các học trò của mình có liên quan  gì đến khái niệm này hay không. Toàn bộ bài giảng tập trung vào “dạy hết” nội dung có trong giáo án soạn sẵn trong phạm vi một tiết học đã quy định.

Tình huống hai ngược lại. Người học được tham gia  vào quá trình đi đến khái niệm và phương pháp, cũng là cái cốt lõi của bài giảng; được trực tiếp giải quyết vấn đề của mình sử dụng một khung kiến thức nào đó. Đây là một bài giảng tương tác cao độ, xoay quanh các bài toán thực tiễn để học khái niệm mới và cách thức giải quyết vấn đề.

Nhìn hai ví dụ trên có thể bạn mường tượng ra được thế nào là “lấy nội dung làm trung tâm” vs. “lấy bài toán làm trung tâm” rồi chứ?

Nếu sử dụng cách tiếp cận “lấy nội dung làm trung tâm” để thiết kế (hay dùng tự “soạn” cho nôm na) bài giảng thì nhà giáo có rất ít đất để sử dụng các loại phương pháp học tập giàu trải nghiệm như đóng vai, trò chơi, thảo luận, tình huống nghiên cứu .. Kết quả cho ra toàn những bài giảng nghèo nàn, tuyến tính, không hứng thú. Những bài giảng loại này chính là sát thủ giấu mặt của việc học.

Dạo này người ta bắt đầu nói nhiều đến cái mốt “giảng dạy tích hợp”, hay “học tập tích hợp”. Nếu dùng “tiếp cận nội dung” thì không bao giờ mặc được cái áo này. Trong khi nếu dùng hướng “bài toán – vấn đề” thì tự nhiên nó tích hợp rồi. Vì chẳng có bài toán thực sự nào ở trong chân không cả!

Trên đây chỉ đưa ra hai ví dụ đơn giản về một tình huống trên lớp để làm rõ sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận. “Problem-centered” hay “Problem-based learning” không chỉ có thế. Nó còn nằm ở cách đặt vấn đề trong toàn bộ khóa (hay môn) học, trong tài liệu học tập, trong cách thức tương tác ngoài giờ học giữa thầy cô – học trò, giữa học trò với nhau, và giữa học trò với chính học trò đó. Thực tế, phương châm thiết kế học tập dựa trên các bài toán không chỉ có ích cho người lớn, mà còn rất hữu ích cho trẻ con nữa. Điều khác biệt ở đây có chăng ở chính các bài toán. Trẻ con quan tâm tới một danh sách các bài toán đặc thù, theo một kiểu đặc thù, còn người lớn theo một kiểu khác; vì thế cách thức và định hướng sẽ phải căn cứ vào đó mà vận dụng chữ tùy. Việc này cũng không hẳn là rắc rối lắm. Chỉ cần đặt câu hỏi : hôm nay, bài toán nào?

bt

Những bài liên quan:

Written by Tấn Dương