Quá nhiều điều cần biết với startup. Rất nhiều khi người làm startup có cảm giác là ta đang thiếu mọi thứ, ta cần phải biết mọi thứ.
Nhưng cần những thứ gì để có thể làm được ngay, một “good start”?
Tôi nhận thấy có một vài điều ít ỏi rất hữu ích nên biết trước khi startup thì hơn:

1. Một cách tiếp cận khác về startup, và một tâm thế khác.

Startup với tinh thần “thất bại sớm, thất bại thường xuyên” và “tích cực thử nghiệm”. Lean Startup cần phải trở thành tiếp cận chủ đạo của startup. Đây là một sự thay đổi nhận thức hết sức căn bản.

2. Không phải là sản phẩm, cũng không phải là khách hàng, mà trọng tâm phải là mô hình kinh doanh.

Cần tư duy rộng hơn về cái cốt lõi của startup. Nhiều startup nói “cố làm sản phẩm cho tốt rồi bán”. Thực tế thì “phải bán được mới gọi là sản phẩm tốt chứ?”, hãy để khách hàng đánh giá cái sự tốt ấy. Chuyển hết nỗ lực sang việc tìm kiếm khách hàng và tìm kiếm một mô hình kinh doanh hữu hiệu (và ưa thích nữa). Quan tâm tới mô hình kinh doanh tức là vận dụng tư duy hệ thống vào startup. Không chỉ là sản phẩm mà phải là sản phẩm bán cho ai, qua kênh nào, thu về được bao nhiêu, chi phí bao nhiêu, còn lãi bao nhiêu, ai sẽ dùng tiếp và tại sao, cần làm gì để có được sản phẩm và khách hàng, phải chơi với những ai và phải bỏ ra những nguồn lực nào. Câu hỏi về mô hình kinh doanh đầy đủ và hữu dụng hơn nhiều so với câu hỏi “sản phẩm gì” hay “công nghệ gì”. khoi nghiep tinh gon

3. Không phải là bán cái gì, mà là chuyển giao giá trị gì và tại sao.

Không phải là thật mới, thật tân kì, mà là phải trả lời được câu hỏi “tại sao khách hàng lại dùng cái này?”, “tại sao họ phải dùng cái này chứ không phải cái khác”?, “khách hàng được gì khi dùng cái này?”, “khách hàng bớt đi gánh nặng nào khi dùng cái này?”. Startup không bán sản phẩm, cũng không bán các tính năng của sản phẩm, mà bán các giá trị. Đôi khi, giá trị này chỉ phát sinh khi cộng tác cùng khách hàng, cho nên cần phải kết hợp với cái số 1 và số 2 ở trên kia.

3b. Không phải là bán hàng, mà là phải bán được rất nhiều hàng, và giữ được tiền.

Không giữ được tiền là chết sớm. Còn không kiếm được khách hàng thì cũng không thể xin được tiền (nói Fund Raising cho nó sang mồm). Lean Startup nói rằng nếu không kiếm được khách hàng thì thực ra là ta đã có một thử nghiệm sai, cần tìm kiếm một thử nghiệm khác.

4. Có một Quy trình phát triển sản phẩm linh hoạt.

Rút ngắn thời gian chuyển giao sản phẩm. Chuyển giao sớm hơn,  thường xuyên hơn với chất lượng ngày càng ổn định. Scrum, Kanban hay Lean đều được. Miễn là linh hoạt. Không có cái này thì cái số 1,2,3 chỉ là giấc mơ.

5. Không chỉ là team, mà còn là quản trị.

Thương hiệu , kênh phân phối, quan hệ khách hàng, quản trị dòng tiền , luật pháp , đối tác , chuỗi cung ứng … Những gì xuất hiện trong Business Model Canvas không phải là những gạch đầu dòng thứ yếu. Kì thực nó là những hạng mục cần để đảm bảo đi nhanh và đi chắc. Không nhất thiết phải học qua MBA để khởi nghiệp, nhưng hãy #Ngưng_lơ_mơ_về_quản_trị_mà_cứ_mong_ước_thành_Bill_Gates!

Startup là một cuộc chơi nghiêm túc cần đầu tư trí tuệ, mồ hôi và nước mắt chứ không chỉ là một cuộc dạo chơi toàn đam mê. Có chuẩn bị tốt vẫn hơn.

Written by Tấn Dương