“Nhất tự vi tư” – Quên câu ấy đi

Con chữ do tự mình học lấy, không ai nhồi nhét được. Chừng nào còn rao giảng “Nhất tự vi sư” thì chừng đó Thầy còn đứng ở trung tâm của giáo dục. Nhưng cái rốn phải là Trò mới đúng.

Instructor 2.0

Thầy không phải là thầy theo nghĩa sư phụ – người cha, tức bề trên nữa, Thầy chỉ là người chỉ đường thôi. Quan niệm Thầy là Instructor tức là đổi chiều quan hệ Thầy trò từ quan hệ thẳng đứng – từ trên xuống – sang chiều ngang, người dẫn đường, người theo sau, và đi cùng. Dân chủ hơn. Một số Thầy đã yêu cầu Trò xưng “tôi” trong giao tiếp thầy trò. Đó mới chỉ là Instructor đời 1.0, bước thay đổi căn bản về Tư duy.

Version 2.0 của Instructor quy định phong cách làm giáo dục mới của người Thầy: thời của công nghệ dạy học, khoa học giáo dục và thời đại của đại chúng. Giáo dục muốn đại chúng phải tùy biến được, phù hợp với nhiều người hơn. Thế thì không thể nào không viện dẫn đến nghiên cứu về việc dạy và học, các ứng dụng về giáo dục học và công nghệ giáo dục để tối ưu hóa tiến trình giáo dục. Trước đây công sức 100% nhờ thầy, nên sức đáp ứng có giới hạn, 1 thầy – 20 trò, nay con số ấy có thể tăng lên 1-50 hoặc hơn thế nữa. Muốn thế cần dân chủ hóa nền giáo dục thêm nữa, đẩy nhiều trách nhiệm về người khác thay vì chỉ trông chờ vào người thầy. Trò phải lên phiên bản 2.0 và Thầy cần hỗ trợ của các công nghệ phụ trợ, trong đó có máy tính là thành phần chủ đạo.

Student 2.0

Sinh viên đời mới được quyền có chủ kiến về việc học của mình và phải biết tự chịu trách nhiệm về việc học của mình. Đồng thời phải biết được cách học tốt nhất; được cung cấp Công nghệ học tập để trợ giúp chính mình trong quá trình phát lộ khả năng cá nhân, tự lên kế hoạch và  theo dõi tiến trình học tập của bản thân. Trò đời 2.0 phải biết quên cái câu “Nhất tự vi sư đi” để tự mình hành trình trên con đường lĩnh hội tri thức. Trò đời mới phải biết Trải-nghiệm việc học như là một Trải nghiệm cuộc đời, chứ không phải là quá trình thu nạp thông tin một cách thụ động theo đường lối của ai đó. Bản thân Trò là một người Đã-trưởng-thành đang tham gia cái quá trình giáo dục ấy chứ không phải là Người-sẽ-trưởng-thành được nhào nặn bởi tiến trình giáo dục.

Class 2.0

Lớp học không phải là nơi truyền ý chỉ của tiền nhân, không chỉ là nơi truyền thông điệp của người thầy. Nó là thao trường của trí tuệ. Các thử thách, công cụ, phương pháp, lý thuyết, kĩ năng chỉ là thứ cung cấp cho sự luyện tập thật sự trong thao trường. Thao trường ở đây cần đủ khắc nghiệt, nhưng phải giữ được cái chất Thật của cuộc sống để nó không trở thành Nơi-chuẩn-bị cho cuộc sống mà là Nơi-cuộc-sống-diễn ra với một loạt các hoạt động đặc thù.

Curriculum 2.0

Khóa học được thiết kế với đầy đủ các yếu tố môi trường, giáo trình, phương pháp, người thầy và người trò tương thích với triết lý đổi mới để có thể thực sự trải nghiệm hoạt động tự trưởng thành của Thầy và Trò. Trung tâm của chương trình học có thể không hẳn là Trò, mà là không-gì-cả. Tất cả đều là một mạng lưới với vai trò không thể thiếu trong hệ thống. Môi trường là nơi đắm mình của các hoạt động, cần được thiết kế và duy trì tính tương thích với triết lý giáo dục mới, với Thầy mới và Trò kiểu mới. Giáo trình là cẩm nang hướng dẫn lộ trình cùng đi đến đích của Thầy và Trò, phương pháp là tinh thần của cuộc sống giáo dục, công cụ là cái xe chở tinh thần đó; Thầy và trò là người vận hành cỗ xe giáo dục của chính họ.

Environment 2.0

Không khí 2.0 phải toát lên từ cái bàn, cái ghế, tới cái máy tính hay những nhân viên không trực tiếp tham gia việc giảng dạy. Việc học là một hoạt động sống, nó cần có hệ sinh thái chứ không được cô lập. Không có môi trường thích hợp, giáo dục dễ sa vào bế tắc.

Center 2.0

= Student 2.0 + Instructor 2.0 + Class 2.0 + Curriculum 2.0 + Environment 2.0

(Bài đăng lại một entry ngày 20-11-2010)

Written by Tấn Dương