Thầy dạy kinh tế nói rất ngắn gọn: đồng tiền đứng im không sinh lợi, phải để nó quay vòng. Tri thức cũng vậy, phải để nó lưu chuyển liên tục. Thế nên mới sinh ra SECI: tạo dòng chảy cho tri thức để sáng tạo 🙂

Trong bốn bước của SECI, bước E là phát lộ, có nội hàm nôm na là thể hiện lại kinh nghiệm của mọi người bằng text, media.

Ví dụ quanh đây (FPT): anh Nam Già thỉnh thoảng lại quẳng được 1 chuyện mắt thấy tai nghe lên Facebook, kiểu như đi Tàu chơi thì giật mình vì thấy một người Tàu chăm chỉ làm bằng cả chục người Việt chẳng hạn, thế là kể lại. Anh Châu HM viết rất nhiều và đều đặn, từ chuyện nuôi dạy con cháu tới tăng năng suất lao động ở văn phòng – cứ đều đều nhưng rất ngấm. Trang blog của anh Đạt PP có rất nhiều loại lí thuyết hữu dụng trên đời, nhiều cái rất bổ ích cho người làm nghề đào tạo và quản lí. Đều là mỏ vàng cả.

Những người này có gì hay? Thật đơn giản: Trải nghiệm qua hàng chục năm năm làm việc, không khác gì những “lão nông tri điền” trong địa hạt tri thức, kinh nghiệm của họ có thể rút ngắn hàng giờ, thậm chí hàng tháng tìm tòi cho những người mới. Nếu họ chỉ nói cho mấy chục người làm việc xung quanh, e là rất thiệt thòi cho những người còn lại trong tổ chức, đếm tới hàng nghìn. Ở đâu đó có thể rất cần các kinh nghiệm quý này. Nhưng không chỉ những “cao thủ” mới cần phải ghi lại, có nhiều cái hay có thể lại đi ra từ những con người hết sức bình thường.

Không phải mọi thứ họ nói ra đều có thể áp dụng ngay, cũng không hẳn tất cả mọi người sẽ thích những gì họ viết. Nhưng đó lại là việc khác (mà tới chữ C tiếp theo trong SECI ta sẽ tính tiếp). Cứ phải đào cái mỏ nó lên, để đấy rồi đãi vàng sau, chứ cứ để nó nằm sâu trong lòng đất thì ai biết. Mà không giống như mỏ vàng nằm im dưới đất, những mỏ vàng tri thức này biết đi và không bất tử.

Đào được vàng Ảnh: mượn trên Internet

Đào được vàng
Ảnh: mượn trên Internet

Ít ra, có thể kể đến vài cách để làm lộ thiên mỏ vàng tri thức của tổ chức lên:

  1. Yêu cầu và khuyến khích chính chủ viết ra. Tập hợp lại thành sách thì càng tốt. FPT có món Sử kí vốn làm tốt cái này, nhưng gần đây mất chất thành ra kể lể lê thê.
  2. Chính chủ không chịu viết ra thì cử người (phóng viên/nhân viên) đè họ ra mà phỏng vấn, rồi ghi lại. Đưa lên forum nội bộ là một cách tốt để lấy thêm phản hồi và truyền giao ngay tức thì.
  3. OpenTalk là một kênh tốt, nhưng không nên để tình trạng nặng tính “tuyên truyền”, mà còn phải ghi lại kinh nghiệm. Hầu hết lãnh đạo (cả giới kĩ thuật lẫn phi kĩ thuật) đều có cái gì đó xuất sắc để ghi lại và truyền đi.
  4. Tổ chức hội thảo. Thế là có cả kỉ yếu lẫn hội dung. Cái này vừa là Socialization, lại vừa Externalization.
  5. Nhưng hội thảo thì năm thì mười họa mới có. Còn có cái có thể đều đặn hơn: seminar/training/workshop.  Năng nhặt chặt bị. Món này trong trường đại học lành mạnh vốn là một hoạt động rất bình thường của những người làm khoa học, nhưng ít được áp dụng trong doanh nghiệp. Tại sao lại không có một workshop về 5S để những người tiết kiệm được 1% giấy in chia sẻ kinh nghiệm với những nhân viên hành chính khác? Tại sao lại không có một cuộc thảo luận về các KPI marketing giữa nhiều đội đang làm việc trên những sản phẩm khác nhau? Điều quan trọng của khâu Externalziation ở đây là phải lưu những thảo luận đó ở dạng văn bản.
  6. Nếu có một KMS/Wiki/Forum thì thật tốt, mọi việc viết và chia sẻ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Chắc là còn nhiều cách khác nữa, bạn có ý nào không?

Written by Tấn Dương