Sáng nay tôi được mời tới nói chuyện với sinh viên Trường đào tạo lập trình FUNiX về những điều cần quan tâm ngoài việc lập trình. Đây quả là chủ đề rộng, tôi chỉ dám trình nhanh vài ý mình đã có tìm hiểu và chiêm nghiệm ít nghiều. Các ý chính được liệt kê dưới đây.


1. Biết cách quản lí công việc một cách khoa học

Diễn nôm là biết cách quản lí công việc của mình, quản lí việc sử dụng thời gian sao cho hiệu quả. Một trong các phương pháp hiệu quả hàng đầu hiện nay là quản lí công việc và thời gian hiệu quả  sử dụng Kanban cá nhân.

2. Biết cách quản lí năng lượng, ngủ nghỉ hợp lí

Vì đó không chỉ là vấn đề đảm bảo năng suất lao động, mà còn đảm bảo chất lượng cuộc sống – thứ rất xa xỉ đối với nhiều coder trẻ bị cuốn theo cơn lốc của deadline, OT.

3. Biết cách học thật hiệu quả, muốn vậy phải học thêm về cách học

Điều này không chỉ có ích cho coder mới, mà là hệ trọng đối với tất cả người trưởng thành đang sống trong thời đại thay đổi xoành xoạch như cơm bữa hiện nay. Phần lớn những công việc mà chúng ta sẽ làm sẽ hoàn toàn mới mẻ, không học được là tụt hậu và không thể hòa nhập được chứ đừng nói đến thành công hay tầm cao này nọ.

4. Thiết lập thói quen đọc sách

Không đơn thuần là chuyện đọc để thêm kiến thức (có những phương thức khác để tìm kiếm kiến thức nhanh hơn đọc sách: Google, blog, học mót từ người đi trước…), đọc sách còn kiến tạo những giá trị văn hóa, và tạo lập một cuộc du hành của tư tưởng hoàn toàn tự do cho đến hết đời. Bill Gates, Mark Zuckerberg đều là những điển hình về chăm đọc sách. Tất nhiên, coder không nên chăm đọc sách cho “hợp mốt”, mà đơn giản vì nó rất có giá trị đối với bản thân mình.

5. Học cách giao tiếp cho hiệu quả

Ở xã hội hỗn độn về thông tin, ở thời đại mà chúng ta có xu hướng “cùng nhau cô đơn” trong khi vẫn tưởng mình kết nối nhờ chiếc điện thoại thông minh mới cóng hay chiếc iPad tân kì, thì giao tiếp lại càng trở nên hệ trọng biết nhường nào.

Giao tiếp kiến tạo các mối quan hệ, nó cũng có thể phá hủy các mối quan hệ. Nó cũng có thể giúp ta thăng tiến nhanh, nhưng cũng có thể phá hủy cơ hội được làm việc. Giao tiếp là nền tảng số 1 để làm việc cùng nhau.

Dù dưới hình thức giao tiếp trực diện, hay là trao đổi nhanh trên Facebook, hay gửi thư kiếm việc, hoặc đệ trình các dự án, hay thuyết trình trước đám đông…; tất tần tật đều là những thứ nền tảng để chúng ta làm việc và sống chung với nhau. Tiếc là, rất nhiều coder lại không thích nói chuyện và cứ coi như đó là điều hiển nhiên của cánh viết mã 🙂

6. Trở thành nghệ nhân phần mềm

Cá nhân mỗi coder cần phải trở thành nghệ nhân phần mềm, hoặc ít ra là có tinh thần nghệ nhân khi làm phần mềm. Cứ tưởng làm nghệ nhân thì khó, thực lại không phải. Nghệ nhân có thể có đẳng cấp cao, nhưng cũng có thể đơn giản là một nghệ nhân “phường”.

Chúng ta có thể gặp hàng chục nghệ nhân với tầm cỡ rất khác nhau ở làng gốm Bát Tràng như thế.  Nhưng tất thảy họ đều yêu nghề, sống chết với nghề, say mê học hỏi và kiến tạo sản phẩm, và có thể sống cả đời với nghề, thậm chí cha truyền con nối.

Tinh thần nhà nghề này được một loạt những chuyên gia phần mềm kì cựu như Andy Hunt, Uncle Bob và cộng sự  tuyên bố trong bản “Tuyên ngôn Nghề thủ công phần mềm” xuất hiện gần 1 thập kỉ trước.

Tuyên ngôn Nghề thủ công phần mềm (AgileVietnam dịch)

7. Biết cách cộng tác hiệu quả

Như các nhóm làm phần mềm Scrum chỉ cho thế giới thấy rằng có nhiều cách đơn giản để thiết lập cách thức làm việc với nhau sao cho hiệu quả nhất. Nhà trường hiện nay đang lạc hậu trong việc dạy cách thức cộng tác hiệu quả với nhau, dẫn đến hệ quả là có rất ít nhóm làm phần mềm ở ta đạt được năng suất như mong muốn, làm ra được những sản phẩm chất lượng cao và chinh phục người dùng. Cộng tác là việc khó, nhưng có thể học được, học càng sớm càng tốt. Và, học cách dùng Scrum để cộng tác trong nhóm phần mềm là một khởi đầu rất hiệu quả.

8. Thực hành tiết kiệm, học cách giữ tiền và tư duy quản trị tài chính.

Nhiều coder rất hoang phí chạy đua với các “công nghệ”, với các “phụ kiện” tân kì cứ mỗi năm đổi một thế hệ, chạy đua với những cuộc “giao lưu” thật hoành tráng, dẫn đến tình trạng có lương (thậm chí là cao) nhưng cuối tháng vẫn dính bệnh “viêm màng túi”.

Nên bắt đầu rất nhỏ, ví dụ như tiết kiệm 15% đồng tiền kiếm được, rồi sau đó đi xa hơn là biết đặt mục tiêu để kiếm được thêm (tất nhiên là những đồng tiền chân chính), rồi đi xa hơn là biết cách dùng đồng tiền kiếm được để đầu tư vào những kênh hiệu quả.

Nếu có tiền tiết kiệm, coder có thể có nhiều lựa chọn hơn khi lâm vào tình thế khó khăn trong cuộc sống hoặc nghề nghiệp, hoặc có tiền để mạnh dạn khởi nghiệp một cách chủ động, hoặc đơn giản là để mình “an toàn hơn”, “yên tâm hơn” mà tập trung vào công việc hiện tại.

9. Học được tư duy Khởi nghiệp Tinh gọn

Kiến thức về Lean Startup không chỉ có ích cho mỗi startup, nó còn giúp coder tư duy lại về cái mình làm ra, giúp cho sản phẩm của họ có giá trị hơn với người dùng cuối. Tất nhiên, học được tư duy này, coder cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc những thí nghiệm với dòng code của mình để bắt đầu tìm kiếm những user đầu tiên, những khách hàng đầu tiên – chính là cơ sở cho những startup trong tương lai.

 

Xem thêm:

Written by Tấn Dương