Có lần tôi đã viết về những kẻ làm liều. Còn nữa, “những kẻ nói liều”.
Nói liều có phần nào đó giống với những kẻ nói nhiều. Họ nói rất nhiều thứ nhưng thông tin lại ít.
Kẻ nói liều thường không tự định giá được trọng lượng lời nói của mình. Điều này là hiển nhiên vì nói liều tức là nói những cái mà mình không biết. Nhưng vì sĩ diện, vì tinh tướng, đôi khi là để che dấu cái ngu dốt, họ cứ nói để tỏ cái tôi của mình thật cao. Và dĩ nhiên, điều họ nói khó có giá trị đối với người khác. Đôi khi, họ nói cho sướng miệng chứ không nhằm một mục đích gì khác.
Những kẻ nói liều thường thiếu đức tính khiêm tốn. Người khiêm tốn luôn luôn nói ít hơn những gì mình có, những gì mình biết. Họ tuân thủ chặt câu nói của Khổng Tử: biết gì nói ấy, không biết thì bảo là không biết.
Những kẻ nói liều thường thiếu đức tin. Có đức tin thì người ta lại chẳng nói liều, vì lời họ nói do đức tin dẫn dắt. Có đức tin dẫn dắt thì nói sẽ có lô-gích, và cẩn trọng. Vì thế những người hoài nghi tất cả khó lòng kiềm chế được lời ăn tiếng nói của mình. Với họ, chỉ có nghi ngờ, thế thì có cái gì là ghê gớm đâu, có ai ra gì đâu. Ta đây mới là nhất, tôi chỉ tin vào chính mình. Déscarte nói có hai loại hoài nghi: loại để hiểu biết thế giới, loại chỉ để hoài nghi. Loại thứ hai dành cho kẻ hãnh tiến.

Dạo này tôi hơi bị mất tự tin, nhưng càng ngày càng tự tin khi nói “Tôi biết một điều chắc chắn, là tôi không biết gì cả”. Thực ra là học đòi Socrates. Tôi tự tin là tôi cũng không thông minh hơn cụ Socrates, nên nói câu ấy vừa là tinh tướng, nhưng cũng an ủi là mình đỡ liều khi nói hehe.

Written by Tấn Dương