Việc làm chủ một công nghệ không thể nào diễn ra trong một sớm một chiều. Nghịch lý là trong thời đại ngày nay, doanh nghiệp lại thường không có đủ thời gian để tham gia các chương trình đào tạo đầy đủ trong thời gian dài.
Người Nhật đã có một giải pháp hiệu quả để giải quyết cái nghịch lý đó. Phương án này có tên Shu-Ha-Ri.

Shu tức là giai đoạn ta tiếp thu theo hướng tuân thủ và sao chép để nắm bắt được nguyên gốc kĩ thuật. Khi học kĩ năng, về cơ bản Shu tức là bắt chước. So với khung hình thành kĩ năng của Dreyfus, thì Shu giúp chúng ta bước qua Novice đến với Advanced Beginner.

Ha là giai đoạn khi ta thuộc bài đôi chút, có thể sửa đi cho phù hợp với bối cảnh. Ta có thể gọi là “tùy chỉnh cho tối ưu”. Nhưng về cơ bản ta vẫn giữ những khung kĩ thuật cũ. Đối chiếu với Dreyfus, Ha giúp ta bước qua từ Begineer đến với Competent (được việc).

Ri là khi chúng ta đã thuần thục, mọi thứ trở thành “da thịt”, hành động nhạy bén, tự nhiên. Là lúc ta có quyền quên đi các hướng dẫn ban đầu để hành động như thế “tự nhiên”, “trực giác”. Đối chiếu với khung của Dreyfus, đây là lúc chúng ta đạt được “Proficient” và “Expert”. Lúc chúng ta thực sự tinh thông.

Từ Shu qua Ha đến Ri, đối với một kĩ năng nhỏ cần vài chục giờ đồng hồ luyện tập chú tâm; đối với những bộ kĩ năng nghề nghiệp, chúng ta có thể phải mất hàng năm trời.

Trong đào tạo tại doanh nghiệp. Khâu đào tạo cơ bản trong thời gian đầu sẽ khởi động quá trình lĩnh hội kiến thức; huấn luyện tiếp theo (coaching) trong công việc sẽ giúp lý thuyết được ‘nhúng’ vào thực tiễn, tạo ra đời sống của mình; tư vấn (mentoring, consulting) thời gian sau đó sẽ nâng cao hiệu quả áp dụng công nghệ, làm chủ thực sự công nghệ đó.

Written by Tấn Dương