Đây là một câu nghe đâu là của Francis Bacon: “Có loại sách chỉ để nếm náp đôi chút, có loại thì nuốt chửng, còn một số thì phải nhai ngấu nghiến”. Mình hoàn toàn đồng ý.
Và hoàn toàn thoải mái khi xếp cuốn sách “How to read a book” (Dịch sang tiếng Việt với một cái tên nổ như ngô rang là “Đọc sách như một nghệ thuật”) của nhà giáo trứ danh M. Adler. Cuốn sách xuất bản từ 1940, nhưng giờ mà không quảng cáo nó ra đời từ dạo ấy thì không ai bảo nó cũ. Phàm phải loại kinh điển thì toàn thế cả.
Số mình đen nên phải tận tới khi mình học xong đại học, đọc cả đống sách vở rồi mới được “diện kiến” cuốn này. Trước đó đọc sách theo kinh nghiệm, bắt chước người khác, và cùng lắm là vận dụng mấy cái mẹo vặt SQ3R để đọc, chứ không nghĩ là lại có những nguyên tắc đọc mang tính “hệ thống cống rãnh” lớp lang đầy đủ trên đời này. Nói chung là đen như chấy.

th
Đọc cuốn này xong, mình tá hỏa, hóa ra “nghề đọc cũng lắm công phu”.
Trên kia có nói cụ Bacon ví đọc sách như ẩm thực, tốc độ ăn khác nhau, kiểu thưởng thức khác nhau. Việc đọc cũng từa tựa thế. Adler cung cấp cho ta phương thức để khi nào thì “nếm náp”, khi nào thì “nuốt chửng”, khi nào thì phải “nhai ngấu nghiến”.
Việc phân loại việc đọc ra bốn mức độ: Sơ cấp, Kiểm soát, X-Quang, rồi đến Đồng chủ đề thực giúp người đọc vừa nắm được các yêu cầu khác nhau khi tiếp cận các văn bản khác nhau với các mục đích khác nhau, vừa giúp mỗi người rèn luyện khả năng đọc qua từng mức độ.
Nắm vững được các yêu cầu đối với việc đọc, mục đích việc đọc, và vận dụng các mức độ khác nhau kể trên, ta có thể có được cách đọc hiệu quả. Có người đọc cả tháng không được quyển sách nào dù rất thích, có người thì nhoáng hai ba ngày đã xong và nắm được ý tứ của tác giả; có người đọc xong gấp sách lại là quên tiệt, có người thì có thể lưu được ý chính và còn các điểm quan trọng hay đáng ngờ; có người đọc xong thì liên hệ ứng dụng được ngay, có người đọc một quyển sách kinh điển như thể đồ vứt đi. Tất cả là ăn nhau ở cái chữ hiệu quả của việc đọc. Không phải là nhanh hay chậm, không phải là ít hay nhiều, mà là hiệu quả. Việc ấy thì phải luyện. Thật may là sách của Adler chỉ dẫn cho ta khá nhiều.
Phần thực dụng của cuốn sách nằm ở những trang hướng dẫn cách thức tiếp cận từng thể loại sách khác nhau: đọc văn giả tưởng thì thế nào, đọc truyện, kịch ra sao, đọc sách lịch sử kiểu gì, và đọc sách khoa học thì nên như thế nào. Thật là hết sức cụ thể.
Nhưng không chỉ có rặt những hướng dẫn khô khan, sách này còn được viết với văn phong rất chau chuốt, nhiệt thành, tạo hứng khởi khi đọc, và lan truyền tình yêu sách tới độc giả.
Có thể có nhiều sách hay về hướng dẫn đọc, nhưng lúc nào mình cũng xếp cuốn này số 1. Adler number one.
Mình nghĩ là các cô giáo đang dạy các bạn lớp 6 đổ đi nên lấy cuốn này làm cẩm nang giắt nách để hướng dẫn các bạn trẻ đọc. Sách là người thầy thầm lặng vĩ đại bậc nhất, mang cuốn “How to read a book” này tới học sinh, không khác nào bắc một cây cầu Kiều sang tới trường học suốt đời vĩ đại mang tên Thế giới Sách. Xin trích đôi câu cuối của cuốn sách để khép lại mấy lời dông dài giới thiệu một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong số những cuốn sách hay:
“Đọc tốt, hay đọc tích cực, không chỉ tốt cho chính bản thân việc đọc, cũng không chỉ là một phương tiện giúp ta tiến bộ trong công việc hay nghề nghiệp. Nó còn giúp ta giữ cho trí óc sống và phát triển.”
Written by Tấn Dương