Nhiều lúc để tăng thêm trọng lượng cho một luận điểm, ta không đủ sức tự nói, mà viện dẫn ý của người khác, thường là một tên tuổi lớn nào đấy. Như vậy không có vấn đề gì.
Nhưng có lúc ta lại hơi râu ông nọ cắm cằm bà kia một tí. Kiểu sang chơi với lũ nhà văn thì lại trích dẫn quan điểm triết học nhân sinh của những nhà toán học, còn chơi với lũ toán học thì lại viện dẫn quan điểm giáo dục của mấy ông nhà văn. Vì toàn tên tuổi lớn nên người vội nghi ngờ ngay, nhất là khi luận điểm ấy hình như nó có vẻ đúng.
Đáng tiếc là không phải lúc nào thuận buồm xuôi gió. Một ông tiến sĩ (thứ thiệt chứ không dỏm) toán học có thể mù tịt về giáo dục tiểu học, nhưng lại rất thích phát biểu về dạy văn lớp 1. Ông cứ phát biểu hoài, khiến người ta có cảm giác ông là tiến sĩ giáo dục học. Rồi người ta mặc nhiên là ông có quan tâm và rất am hiểu. Vậy là, khi người ta cần viện dẫn một trích dẫn cho vừa ý mình, thì cứ lôi ông toán học ấy ra, mà quên mất rằng tên tuổi lớn ấy không có chuyên môn về cái ông ấy đang nói.
Bởi vì mỗi khi chúng ta định nói, là lúc ta đã tính chuyện lừa phỉnh chính mình về cái định nói ra, nhất định nó phải đúng. Khi ấy thì thật là may nếu vớ được ông này ông nọ nói y chang như mình. Thế là cứ bảo “nhà bác học đã nói….”, rất tiện.
PS. Nói đến đây, chắc là lần sau mình sẽ bập bập khi trích dẫn những gì Einstein nói về giáo dục 🙂