Với cha đẻ quản trị hiện đại Peter Drucker, cảm giác của tôi là biết ơn, có thể đưa lên bàn thờ, kinh ngạc đến hãi hùng, và bực mình. Biết ơn: vì giúp mình phát triển tư duy quản trị không giới hạn. Đưa lên bàn thờ: vì là ông tổ cái lĩnh vực mình đang làm. Kinh ngạc: vì không có cái gì mình cần tìm hiểu mà ông ấy chưa viết cả. Hình như không có một guru quản trị nào lại không tôn Drucker lên làm guru cả. Mặc dù ông ấy rất ghét bị gọi là guru, nhưng cả thế giới tôn ông làm bậc thầy. Bực mình: vì nhiều khi đọc không biết tóm tắt kiểu gì. Đọc 1 chương sách, chỗ nào cũng hay kinh người, không biết bỏ cái gì đi. Rất là điên tiết.
Trong tháng 8-2023, Libero mở cửa đón những học viên khoá mới trong chương trình giáo dục khai phóng cho mọi người. Đây là khoá học thứ ba được tổ chức từ năm 2021 và sẽ tiếp tục mang lại một trải nghiệm tri thức đáng nhớ đối với học viên.
Vì nó được tổ chức vào dịp hè; như một kì thoát khỏi bộn bề cuộc sống, để chơi với chữ nghĩa chứ không phải với sóng biển hay những cuộc vui.
Sao lại Tư duy?
Bình thường người ta hay nói “cải thiện tư duy”, “quan trọng là cách nghĩ”. Nhưng có một cái tư duy chung chung ấy không? Có một “cách nghĩ” toàn thể mà người này thì có còn người kia thì không? Trường hè là dịp tìm hiểu về cách nghĩ, vào việc tư duy để hiểu hơn về nó như là một chuyện quan trọng bậc nhất của con người: việc nghĩ. Để làm gì?
Để trí tuệ sáng hơn (hoặc chí ít là biết được con đường đi đến sự sáng suốt hơn), và từ nghĩ sáng nghĩ tốt mà làm tốt hơn, sống tốt hơn.
Mọi thứ có thể gắn chữ “thinking” và làm thành một chuỗi dài những loại hình tư duy dễ khiến người ta bị rối trí: Tư duy logic, tư duy khoa học, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, tư duy phức hợp, tư duy thiết kế, tư duy đạo đức, tư duy tổng hợp, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, tư duy đồng thuận, tư duy chuyên ngành, tư duy linh hoạt…, và còn nhiều nữa. Để cho tiện, chúng có thể được gom vào ba nhóm căn bản Tư duy Khoa học (thực chứng, logic); Tư duy Nghệ thuật (để trải nghiệm, cá nhân hóa, sáng tạo); Tư duy Tâm linh (siêu việt, chứng nghiệm, đức tin).
Trường hè được bày ra là điểm bắt đầu để khám phá, hoặc khám phá lại những điều quan yếu của tư duy; thông qua gặp gỡ và trao đổi.
Mùa thứ nhất, nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trường hè Tư duy 2023 đón nhận 7 chuyên gia tới giảng bài, và hơn 40 học viên mỗi người mỗi vẻ.
Cách học tập theo tiếp cận giáo dục khai phóng, liên ngành, đa ngành mang lại cho não bộ và trái tim người học những cơ hội va đập hiếm có, để hình thành những nếp nhăn mới, những tình cảm mới. Nó cũng hình thành những mối quan hệ bạn bè mới, từ sự đồng điệu trong tư duy, tâm hồn và cuộc sống.
Cuối cùng thì lớp học Tri Đạo phiên bản 2.0 cũng sẽ khai màn vào ngày 10-17 tháng 6 tới đây.
Từ Tri Đạo 1.0, và sau đó là chuyến đi xuyên Việt Tri Đạo Vòng vèo qua gần 20 đơn vị & tổ chức, tôi thấy khát khao học hỏi và vươn lên của đông đảo nhà quản lí khắp Việt Nam. Phiên bản 2.0 của Tri Đạo tiếp tục giữ vững lời hứa về việc mang tri thức đúng đắn để nhà lãnh đạo tư duy, dẫn dắt tổ chức thật hiệu quả trong thời đại của tri thức và trí tuệ nhân tạo.
Tri Đạo 2.0 sẽ tiếp tục đào sâu về bản chất của tri thức, xã hội tri thức, đổi mới (innovation) và cách thức để có được tri thức và đổi mới trong tổ chức; sao cho thật nhiều, thật bền, thật giá trị, và cả cách biến chúng thành vốn, thành lợi thế cạnh tranh bền vững, cách tạo ra tác động và giá trị lâu dài cho bản thân, tổ chức và xã hội. Tiếp tục là các chủ để sâu sắc về wise leadership (lãnh đạo hiền minh), wise company (công ty thông thái), wise management (quản trị hiền minh).
Sự khác biệt lớn ở lần này là việc chuyển trải nghiệm học từ online sang offline ở một không gian rất tốt cho trí não và tâm hồn: trung tâm Interconnection. Việc học tập và trải nghiệm sâu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Tôi hy vọng Tri Đạo 2.0 sẽ tiếp tục được đón nhận trong cả học tập và vận dụng như đã từng diễn ra. Để kiến tạo thêm nhiều lãnh đạo hiền minh (wise leader), những công ty khôn ngoan (wise company) cho Việt Nam.
Nhận diện sự lãnh đạo thiếu hiệu quả, những dấu hiệu của lãnh đạo tồi, từ đó biết đường né tránh và phòng ngừa; cũng là một cách để lãnh đạo tốt hơn. Dưới đây là một số trích đoạn vô giá.
Lãnh đạo tồi:
Lãnh đạo kém năng lực— người lãnh đạo và ít nhất một số cấp dưới thiếu ý chí hoặc kỹ năng (hoặc cả hai) để duy trì hành động hiệu quả. Khi đối mặt với ít nhất một thách thức lãnh đạo quan trọng, họ không tạo ra sự thay đổi tích cực nào.
Lãnh đạo cứng nhắc— người lãnh đạo và ít nhất một số cấp dưới đều cứng đầu và không chịu nhúc nhích gì. Mặc dù họ có thể có năng lực, nhưng họ không thể hoặc không muốn thích nghi với những ý tưởng mới, thông tin mới hoặc thời thế thay đổi.
Lãnh đạo thiếu kiểm soát— nhà lãnh đạo thiếu tự chủ và được hỗ trợ, bị o bế bỏi những người không muốn hoặc không thể can thiệp một cách hiệu quả.
Lãnh đạo nhẫn tâm— người lãnh đạo và ít nhất một số cấp dưới thiếu quan tâm hoặc không tử tế. Bỏ qua hoặc hạ thấp nhu cầu, mong muốn và giấc mơ của hầu hết các thành viên trong nhóm hoặc tổ chức, đặc biệt là cấp dưới.
Lãnh đạo tham nhũng— người lãnh đạo và ít nhất một số cấp dưới nói dối, gian lận hoặc ăn cắp. Ở một mức độ vượt quá mức bình thường, họ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung.
Lãnh đạo hẹp hòi— người lãnh đạo và ít nhất một số cấp dưới giảm thiểu hoặc coi thường sức khỏe và phúc lợi của “người khác”—tức là của những người bên ngoài nhóm hoặc tổ chức mà họ chịu trách nhiệm trực tiếp.
Lãnh đạo độc ác— người lãnh đạo và ít nhất một số thuộc hạ phạm tội ác. Họ sử dụng nỗi đau như một công cụ quyền lực. Tác hại nghiêm trọng cho đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Có thể gây ra tác hại về thể chất, tâm lý hoặc cả hai.
Trong Professionalizing Leadership, Barbara Kelleman, 2018.
Bí kíp làm nhà lãnh đạo “hoành’s cháng”: Thay đổi không trừ thứ gì, không ngừng nghỉ. Đặc biệt, tái tổ chức liên tục để khiến mọi người phải đi trên đầu ngón chân của họ (chứ không được đứng vững trên đôi bàn chân). Đừng thay đổi hành vi này bất chấp hậu quả là gì.
Dè chừng người bên trong: bất kỳ ai biết về doanh nghiệp đều bị nghi ngờ. Mang về một “đội đỉnh’s kao” hoàn toàn mới. Và dựa vào các chuyên gia tư vấn—họ có thể không biết về công việc kinh doanh, nhưng họ chắc chắn đánh giá cao những nhà lãnh đạo hoành’s cháng.
Chỉ tập trung vào hiện tại: Thực hiện giao dịch ấn tượng ngay bây giờ! Quá khứ đã chết, tương lai còn xa (cả tiền thưởng). Bỏ qua các hoạt động hiện tại—bất cứ thứ gì tốn công thiết lập kiểu gì chả phải mất thời gian để thay đổi. Thay vào đó, hãy hợp nhất như điên—bất chấp những điều tệ hại mà bạn không biết. Điều này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà phân tích thị trường chứng khoán và các tay buôn chứng.
Thần tượng các con số. Bằng cách đó, bạn không cần phải quản lý hiệu suất nhiều như bạn nghĩ. Tương tự như vậy, hãy thu xếp để được trả gấp hàng trăm lần so với nhân viên bình thường của bạn, để cho thấy bạn quan trọng hơn nhiều như thế nào. Thế mới là lãnh đạo! Trên hết, hãy làm cho giá cổ phiếu tăng lên, rút tiền mặt và chuồn lẹ. Yên tâm đi, các nhà lãnh đạo hoành’s cháng đang được chào đón ở mọi nơi.”
trong “Bed time stories for managers”, HENRY MINTZBERG. Ghi chú: lãnh đạo “hoành’s cháng” = lofty leader.
Tín điều của lãnh đạo ngạo mạn
Các nhà lãnh đạo là những người tuyệt đối quan trọng, hoàn toàn khác biệt đẳng cấp với những người phát triển sản phẩm và cung cấp dịch vụ.
Những nhà lãnh đạo này càng lên “cao”, họ càng trở nên quan trọng. Ở trên “đỉnh” CEO chính là tổ chức.
Ở phía dưới hệ thống cấp bậc, chiến lược – rõ ràng, cân nhắc và táo bạo – bắt nguồn từ người đứng đầu, người thực hiện các hành động kịch tính. Mọi người khác chỉ “thực hiện”.
Lãnh đạo là đưa ra quyết định và phân bổ nguồn lực—bao gồm cả nguồn Nhân lực. Do đó, lãnh đạo có nghĩa là tính toán, dựa trên số liệu, từ các báo cáo.
Khả năng lãnh đạo được thúc đẩy bởi những người áp đặt được ý chí của họ lên người khác.
trong “Bed time stories for managers”, HENRY MINTZBERG.
“Điểm mấu chốt là trong khi ngành công nghiệp đào tạo và bơm thổi lãnh đạo đang phát triển và thịnh vượng ngoài sức tưởng tượng ban đầu của bất kỳ ai, thì nhìn chung, các nhà lãnh đạo đang hoạt động kém hiệu quả, tệ hơn về nhiều mặt so với trước đây, gây thất vọng thảm hại trong bất kỳ trường hợp nào đối với những người trong số chúng ta, những người từng tin tưởng các chuyên gia đang nắm giữ chìa khóa của quốc gia.”
TRONG “The End of Leadership” của Barbara Kellerman.
“Nếu bạn là một người lãnh đạo đang tìm cách thực sự thay đổi nơi làm việc để để cải thiện sự tham gia, sự hài lòng hoặc năng suất của nhân viên, hoặc nếu bạn là một người đang tìm cách lập lộ trình cho một sự nghiệp thành công hơn, cảm hứng không phải là những gì bạn cần. Những gì bạn cần là sự thật, bằng chứng và ý tưởng. Cổ vũ có thể có ích trong các sự kiện thể thao, nhưng ít có tác dụng trong công việc xử lí vấn đề nơi làm việc và nghề nghiệp.”
Trong Leadership BS, Jeffrey Pfeffer
“Kẻ lừa dối sẽ luôn tìm được những người cho phép mình bị lừa dối.” “Không thể gọi là tài trí khi tàn sát đồng bào của mình, phản bộ bạn bè, phản trắc, không biết xot thương và vô thần. Bằng những phương cách này, người ta có thể đạt được quyền lực nhưng không thể có vinh quang.”
“Một Quân vương không nên sợ mang tiếng là tàn ác, khi cần phải giữ thần dân trong vòng đoàn kết và phục tùng. Kinh nghiệm cho thấy, như thế là có đức nhân từ hơn là làm ra vẻ thương dân mà lại để cho trật tự rối loạn, xảy ra cướp bóc, giết chóc lung tung trong dân chúng.
Kinh tế lao dốc, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, người lao động khốn đốn. Mục tiêu còn ở rất xa, nguồn lực và trí tuệ ngày càng giới hạn. Người khôn của khó, nhưng ta vẫn mong muốn đạt được sự thịnh vượng và an lạc. “Điều gì quan trọng và lúc này?”
Dưới đây là mấy dòng ghi nhanh, để tự răn mình:
Nỗ lực cải thiện tư duy không ngừng nghỉ
Đạo đức
Tích cực
Cởi mở
Vị tha
Thấu cảm
Trắc ẩn
Hiện sinh
Cầu tiến
Không rời bỏ mục đích và nguyên tắc của mình.
Thực hành tự do suy nghĩ, tự do hành động. Vượt lên định kiến, chống giáo điều.
Đốt lửa và duy trì ngọn lửa nhiệt tình
Duy trì và cải thiện sự nhiệt tình là nhiệm vụ của bản thân.
Tinh thần chiến đấu rực lửa là chìa khóa cho hầu hết tình huống khó khăn
Hành động từng bước để đạt được mục tiêu
Không từ bỏ tầm nhìn, mục đích dù khó khăn cỡ nào.
Kiểu gì cũng có những thách thức, ngáng đường, cản trở… nó là một phần của công việc.
Cứ khi nào định từ bỏ mục tiêu, đấy mới thật sự là lúc công việc bắt đầu.
Quan sát và cảnh giác, và phản hồi hợp lí với các hiện tượng có nguy cơ làm giảm sự hăng hái hành động
Mục đích, ước mơ, khát khao, lí do tồn tại, lí lẽ đời người, lời khích lệ, cây gậy và củ cà rốt, lời khích tướng, sự mắng mỏ … tất cả những gì cần thiết để cháy lên – dùng được thì cứ dùng.
Tương lai tươi sáng nhất định thành hiện thực
Mở rộng năng lực
Cải tiến liên tục cách làm mọi việc
Học cái mới chưa từng học, để nghĩ sáng hơn, làm hiệu quả hơn
Gặp mọi người -cả cũ và mới – và học từ họ cái mà mình không biết, bất kể tuổi tác, xuất xứ, hay địa vị
Kết nối con người-công nghệ-tri thức để cải thiện hiện trạng khai thác nguồn lực
Thử, rút kinh nghiệm và học từ các phép thử nghiệm
Học cách làm nhiều hơn với ít hơn
Làm việc thông minh hơn phải là một mệnh lệnh.
Mài rũa năng lực sáng tạo, trong chính những hoạt động cải thiện hiện trạng sáng tạo trong công việc hằng ngày.
Thích ứng là một năng lực sống còn thời biến động
Kiến tạo và khai thác tri thức dưới tất cả thể hiện của nó. Bất cứ thứ gì giúp ta làm tốt hơn công việc và sống tốt hơn đều góp phần cải thiện năng lực.
Xắn tay giải quyết các vấn đề nhân sinh, tạo thành quả tích cực
Nhìn ra cơ hội. Từ trong sự bất cập của thực tế; từ trong những sự kiện xảy ra bất thình lình; từ trong những nhu cầu mới phát sinh; từ những phát kiến và sáng chế công nghệ mới; từ sự thay đổi cơ cấu ngành đang xảy ra nhanh chóng từ sau Covid và dưới tác động của biến động trong môi trường kinh doanh; từ sự thay đổi về lối sống, suy nghĩ, nhân sinh quan, giá trị quan của cá nhân và các nhóm; hay từ trong sự dịch chuyển về về cơ cấu xã hội, dịch chuyển về thế hệ.
Huy động nguồn lực, trí tuệ, con người và kết nối trong các giải pháp cụ thể để khai thác cơ hội.
Trong khi tìm cách duy trì tính hiệu quả, phải tích cực khám phá những “vùng đất mới”. Thí nghiệm phải là một GEN mới trong hoạt động.
Không ngồi than vãn kinh tế xuống dốc hay những trục trặc nội bộ. Mọi khủng hoảng đều có lối thoát của nó.
Hướng sự tập trung của Tư duy, Nhiệt tình, và Năng lực của mọi người vào quá trình khai thác cơ hội và kiến tạo tương lai tốt đẹp mà chúng ta hằng mong ước.
Mèo trắng mèo đen đều được, miễn là phải bắt được chuột thì là mèo tốt. Thoải mái “nghĩ ra ngoài chiếc hộp”, “chống giáo điều”, “phá bỏ định kiến”, nhưng “giữ đạo đức làm người” là được.
Điều quan trọng cuối: Làm những điều trên cùng nhau.
Lùi sâu vào khoảng mười ba mười lăm năm trước tôi bắt đầu tìm hiểu về quản trị tri thức để phục vụ những dự án đang làm, tôi dần tiếp cận với tri thức luận của giáo sư Ikujiro Nonaka – một người đối với tôi lúc đó đơn giản chỉ là “ông nội của Scrum” (còn cha đẻ là Jeff Sutherland và Ken Schwaber). Nhưng chính mô hình SECI của Nonaka dần dà lại trở thành một cái lỗ đen để tôi lún ngày càng sâu hơn vào việc tìm hiểu về tri thức, về lao động tri thức, xã hội tri thức, kinh tế tri thức, cách tân, sáng tạo, khởi nghiệp, và quản trị mới.
Tôi gọi nó là lớp học thêm, vì người ta sẽ tranh thủ mà tham gia, nhưng cả người dạy và người học sẽ đầu tư kĩ lưỡng cho tri thức đấy!
Trong hơn một thập kỉ qua, cứ xuân thu nhị kì, tôi lại có dịp làm một seminar, hoặc khởi động một dự án, hoặc thực hiện một bài giảng nào đó mà lí luận của Nonaka mang tính chỉ đường. Tôi đã mang nó đi theo những cùng những bước chân qua nhiều trạm dừng chân (thoáng qua hoặc lâu dài) Hanoi Scrum, FPT Aptech, FPT University, FPT Corporate University, NTQ Solution, Agile Conferences, TrueMoney, BIDV, MSB, Cánh Buồm, Học viện Agile, CodeGym, GrowMind…
Đường đi ấy để lại một số kết quả của quá trình đó là nhìn thấy được (như sách vở, khóa học, sản phẩm, công ty khởi nghiệp); nhưng kết quả lớn hơn là trong nhận thức của mình về một lí luận quan trọng dẫn dắt con người chủ động tiến vào xã hội tri thức.
Trong ảnh là một Dương Trọng Tấn trẻ đứng thuyết trình cho anh Trương Gia Bình và các lãnh đạo tập đoàn FPT về cách thức học tập và kiến tạo tri thức trong khuôn khổ TGB Seminar in Leadership.
Con đường ấy tôi gọi là Tri Đạo, đường đi của tri thức, được vạch ra với viễn kiến tài tình của Peter Drucker, lí luận về công ty tạo dụng tri thức của Nonaka, cùng nhiều học giả, người thực hành lỗi lạc đi sau. Con đường ấy ngày càng sáng rõ và tiềm năng mang lại thật to lớn cho cá nhân, tổ chức, và xã hội.
Tri Đạo chỉ đường dẫn lối cho tôi và nhiều cộng sự học tập, làm việc và sáng tạo. Nó cũng sẽ giúp mọi người được khai phóng tiềm năng bản thân và tổ chức.
Nay tôi mở lớp Tri Đạo để nối dài cái đường ấy, thông qua việc tìm hiểu sâu hơn về nó, đúc kết tích cực hơn, và truyền bá nó tích cực hơn chút nữa.
Việc mở lớp là lẽ đương nhiên phải làm. Tri Đạo được Viện Phát triển Giáo dục Khai phóng Libero và Trường Quản trị Hiếu Liêm (thuộc Học viện Agile) bảo trợ và thúc đẩy.
Làng Libero22 vừa trải qua môn triết cực nặng cực thú mà vẫn thòm thèm. Nhớ dạo năm ngoái, khi Libero21 hết môn triết, người học kháo nhau “không giống ngày xưa”. Xưa cũng học triết nhưng ai cũng xúi nhau cái môn cúng cụ ấy không học thì hơn, học được thì hâm; ai có cho qua xong quên nó đi; chỉ vài người tiếp tục âm thầm thích thú tìm sách triết ngoài nhà trường mà đọc. Xưa học Triết người ta chỉ được nói chuyện với ông Marx, ông Engels, và Nin không phải họ Lê; dù có thể vẫn nhắc tên dăm ba cái tên nữa. Thế đấy, một cái môn khai phóng hạng nhất có vài nghìn năm tuổi tích tụ tri thức và truyền thống mà bị người ta đối xử như một người hủi qua đường.
Trong chương trình Libero22 có một môn chính quy có tên là “Triết học và việc rèn trí nghĩ”, nhưng kì thực ra học viên học triết từ lúc khai giảng cho đến hết năm học.
Mở màn là triết lí về tư duy và sự học. Phan Đăng khai mạc bằng “Logic hay phi logic” đưa mọi người vào một câu chuyện khám phá tri thức theo con đường Thiền sau một chặng dài ngả theo phe logic Tây phương, rồi “học cách học” với việc tiếp cận cách đọc phản biện của nhà triết học giáo dục thế kỉ 20 Mortimer Adler, tìm hiểu triết lí giáo dục khai phóng, đặt lại câu hỏi “khai sáng là gì” để thảo luận với Kant, và Dewey. Tiếp nối là những câu hỏi về nguồn gốc của loài người và định nghĩa về tính người (thảo luận trên nền Sapiens của Harari). Bạn nào chăm học sẽ tự đặt lại câu hỏi “người là gì?”, nhất là khi đọc mấy bài ở sách Cánh Buồm lớp 9, xem xét thêm “hiện tượng con người” để tự thắc mắc thêm về mình và đồng loại.
Tiếp nối là nhận thức về căn tính dân tộc trong ta, là triết lí nhân sinh từ vốn văn hóa dân tộc ở môn “Đi tìm Việt nam (s) giữa thế giới”. Người học và người dẫn dắt cùng tiếp cận câu hỏi “ta là ai giữa thế giới này?” từ góc nhìn lịch sử và văn hóa.
Đấy là triết ngoài lề, triết “tích hợp”. Rồi đến học triết học “chính quy”, kiểu Tây phương với các thầy giáo ở đại học Edinburgh. Người học sử dụng khóa học trực tuyến trên Coursera để cùng nhau học tập với các giáo sư chưa một lần gặp mặt, cùng nắm bắt cái bản đồ nhỏ của thế giới triết học với các mảng miếng thuộc về tri thức luận, đạo đức học, triết học tâm trí, triết học khoa học, triết học ngôn ngữ, bản thể luận, và một chút siêu hình học. Hoạt động này được đính kèm sinh hoạt “Vui học triết” bên lề với chủ nhiệm vào buổi tối, chủ yếu là để “rã đông”, giữ một chút lửa thắc mắc để tiếp tục nhìn triết học với những cách tiếp cận khác nhau. Nhiều học viên đã thấy cách tiếp cận theo lối thực hành (học triết phải là học cách làm triết – doing philosophy), và thực dụng này là rất thú vị và mang lại trải nghiệm hữu ích chứ không phải căng não ghi nhớ ngồn ngộn dữ liệu đã tích tục từ hàng nghìn năm trước.
Ở một luồng khác, một giáo sư cao tuổi người Việt rất uyên thâm và đam mê với việc truyền bá triết học đã không ngại công sức để thử nghiệm dạy triết cho những người ngoài ngành, những người mà hầu như chưa từng đọc hết một tác phẩm triết nghiêm túc. Có thể mô tả trải nghiệm học tập đó như là một cách học triết triết kiểu ta, hơi mới một chút, có nỗ lực kéo sát xuống mặt đất hòng giúp người học “áp dụng” để giúp triết trở nên đời hơn và hữu dụng hơn. Mấy chủ đề hữu ích được đem ra “trưng bày”: hiện sinh, ngôn ngữ, liên văn hóa, bản thể luận, toán học. Có cái khó hiểu, có khái khiến người học òa lên sung sướng, nhưng cũng có cái khiến cho người học cay cú (“lớn đầu thế này mà không xử lí được vấn đề đơn giản thế kia”).
Thế là người học đã đi được một đường dài trên con đường học triết, nếu ai đó mải chuyện, thì đã kịp “bắt nhời” với một số lượng đáng kể các cụ: Bụt, Socrates, Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử, Trang Tử, Descartes, Hume, Kant, Heidegger, Wittgenstein, Sartre, Freud, Dewey, Gettier, Putnam, Phạm Toàn…Ồ các cụ ấy đều quá cố cả, khó mà gặp được nếu không vào Libero. Nhưng ở đó còn có thêm những bằng xương bằng thịt để trao đổi nữa Nguyễn Vũ Hảo, Lê Huy Hoàng, Vũ Đức Liêm, Chu Hảo, Phan Đăng, Hoàng Phan Bảo Trung, Dương Trọng Tấn. Nói chuyện như thế hóa ra cũng nhiều đấy. Ấy vậy mà vẫn còn chưa hết đâu. Sẽ còn một tí nữa tri thức luận, một tí nữa triết học chính trị và luật pháp… Và biết đâu lại có ai đó như năm ngoái đi vào nghiên cứu triết học khắc kỉ để tự giúp mình vượt qua khủng hoảng và đưa vào bài tập lớn tốt nghiệp cuối khóa.
Đoàn Libero đi “thực địa” ở chùa Dâu để vừa ngắm cảnh, vừa học thêm về Phật giáo Việt Nam. Dẫn dắt chuyến khám phá này là chuyên gia Phật học của Viện Hán Nôm- tiên sinh Thiền Phong Phạm Văn Tuấn.
Trải nghiệm triết học như thế này cũng phải gọi là hơi bị phong phú rồi. Dù đa dạng, nó vẫn có một vài cái nét chung: nỗ lực luyện cho được một trí óc có khả năng nhìn sự việc đa dạng, rèn được óc phản biện, cũng như rèn được một cách tự học đa chiều đa phương (từ nhiều nguồn, nhiều người, nhiều dạng, nhiều nội dung) để gây dựng một nền tảng tư duy để tự mình bước đi tiếp trên con đường khai phóng bản thân mãi về sau.
Anh em Libero22 cứ đòi nối dài “Vui học triết” thêm nữa. Ban chủ nhiệm sẽ tìm cách thực hiện để đáp ứng nguyện vọng. Mấy bạn cứ sốt ruột “khi nào chủ nhiệm mở lớp triết học quản trị để anh em theo học”. Hàng loạt câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra. “Sao không dạy triết Đông thêm nữa?” “Dạy thêm tí Phật học đi chứ ạ?”, “Việt Nam mình có nền triết học không?”… Thế là có dấu hiệu thành công rồi đấy: người học biết nhiều hơn sau khóa học, và còn muốn biết thêm nhiều nữa.
Tôi vui. Libero đã phá bỏ lời nguyền học triết – môn học hạng nhất để có được tri thức đích thực cho đời người. Nó không khó. Nó không vô ích. Nó không chán. Vui thật đấy.
[Phi lộ: Bài này được dịch từ Chương 15 cuốn sách The New Realities của Peter Drucker, in lần đầu năm 1989, tái bản 2017 của nhà xuất bản Roulledge. Đây là một trong những bài viết quan trọng nhất thể hiện tầm vóc và viễn kiến của Drucker về Quản trị. Nó không chỉ nhìn quản trị như là một danh mục các việc cần làm của một nhóm nhỏ trong tổ chức, nó đặt ra các câu hỏi mang tính triết lí quan trọng đối với Quản trị với tư cách rộng lớn hơn, như là một chức năng xã hội có tác động to lớn và tích hợp sâu vào nền văn hóa; và là một lĩnh vực tri thức có kỉ luật văn hóa độc lập đã thực sự tiến lên để đủ sức đứng ngang hàng với những lĩnh vực khai phóng truyền thống. Bài viết này liên tục được đăng lại trong các tác phẩm về sau của Drucker như Drucker Essentials 2001, Management 2008]
Chương trình đào tạo chuyên sâu về lãnh đạo (leadership) theo triết lí giáo dục khai phóng NeoLeader khóa đầu tiên đã kết thúc. Tôi thấy thật may mắn và biết ơn vì đã được cùng các bạn tìm hiểu sâu thêm về lãnh đạo. Với vai trò người thiết kế chương trình và trực tiếp đứng lớp hướng dẫn vài module, tôi cũng vỡ vạc ra nhiều điều. Tin tốt là lớp học thành công theo tiêu chí đơn giản hóa mà tôi coi là chìa khóa vàng trong dạy học: “Người học biết được nhiều thứ, muốn biết nhiều nữa sau khóa học”. Phần lớn học viên đọc nhiều hơn vài lần so với khả năng thường nhật. Họ đã có thể đặt ra những câu hỏi về những chỗ nghi vấn, và đưa ra những phản biện về điều đọc được (mặc dù còn nhiều điểm có thể nâng cấp tiếp). Có những học viên đọc đều mỗi tuần một cuốn, kể cả những cuốn khó xơi như Quân vương của Machieavelli, hay Binh pháp của Tôn Tử. Nhiều học viên đặt vấn đề “cần kéo dài khóa học thêm vài tháng nữa”, hoặc là tiếp tục duy trì sự học độc lập hoặc cùng nhau sau chương trình. Đó là điều đáng mừng. Tôi đã mời anh em học viên tiếp tục tham gia các hoạt động học tập và trao đổi trong khuôn khổ của NeoLeader và Libero về sau.
Khóa học đã hoàn thành nhiệm vụ mang lại một cái nhìn đa chiều về công việc lãnh đạo. Việc tiếp cận các phong cách lãnh đạo đa dạng (authentic leadership, wise leadership, agile leadership, transformational leadership, situational leadership, distributed leadership, servant leadership, followership…) và những nguồn tư liệu với những tên tuổi khác nhau thúc đẩy một lối tư duy phi tuyến, đa dạng hơn, sẽ rất có ích với thực tiễn cuộc sống và sự học hỏi tự lực về sau. Người học cùng lúc tư duy như một nhà lí tưởng chủ nghĩa (idealism), nhưng cũng lại phải nhìn cuộc sống như nó vốn đang là và hành động nương theo đó (realism)- phải thực tế.
Một chủ chương về cách học khai phóng mới chỉ bước đầu được hình thành. Những yếu tố về đọc sách có phản biện, rèn rũa tư duy phản biện, nâng cao khả năng tự học độc lập vẫn cần nhiều cải tiến. Chủ trương của chương trình là rèn luyện những intellectual leader – những nhà lãnh đạo có lí luận, có chữ nghĩa, với hình mẫu tiêu biểu là những nhà lãnh đạo hiền minh (wise leadership) – đề cao trí tuệ, cái tâm và đạo đức trong cách nghĩ – cách làm. Tri thức được chắt lọc và cách học để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ (intellect) đích thực, chứ không chú trọng quá nhiều mẹo vặt (thường núp bóng những cái gọi là “kinh nghiệm thực chiến”).
Chụp lưu niệm tổng kết khóa học với một số học viên tiêu biểu của lớp.
Người học được tiếp xúc với các chuyên gia đa dạng: giáo sư triết học, chuyên gia lịch sử, chuyên gia thương thuyết, các giảng viên chuyên nghiệp và những nhà thực hành có kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau. Với thời gian ngắn 2 tháng, thật khó để thu xếp da dạng hơn. Quan điểm hòa trộn các chuyên gia khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau kích thích những cách nhìn đa dạng – cũng là một đặc trưng của lối giáo dục khai phóng.
Về chủ trương giáo dục khai phóng trong phát triển sự hiểu biết và năng lực lãnh đạo, NeoLeader sẽ còn tiếp tục nâng cấp để mang lại những trải nghiệm học tập thú vị, và nâng cao hiệu quả học tập của học viên trong thời gian tới đây. Công thức vẫn đơn giản như thường lệ: cải thiện cách học, cải thiện cách nghĩ, cải thiện cách làm trong một tinh thần chủ đạo “tự học – tự giáo dục – tự làm ra chính mình”.
Trên đường tìm kiếm người dạy người học cho Libero, đầy rẫy những cuộc chuyện trò. Phần nhiều trong số đó là những cuộc thức tỉnh. Chúng đều mặn mòi, ấn tượng và đọng lại ý nghĩa, gợi ý hành động.
Với GS Chu Hảo: làm những việc nền móng, những việc khai trí không diễn ra một ngày, giáo dục khai phóng là một hành trình bất tận, có những khúc quanh co tay áo, và có khi người ta đi vào cả những ngõ cụt, lúc ấy phải quay lại mà tìm đường đi đúng. Với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: hai vấn đề lớn là quản trị trong hai lĩnh vực y tế vào giáo dục. Khủng hoảng đang nặng và ngày càng nặng. Về ý này, GS triết học Nguyễn Vũ Hảo có gợi ý vấn đề gốc rễ: đạo đức hỏng rồi. Vẳng đâu đây lời của Lão Tử vọng lại: Đạo mất, lễ nghi còn ăn thua gì. Với nhà báo trẻ giàu trải nghiệm Phan Đăng: có nhiều đường đi đến nhận thức chứ không phải chỉ có logic. Có Socrates, Platon thì cũng có cả cách của đức Phật. Có con đường Khai sáng, thì cũng có con đường Thiền. Với nhà thơ Hoàng Hưng: giáo viên xưa là người mà cả làng cả vùng trọng vọng. Hội tụ trong một nhà giáo đích thực là đạo đức, tri thức, và tầm ảnh hưởng. Nay nhà giáo không còn đủ cả ba, hoặc có khi tệ hơn là mất cả ba thứ đó. Nền đào tạo giáo viên đã thất bại trong việc gây dựng một đội ngũ nhà giáo đích thực mà dân tộc này đang cần. Nhớ lại lời nhà giáo Phạm Toàn: phải giáo dục lại người lớn rồi mới đến giáo dục trẻ con, hoặc chí ít là phải làm so le với nhau; muốn cải cách giáo dục thì phải cải cách nhà cải cách. Còn các bạn trong lớp học khai phóng Libero21 thì gợi ý: phải có chương trình cho phụ huynh, phụ huynh phải học không thì lạc hậu với thời cuộc, và không thể đồng hành cùng sự học của con cũng như sự giáo dục của nhà trường.
Với học viên tương lai lớp Libero22, họ cho biết những lí do để tham gia giáo dục khai phóng, đa dạng lắm, và nhiều lí do đáng yêu lắm chứ không sách vở văn mẫu:
Tôi muốn học để phát triển bản thân mình lên một tầm cao mới
Chương trình học, kiến thức hay ho, lạ lẫm, toàn những thứ chưa biết và rất muốn tìm hiểu
Theo phương châm của lớp học, mong muốn mở rộng hiểu biết và rèn luyện để trở thành con người khai phóng, tự chủ ,có tư duy đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo
Hiểu rõ hơn về con người, hiểu thêm bản thân mình, mình trong xã hội, và hiểu thêm về cách vận hành của kinh tế, xã hội, chính trị.
Duy trì/Khôi phục thói quen học tậ
Còn thời gian rảnh, chưa biết đi học ở đâu, mà lại rất muốn học, thì những chương trình hay như thế này là lựa chọn hàng đầu; chứ không kì vọng gì đặc biệt
Biết cách nói chuyện “tinh tế hơn”, “có hiểu biết hơn”; bình thường học chuyên ngành hẹp câu chuyện nó cứ nhạt nhẽo và “một màu”
Để làm gương học tập, dạy con tốt hơn
Hiểu hơn về giáo dục, nhất là giáo dục khai phóng vì nghe nói nhiều nhưng chưa bao giờ chạm vào được.
Các thứ mà ông Tấn nhiệt tình giới thiệu thì chắc là nên học
Đây rõ ràng là những món quà. Cảm ơn đời đã mang đến những cuộc trò chuyện để đời như thế. Và chỉ có thể là Con đường Libero mới khiến ta mở ra được những cuộc trò chuyện như thế.
Ba năm trước, ngay trước thềm Codvid tôi công bố logo của NeoManger- chương trình học tập dành cho nhà quản lí mới – trên Cộng đồng Nhà quản lí Hiện đại. Có sếp còn phê là làm cái Pacman cắm đầu xuống đất, bèn bỏ đi. Lúc đầu, khi thiết kế chương trình này, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là tạo ra nơi chốn học tập mới mẻ cho nhà quản lí.
Tôi vừa hoàn tất việc làm thủ tục rút hồ sơ của con gái khỏi một trường tiểu học tốt nhất nhì Nam Từ Liêm để chuyển sang một trường quen biết ở Cầu Giấy, hòng điều chỉnh lại nhịp học và kĩ năng đọc viết của con gái. Sau hai năm Covid, từ một cô gái có tiềm năng nhất nhì trường mầm non Sakura Montessori, bạn liên tục phải đối mặt với tình trạng chán học môn tiếng Việt, đọc chậm và ngại đọc. Bố mẹ mất rất nhiều công sức ở nhà, mà sự cải thiện không đủ tốt.
Bước ra khỏi phòng giáo vụ, tôi nhìn quanh trường một lượt. Mọi thứ ngăn nắp chỉn chu, gọn gàng sạch sẽ. Cây cối tươi tốt, các bảng biểu khẩu hiệu được chăm chút kĩ lưỡng. Suốt hai năm qua đã gắn bó với chỗ này, nay phải xa, hóa ra cũng bịn rịn lắm. Chầm chậm đạp xe qua hàng cây che cái nắng oi bức mùa hè, trong lòng tôi cuộn trào lên xúc cảm và tâm tư. Ôi, ta vừa rời bỏ một ngôi trường tuyệt vời. Mình và đồng đội cũng đang cố gắng gây dựng lấy một trường tiểu học nên rất hiểu rằng phải rất lâu nữa mới có thể kiến tạo được một ngôi trường tốt đến như thế này. Nó lại gần nhà nữa. Mỗi lần sang đón và cùng con gái đi bộ qua “cánh rừng nhỏ” của hai bố con để về nhà thấy bao nhiêu là thân thương và tình cảm. Được đi cùng với con từng ngày như thế thật quá đối ý nghĩa.
Tốt thế, tiện thế mà vẫn phải chuyển!
Tốt thế mà vẫn không ở lại được!
Tốt thế mà cũng không đủ tốt với con mình.
Sai chỗ nào?
Nguyên nhân gốc rễ không nằm ở trường, mà nằm ở cái chương trình dạy tiếng Việt chính quy hiện nay. Nó đã không ổn thì nỗ lực vá víu thế nào rồi cũng có lúc lòi ra chỗ không ổn. Các nhà chuyên môn đã nói nhiều mấy chục năm nay rồi. Cánh Buồm đã xung phong làm mẫu để chọn một cách đi khác hiệu quả hơn hẳn, ổn định hơn hẳn, bất chấp covid; mà thực tế ở các trường dạy theo cách của Cánh Buồm cũng chỉ ra rồi. Nó là hướng đi đã có minh chứng chứ không còn là “định hướng”, triết lí suông. Nếu không có covid, với tài năng xoay sở của các cô giáo giàu tâm huyết, nhiều kinh nghiệm và sự sát sao của bố mẹ thì con cái vẫn có thể vượt qua được những năm tiểu học một cách tốt đẹp (dù có thể đôi chỗ vẫn hơi vất vả). Nhưng tất cả là bằng nỗ lực, sức người, chứ không phải bằng khoa học, bằng phương pháp và lối tổ chức hiện đại; cho nên kết quả không ổn định mà lại rất tốn sức. Trong bối cảnh Covid, học sinh học 8 tháng online, 2 tháng chạy nước rút để hoàn thành hồ sơ năm học, mà lại không hề có đổi mới phương pháp dạy cho thích ứng với điều kiện học từ xa, thì kinh nghiệm và tất cả các kĩ thuật sư phạm của các cô đều mất thiêng cả.
Người ta đang cãi nhau về sách giáo khoa, về việc bắt tất cả các bạn thuộc giai đoạn chuẩn bị cho nghề nghiệp phải học lịch sử theo cách nhồi nhét và rất nhiều chuyện vặt vãnh khác. Người ta không để ý đến một con voi ở giữa phòng mang tên giáo dục tiểu học, ở chính cái môn nòng cốt nhất là Tiếng Việt. Khoác lên cái áo “dạy học dựa vào năng lực”, cái ruột vẫn là cách dạy cũ của mấy chục năm trước; không thể làm cho trẻ con học vui, học dễ, học giỏi mà không mất sức hơn được.
Văng vẳng bên tai tôi là tuyên ngôn của Cánh Buồm “Giáo dục tiểu học ổn định và đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới ổn định, từng gia đình ổn định, cả xã hội ổn định“. Có bao nhiêu gia đình mất ổn định vì giáo dục ở nhà trường không đảm bảo chất lượng? Nhớ đếm nhà tôi nhé!
Tôi theo thầy Phạm Toàn góp sức vào nhóm Cánh Buồm hơn mười năm nay, nhưng nhìn lại ngần ấy năm thấy giáo dục ta nó vẫn cơ bản là như cũ, chứ chẳng hề có “đổi mới căn bản và triệt để” nào như các “định hướng” chung chung của hệ thống lãnh đạo giáo dục nước nhà. Những thanh niên vô tư lự dưới 30 tuổi của Cánh Buồm năm ấy nay đã trung niên cả rồi, một số đầu đã hai thứ tóc. Sự bền bỉ đã vơi đi ít nhiều, còn tình hình giáo dục không khéo lại còn tệ đi.
Lại nhớ câu của giáo sư Ngô Bảo Châu gửi gắm bạn yêu Cánh Buồm “Bạn đã lỡ hẹn gì với Cánh Buồm?”.
Đó là tiêu đề cuốn sách hay của hai chuyên gia về tư duy thiết kế Bill Burnet và Dave Evans. Cuốn sách này rất gần với hai chủ đề tôi quan tâm là phát triển bản thân và tư duy thiết kế. Sách Được việc tôi viết triết lí gần với cuốn sách.
Đọc xong tôi rút ra mấy ý đồng tình có thể thuộc lòng được:
Hạnh phúc sẽ đến khi ta thiết kế được một cuộc đời phù hợp với chính mình; không phải cứ có thành công mới có hạnh phúc.
Không bao giờ là muộn để bắt đầu thiết kế một cuộc sống mới.
Tìm kiếm vấn đề + GIải quyết vấn đề = Cuộc sống được thiết kế tốt.
Bạn không thể biết mình đi đâu nếu không biết mình đang ở đâu.
Bạn không phải lúc nào cũng biết mình sẽ đi đâu, nhưng có thể biết được mình có đúng hướng không.
Làm việc thấy sướng chính là một tiêu chí của đúng việc.
Nhưng tìm được đúng việc không hề dễ, và có thể bạn sẽ phí phần lớn thời gian khi cố tìm nó cho bằng được.
Chỉ cần một ý tưởng “ăn tiền” là tôi sẽ thăng hoa. Nhưng để có một ý tưởng “ăn tiền” thì thường là tôi cần 101 ý tưởng không “ăn tiền” khác.
Tôi không bao giờ tắc tị, nếu như tôi có thể tạo ra thật nhiều ý tưởng. Hãy dùng kĩ năng tưởng tượng và khởi tạo ý tưởng của tư duy thiết kế để thoát khỏi tình trạng tắc tị.
Công việc đáng mơ ước của tôi ở ngay đây, do chính tôi tích cực tìm kiếm và đồng kiến tạo không ngừng.
Người ta bảo phải chọn cho đúng thì mới hạnh phúc. Nhưng xem ra không có lựa chọn đúng đâu, chỉ có lựa chọn tốt hay không tốt thôi.
Người ta đánh giá cuộc đời một người bằng thành quả, nhưng kì thực toàn bộ cuộc đời mới đáng giá, chứ không phải là mấy cái thành quả.
Cuộc sống không phải là một trò chơi hữu hạn với kẻ thắng người thua, người cao người thấp. Nó là một trò chơi bất tận, và không bao giờ kém thú vị.
Ta không một mình chế ra cuộc đời mình, mà ta tạo ra nó cùng với những người khác sau khi được cha mẹ và nền văn hóa sinh ra lần đầu tiên.
Bí kíp để trở thành con người hành động tích cực và kiến tạo: Luôn tò mò; Tích cực nói chuyện với mọi người; Thử làm điều gì đó; Kể câu chuyện của mình.
Cánh Buồm từng có một tuyên ngôn khi làm chương trình và sách giáo khoa bậc tiểu học như thế này:
“Giáo dục tiểu học ổn định và đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới ổn định, từng gia đình ổn định, cả xã hội ổn định.
Tôi đảo đi thành ra thế này:
“Giáo dục phổ thông không ổn định và kém chất lượng thì gia đình không thể hạnh phúc xã hội không thể ổn định đất nước không thể phát triển lâu bền.”
Nếu gia đình nào có trẻ con lớp 1,2 phải học online trong hai năm 2020-2021 của đại dịch Covid vừa qua sẽ thấu hiểu mệnh đề này thật sâu sắc về sự mất ổn định dây truyền khi giáo dục không ổn định và kém chất lượng. Nói thế không có nghĩa là trong lúc hết Covid rồi thì tuyên ngôn kia thành đồ thừa. Xin nhớ, tuyên ngôn đó hình thành vào cuối thập niên trước nữa, tức là năm 2009, khi Cánh Buồm mới thành lập. Lúc đó nó chưa ổn định và đảm bảo chất lượng. Một thập kỉ sau vẫn thế. Năm 2018 bắt đầu một chu kì cải cách mới với chương trình giáo dục 2018, và toàn bộ nền giáo dục tiểu học lại phải đối mặt với một sự bất ổn định (hay là quá độ đi vào sự ổn định) mới.
Niềm vui lớn của tôi trong tuần vừa rồi lại gắn với một lớp học nhỏ đầy đam mê và thâm trầm. Lớp Được việc 3.0 đầu tiên đã bế giảng với sự ghi nhận và chuyển biến tích cực của các bạn học viên. Lớp học Được việc 3.0 này bắt đầu một chặng đường khám phá mới, để tìm ra một lối nghĩ hoàn toàn khác về công việc.
Ta biết rằng, những mục tiêu to lớn và hấp dẫn là không đủ, những phương pháp và công nghệ tân thời là chưa đủ để có được sự được việc trong trạng thái viên mãn. Chúng ta cần có hệ triết lý đúng đắn, cách nghĩ tích cực, tâm vị tha, phẩm chất đạo đức và những nền móng tư duy khác để làm nên bộ ‘kim chỉ nam’ cho công việc và cuộc sống rất dài với sự đan cài đầy ắp của trải nghiệm, thách thức, thành công và cám dỗ.
Ta cần đào sâu suy nghĩ thật kĩ một lần nữa về Chân-Thiện-Mỹ, về những thứ quan yếu của đời sống như “thế nào là công việc tốt, thế nào là thành công, về cách tư duy đúng đắn, về đạo làm nhân viên, về nền móng của giao tiếp”, và nhiều thứ nữa mà bình thường ta không có thời gian để suy nghĩ về chúng, hay vì không nghĩ vì tưởng mọi thứ hiển nhiên.
Ta cũng đã đặt các thứ trên vào trong một hệ thống, với các thành tố đan dệt tương tác qua lại với nhau. Để hình thành một framework Được việc, giúp cho công việc và cuộc sống phía trước.
Được việc 3.0 là một khung tư duy (framework) có tính chất hệ thống với ý đồ rõ ràng về việc nghĩ khác hẳn đi về công việc của mỗi cá nhân, bao gồm bệ đỡ là những triết lí căn bản, lực đẩy là các công cụ và phương pháp làm việc hiện đại, để giúp đỡ mỗi người tự định hướng được mình, đặt ra được những mục tiêu tốt đẹp và nỗ lực đạt được chúng.
Suy cho cùng, Được việc 3.0 hướng mọi người đến một lối nghĩ thiện, tích cực, vị tha, cầu tiến; khả năng làm việc giỏi lên từng ngày; và một lối sống tỉnh thức, hạnh phúc từng ngày. Đến với Được việc 3.0 không chỉ là “làm nhiều hơn”, mà còn là sống nhiều hơn. Đó không phải là một viễn cảnh trong Utopia, đó là một hiện thực hoàn toàn nằm trong tay người trong bộ lạc “Được việc 3.0”.
Khoảng hơn 10 năm trước tôi đã thấy là người ta dạy làm lãnh đạo, dạy thành công, dạy làm giàu thì nhiều chứ không thấy người ta nói nhiều về làm sao để làm việc cho tốt, suy nghĩ cho đúng đắn về giá trị của lao động cũng như làm thế nào để làm việc cho năng suất, làm sao để hoàn thành nhiệm vụ. Rồi nhiều năm sau là những nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu tìm tòi và lao động cật lực để làm các khóa học giúp người khác làm việc năng suất. 2019 tôi xuất bản sách Được việc với tiêu đề phụ hơi gây sự “Bí kíp làm nhân viên bình thường”, được sự chào đón của bạn đọc. Vài chục nhóm nhỏ đã mời tôi đến ‘nói chuyện’. Một năm sau thì sách tái bản. Tư tưởng Được việc đã may mắn được chạm tới trái tim và khối óc của hàng nghìn người yêu lao động.
Nhưng tôi vẫn thấy nó chưa đủ tốt, nên mới tiếp tục làm Được việc 2.0 giữa mùa Covid với nhiều bổ sung về cách làm việc từ xa và ở nhà cùng với sự lưu tâm đến sức khỏe tâm thần trong bối cảnh mới. Lần nâng cấp 3.0 này, tôi đặc biệt chú trọng vào triết lí cùng với những điều quan yếu nhất của công việc (không chỉ giới hạn trong chủ đề về năng suất), tôi cũng mong muốn tiếp tục thúc đẩy việc gây dựng một cộng đồng người làm việc đầu óc có tâm vị tha, nghĩ thiện, sống tử tế, nỗ lực và cầu tiến để phát triển bản thân và trở nên xuất sắc, và có thói quen dấn thân tích cực vào cuộc sống xung quanh để kiến tạo những thay đổi tích cực.
Tôi sẽ trực tiếp giảng dạy mà không có “chuyển giao công nghệ”. Cách dạy học sẽ theo dạng chân phương và chân thực nhất, không màu mè, ít kĩ thuật nhất có thể. Để “trái tim” lên tiếng nhiều hơn.
Về mặt nội dung, đây là một đợt tổng nâng cấp:
Ba buổi gặp mặt trực tiếp qua Zoom sẽ dành để “bộc bạch” những điều quan yếu đối với thế giới công việc; đặc biệt là triết lí về công việc, kèm thêm minh họa là các phương thức (mindtool và tech) để hỗ trợ cho triết lí đó đi vào đời sống để đạt được mục tiêu.
Nội dung phong phú từ lần nâng cấp 2.0 với gần 100 video mà phần nhiều là dạng hướng dẫn (how-to) để người học động vào đâu giở ra đến đó.
Nền tảng học tập mới grow.agilearn.vn với trải nghiệm mới học tập xã hội (social learning) kết hợp học tập tranh thủ (micro-learning) trong bối cảnh xã hội số phân tán và bận rộn.
Các lớp được việc sẽ được mở quãng 2 tháng 1 lần, mỗi lần học tập trung 1 tuần, sau đó là tản đi học phân tán và trao đổi với cộng đồng để phát triển bản thân.
Đây là cuốn ebook nhỏ chúng tôi làm ra trong thời gian ngắn để phục vụ công việc của mình, và dành tặng người mới làm quen với tư duy thiết kế. Nó là một cuốn sách mỏng hướng dẫn thực hành. Nếu người đọc theo hướng thực hành, sẽ làm chủ được tư duy thiết kế trong thời gian ngắn.
Xin trích lời nói đầu của nhóm tác giả bên dưới đây. Tải sách tại đây.
Học viện Agile xin gửi cuốn sách nhỏ về tư duy thiết kế dành tặng người mới học để làm tài liệu tìm hiểu và thực hành một trong những kĩ năng thú vị và hữu ích bậc nhất cho thế kỉ 21: kĩ năng sáng tạo.
Chúng ta đã bước vào thời đại của sáng tạo, với việc cách tân đã đi vào trung tâm của kinh doanh và hoạt động xã hội (innovation to the core). Cách tân, đổi mới, sáng tạo là những từ khóa mà hầu như mọi tổ chức, doanh nghiệp đều phải quan tâm để duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững. Trường học cũng dần đưa kĩ năng sáng tạo vào trung tâm của chương trình đào tạo của mình.
Với sự ra đời của cuốn sách dưới dạng sách mở với giấy phép cho phép người đọc tự do phân phối và tái sử dụng theo giấy phép BY-NC-SA 4.0, chúng tôi ước mong thật nhiều người biết đến tư duy thiết kế, có thể vận dụng nó để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ đột phá, những cải tiến hữu ích cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Cuốn sách giản dị này được cấu trúc với sáu chương, trong đó chương đầu là màn giới thiệu dẫn nhập vào tư duy thiết kế, các chương sau sẽ lần lượt tập trung vào việc giới thiệu cách thực hành từng bước tư duy thiết kế. Sẽ có nhiều công cụ để bạn dùng.
Bạn có thể sử dụng toàn bộ các công cụ hoặc một công cụ đặc thù cho công việc của mình. Ví dụ, bạn có thể dùng kĩ thuật “bão não” cho các cuộc họp bão nào nằm ngoài khuôn khổ của một dự án thiết kế. Do đó, cuốn sách này cũng có thể tiếp cận như là một cuốn sách về cách tư duy sáng tạo, chứ không đơn thuần là học về tư duy thiết kế. Bạn có thể tra cứu danh mục các công cụ này ở cuối sách.
Do cuốn sách là tài liệu hướng dẫn tự học, chúng tôi cũng giới thiệu một danh sách đọc mở rộng ở Phụ lục A, để bạn mở rộng kiến thức, hoặc đọc cùng với tài liệu này để làm giàu thêm quan điểm , có thêm hiểu biết sâu sắc và vận dụng khéo léo hơn tư duy thiết kế vào cuộc sống của mình. Cuốn sách này sẽ còn tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa để ngày càng hoàn thiện và hỗ trợ tốt hơn việc học của người học về tư duy thiết kế. Do đó, mọi góp ý và phê bình của bạn đọc đối với cuốn sách là rất trân quý và có giá trị đối với cộng đồng. Thư góp ý xin gửi về sach@hocvienagile.com.
Chúc bạn thành công và nâng cao năng lực sáng tạo, kiến tạo nhiều giá trị hơn cho cuộc sống. Nhóm tác giả, Học viện Agile.
Minh triết thực hành (practical wisdom, Aristotle gọi là phonesis), là sự khôn ngoan được sinh ra từ thực tiễn, để quay trở lại tác động vào thực tiễn với khả năng giải quyết vấn đề tài tình và đúng đắn. Sau đây sẽ gọi tắt là khôn ngoan.
Khôn ngoan không được “học” thông qua tham dự bài giảng hoặc đọc sách, mà được kiến tạo trong quá trình đắm mình vào thực tiễn để giải quyết vấn đề. Nó bao gồm cách ta nhìn nhận tình huống, đánh giá, cảm nhận về, chủ ý đưa ra phép thử và hành động để giải quyết vấn đề. Nếu việc học là để nắm dược dữ liệu và quy tắc (hay quy luật, cũng thế thôi), ta sẽ có được hiểu biết. Vận dụng tốt, trải nghiệm khéo léo ta có sự khôn ngoan. Vừa hiết biết sâu sắc vừa khôn ngoan, và ra phán đoán hiệu quả ở mức cao ta có được sáng suốt.
Khôn ngoan mang trong mình tri thức ẩn (tacit knowledge) chứ không phải thứ được trình bày tường minh để có thể “dạy” được. Nó được sinh ra trong trải nghiệm. Khôn ngoan có tính bối cảnh, vận dụng tình cảm, không phải là quy tắc sơ cứng.
Quy tắc chỉ ra cái tuyệt đối (nguyên lí để làm việc này là gì?), khôn ngoan là về một cái cụ thể bối cảnh hóa (ý định cụ thể của hành động này là gì? có xung đột với điều gì ta đã biết hay không?). Quy tắc là cái khuôn mẫu phải theo. Khôn ngoan là thứ để thử và chỉnh. Quy tắc là lấy búa để đập vào đinh để đóng vào gỗ; khôn ngoan là thích nghi để biết có lúc không nên dùng đinh mà nên dùng mộng mộc. Cái thước gỗ giống với quy tắc, cái thước dây giống với khôn ngoan. Ta thấy nhiều quy tắc ở dàn nhạc giao hưởng, và thấy nhiều khôn ngoan hơn ở ban nhạc jazz.
Quy tắc không tính tới tình cảm, khôn ngoan là suy nghĩ với trái tim, lòng đồng cảm, sự tương tác với bối cảnh xung quanh để tạo ra giải pháp sáng tạo và vừa khít. Quy tắc là chỉ dẫn cụ thể phi tình huống. Khôn ngoan là sự lựa chọn “khuôn mẫu” (pattern) phù hợp với tình huống cụ thể.
Một chiếc thước linh hoạt, ảnh: thethaothientruong
Con người có thói quen bày thêm quy tắc. Ngày càng nhiều chỉ dẫn. Cho tới một lúc, người ta chỉ nhìn thấy chỉ dẫn mà quên mất mục đích cuối cùng là gì. Người ta làm các chỉ dẫn mà không có hồn. Đến lúc ấy, sự chỉ dẫn lại phản tác dụng. Nó không những không giúp người ta làm việc tốt lên, mà lại làm cho người ta mất đi nhiệt tình.
Quy tắc và phần thưởng là không đủ, không một hệ thống quy tắc chi tiết cỡ nào là đủ; thế giới của ta cần thêm sự khôn ngoan. Cỗ máy chỉ công năng (functionality), con người có mục đích và đạo đức. Phải có thêm chút tâm hồn và trí tuệ gói trong các quy tắc.
Để “bắc giàn” cho người học, giáo viên khôn ngoan (phronetic teacher) “khoe” (show/demo) để đạt được kết quả (mục tiêu), để chỉ ra một cách làm cụ thể (không hẳn là cách tối ưu), để người học nhìn thấy mà bắt đầu bắc chước, rồi lặp lại trải nghiệm để xây dựng trí khôn cho bản thân. Người giáo viên khôn ngoan không “nói” (tell/talk) ra phương án đầy đủ mà không kèm “demo”. Họ chỉ ra để người ta làm được, chứ không ham ‘bình luận về’ một giải pháp mà mình không có trải nghiệm.Giáo viên hay dạy quy tắc và bắt thuộc lòng, giáo viên khôn ngoan tạo điều kiện cho trải nghiệm và dạy “lí thuyết được lồng trong hành động”. Giáo viên thích học sinh mình làm “được việc”, “đạt điểm cao” (performance); giáo viên khôn ngoan còn biết hướng dẫn học trò có được sự thành thục (mastery) thực sự. Giáo viên khôn ngoan chú ý tới mọi học sinh trong lớp chứ không bỏ qua những đứa ‘không thể dạy nổi’, hoặc ‘những đứa có bỏ đấy nó cũng tự xoay sở được’ như một số ‘hướng dẫn’ bất thành văn từ người đi trước.
Nhà quản lí khôn ngoan không “ốp” phương pháp quản lí theo sách vở dù nó nổi tiếng (management fad), mà vận dụng khéo léo cho vừa với tạng của mình và tổ chức để đạt được mục tiêu trước mắt hoặc lâu dài. Anh ta không quên rằng mọi việc đều hướng đến một mục đích duy trì sự năng động của tổ chức và sự hạnh phúc của toàn thể nhân viên.
Lập trình viên khôn ngoan không nhặt mã lệnh trong sách và gắn đại vào chương trình, mà đẽo gọt cho vừa với thiết kế tổng thể và có chương trình gọn đẹp hiệu quả đối với người dùng.
Nhà thiết kế dân dụng khôn ngoan tạo ra sản phẩm khiến cho người dùng sử dụng đúng như công năng mà họ mong muốn sản phẩm phải có.
Người khôn ngoan thì tìm thấy giải pháp tốt nhất trong sự phục vụ, hướng tới người khác (customer-centric), chứ không phải nhất nhất “theo quy tắc”. Người khôn ngoan, do đó, ‘đọc đời’ nhiều hơn đọc sách. Họ biết khi nào ‘chỉ cần theo hướng dẫn’, khi nào phải ‘bẻ cong’ luật lệ, và lúc nào là lúc phải chuyển hóa , lúc nào phải tạo ra một công cụ hoặc thực tại mới.
Tổ chức quan liêu nhiều quy tắc, tổ chức linh hoạt nhiều khôn ngoan.
Ta cần cả hiểu biết và khôn ngoan, trong một sự cân bằng và linh hoạt để suy nghĩ, làm việc và yêu thương. Một số sẽ muốn mình còn đi xa hơn, trở thành người hiểu đạo và là người sáng suốt. Nó vừa là phương tiện mang đến sự hạnh phúc và đủ đầy; tự nó cũng vừa chính là một sự đủ đầy.
Tham khảo:
Practical Wisdom: The The Right Way to Do the Right Thing, Barry Schwartz & Kennet Sharpe.
Triết gia Mortimer Adler có một cách phân loại sách phi hư cấu rất có ích cho việc đọc trong sách “How to read a book” (Phương pháp đọc sách hiệu quả). Theo đó, sách có loại sách thực hành và sách lí thuyết.
Sách lí thuyết tự nó giải quyết được vấn đề mà không cần động chân động tay. Có thể sách sẽ chứa mấy công thức, đưa đầu vào thế là ra kết quả; hoặc chỉ cần dùng đầu óc để thu nạp các thông tin mang tính phổ quát, các quy luật của tự nhiên và xã hội mang lại sự hiểu biết tức thì. Sách lịch sử, khoa học , toán học, và triết học thuộc loại này. Đọc sách lí thuyết vì thế có thể khô nhưng lợi hại ngay tức thì. Ví dụ, đọc cuốn sách “Lược sử loài người” của Yuval Harari ta có ngay được một bộ tiêu chí để trả lời câu hỏi “tính người là gì?”, hay biết ngay tác dụng của các “trật tự tưởng tượng” (như nhà nước, thị trường,…) đối với đời sống. Đọc cuốn triết học giáo dục “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey giúp ta nắm bắt được ngay sự liên quan mật thiết giữa nội dung và phương pháp trong giáo dục, như thế nào là một mục tiêu tốt…, mà không cần phải làm gì thêm.
Tri thức sách vở chỉ là một phương tiện để học tập và khám phá; không phải là thứ đích đến để mà thuộc lòng. Tri thức dạng kinh nghiệm cũng chỉ nên là một phương tiện để học tập. Người ta không thể “truyền kinh nghiệm” cho mình mà buộc mình phải làm mà tự có lấy. Tri thức sách vở hay kinh nghiệm đều là đầu vào cho quá trình biến đổi tri thức và kinh nghiệm trong bản thân, đồng thời và qua đó mà tạo ra sự thay đổi ở thế giới xung quanh.
AgileWork là sự kết hợp các nguyên tắc tổ chức công việc của các phương pháp quản lí Agile tiêu biểu để tổ chức công việc linh hoạt, mang đến kết quả tốt hơn, giảm thiểu stress và không ngừng tiến bộ. Càng trong các tình huống phức tạp và biến động, AgileWork càng trở nên hữu ích.
GrowMind- Một thành viên mới trong mạng lưới Agilead vừa ra đời dưới sự dẫn dắt của CEO Tô Hải Sơn; Nhiệm vụ tự giao là “đồng kiến tạo mạng lưới các công ty tiến bộ và hạnh phúc”. GrowMind đồng hành với doanh nghiệp trên con đường hiện đại hóa.
Trước mắt GrowMind tập trung phục vụ các doanh nghiệp nhơ nhỡ và vừa, đang có sức bật, nhu cầu cần có một hệ thống quản trị tốt, đủ tốt để đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh và vững trong tương lai. Đây là khu vực mà đội ngũ có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Những việc cụ thể GrowMind bắt đầu thực hiện từ cuối 2020, đầu 2021:
Tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp
Tư vấn Chiến lược phát triển nguồn lực thông qua xây dựng Tổ chức học tập
Tư vấn Chuyển đổi Agile
Tư vấn – Huấn luyện – Triển khai OKR
Một số doanh nghiệp đã tin cậy vào đội ngũ GrowMind và thực hiện những dự án từ vài tháng cho đến vài năm để chuyển đổi tổ chức theo hướng tiến bộ và hạnh phúc. Danh sách doanh nghiệp ngày càng dày lên: HBLAB, Amela, Relipa, Michiisoft …
Ra đời trong bối cảnh Covid, chính GrowMind đang thực hành việc kiến tạo bản thân mình như là một tổ chức kiểu mới, năng động, tiến bộ, hấp dẫn, tinh gọn và linh hoạt.
Hai công ty cùng điểm xuất phát, sau ba năm tăng trưởng lên cả trăm người. Nhưng sau đó mỗi công ty lại chọn một cách đi khác nhau khi doanh nghiệp mở rộng.
Henry Mintzberg nói trong Simply Managing: “Ngày nay, chúng ta nên lo lắng về xu hướng “lãnh đạo đại khái”(macroleadership) từ những người có chức vụ cao chỉ quản lí từ khoảng cách xa, ngắt kết nối với mới thứ trừ thứ [vớ vẩn] được gọi là ‘bức tranh lớn’.”
Kể từ lúc sếp Đàm Q. Minh (nguyên Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân), và sếp Tô Hải Sơn (nguyên COO công ty NTQ Solution) viết lời phê cho cuốn sách Được việc lần ra mắt thứ nhất 2019, nhiều người nói rằng tôi cần phải có thêm hai ba cuốn nữa để hướng dẫn thực hành chi tiết hơn nữa cái cuốn sách quá đỗi hữu ích này. Hôm nay thì tôi thật hoan hỉ được thông báo với bạn bè gần xa là cái hướng dẫn chi tiết hơn đó sẽ ở định dạng dễ tiêu hóa hơn là các bài hướng dẫn video ngắn có thể xem nhâm nhi mỗi ngày một tí. Đội ngũ Agilearn đã chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn để bạn đọc sách Được việc được thưởng thức với trên 100 video cô đọng và dễ hiểu. Những nội dung tôi chưa kịp nói kĩ trong sách Được việc, nay đã được làm cho chi tiết hơn, nhiều hướng dẫn thực hành cụ thể hơn. Như nội dung về tư duy cầu tiến, nội dung về quản lí cảm xúc và năng lượng, đặc biệt là nội dung về hạnh phúc. Trải qua hơn một năm Covid khắc nghiệt, chúng tôi cũng có thêm nhiều nhận thức mới về thế giới công việc ở thời kì bình thường mới này. Chúng ta cần tư duy cầu tiến và tích cực hơn, quản lí thời gian và công việc hiệu quả hơn, phải học cách để rèn luyện ý chí mạnh mẽ trong khi thực hành lối sống tỉnh thức, hạnh phúc mỗi ngày. Xin gửi khóa học “Được việc” đến những người cầu tiến và ham học, luôn hướng đến sự được việc, không ngừng mưu cầu một cuộc sống ngày càng hài hòa và viên mãn hơn. Khóa học trực tuyến theo hình thức linh hoạt có thể học tranh thủ, kèm sách giấy để đọc và suy ngẫm, kèm trò chuyện với tác giả qua tọa đàm trực tuyến, và kết nối trong cộng đồng “Thích Được việc” tích cực. Tôi sẽ bước tiếp một chặng mới với Được việc, xin chào mừng bạn bè cùng đi trên con đường mới thú vị này. Thông tin chi tiết và đăng kí khóa học: https://agilearn.vn/duoc-viec
Drucker từng viết: Quản trị là “khai phóng” (liberal art), với những bài học mang tính liên ngành từ lịch sử, xã hội học, tâm lí học, triết học, văn hóa và tôn giáo. Có nghĩa là người ta không nên chỉ chăm chăm vào những câu chuyện quản lí hằng ngày, tiền nong, hàng họ mà còn phải để ý đến những chỗ khác, thoạt trông thì có vẻ hơi “vô dụng”.
Thời nay là thời của sáng tạo, của ý tưởng gốc, của thứ chưa từng có, của những thứ mới mẻ, hoặc trông như có vẻ mới mẻ. Hay là ta gọi luôn là thời của sự cả thèm chóng chán. Thỏa mãn nhu cầu này, người dùng sẽ đòi hỏi nhu cầu mới phức tạp hơn. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với người sáng tạo.
Mấu chốt là người ta phải trở thành người sáng tạo, phải là người tạo ra được những ý tưởng gốc, và có cái gen “nguyên bản”. Những quy tắc đã biết về năng suất (lượng) có thể mất thiêng trong địa hạt sáng tạo (chất). Kể cả khi người ta nói hai cái đó có quan hệ biện chứng.
Tuyên ngôn Agile là một trong những văn bản có tác động lớn rất lớn tới cuộc sống của tôi trong gần 15 năm qua. Kể từ dự án đầu tiên sử dụng User Story, đọc sách của Mike Cohn cho đến những ngày phát triển cộng đồng HanoiScrum, Agile Vietnam, mở các hội thảo Agile vào đầu 2010s, thúc đẩy đào tạo agile software development tại khối giáo dục FPT, sau đó là hoạt động đào tạo-tư vấn tại Học viện Agile, Tuyên ngôn Agile đã đồng hành trên từng bước đi. Tôi biết rằng rất nhiều người cũng “chịu ơn” Agile nhiều vì nó đã làm thay đổi nhân sinh quan, thay đổi cách làm, mang lại kết quả tuyệt vời trong công việc và cuộc sống của họ.
Gần đây có vài bạn hỏi tôi “Có cách nào làm việc với người mình không thích không hả anh?” Thực ra bạn đã hỏi được câu hỏi này là đã gần ra đáp án rồi. Nhiều người thậm chí còn không đặt được câu hỏi ấy. Mặc nhiên không thèm làm việc với người mình không thích. Lại còn phản đối ra mặt. Làm ảnh hưởng tới việc chung, và cũng tự mình làm mất đi chút uy tín cá nhân.
be professional
Được làm việc với “cạ cứng” thì thích quá. Nhưng thực tế là ta hay phải làm việc những người không giống mình, đôi khi mình lại không ưa. Làm thế nào để cảm giác không tích cực về người cộng tác không ảnh hưởng đến kết quả công việc? Đặt câu hỏi kể trên cho Google, ta sẽ ra được vài gợi ý hữu ích. Mark Nevins có viết một bài trên Harvard Business Review từ 2018, với các lời khuyên:
Phản tư (reflect) xem nguyên nhân của cảm giác ở đâu ra và cách mình phản hồi với nó. Hiểu mình đã.
Cố mà hiểu cho kĩ quan điểm, lập trường và góc nhìn của người đó. Hiểu “đối phương” rồi có ứng xử phù hợp.
Tập trung vào giải quyết vấn đề, đừng tập trung vào chỉ trích hay cạnh tranh.
Hỏi nhiều câu hỏi vào. Có thể xếp kế hoạch của mình lại cái đã. Quan tâm tới đối phương, tạo điều kiện cho tương tác và hiểu nhau.
Cải thiện sự chú ý tới sự khách biệt về “phong cách tương tác”. Mọi người có cách tương tác không giống nhau. Đừng “bắt người khác phải giống mình” hay “phải theo cách của mình”.
Nhờ người đối phương giúp đỡ. Điều này có thể cải thiện mối quan hệ.
Dianna Booher gợi ý 4 cách hơi khác, có vẻ ít đòi hỏi “tự giác” hơn, trên Forbes :
Tìm hiểu quan điểm khách quan trong mỗi vấn đề
Tự kiểm duyệt các từ ngữ dễ dẫn đến xung đột mỗi khi giao tiếp (email/message/trực tiếp). Có thể nhờ người khác giúp cho việc này.
Hạn chế tiếp xúc tối đa
Ủy nhiệm cho một trung gian
Trong số các ý tưởng ở trên thì mẫu số chung là “hiểu mình, hiểu đối phương”, và sau đó là “phản ứng chậm lại”. Ta có thể tham khảo thêm “Tuyên ngôn Nghĩ chậm” để bổ sung những cách làm nhất quán:
“Đặt câu hỏi trước khi trả lời, Quan sát trước khi đánh giá, Đổi góc nhìn trước khi nêu quan điểm, Tự phản tỉnh trước khi phê bình.”
Chừng đó gợi ý có lẽ đã là đủ nhiều. Nếu phải rút gọn thành bộ “nguyên tắc” dẫn đường, tôi nghĩ, chỉ cần vận dụng thật khéo bốn điểm cuối cùng là được. Chắc chắn hữu ích.
Chúng tôi đã khám phá ra cách thức tốt hơn để cộng tác trong các dự án liên ngành. Qua đó chúng tôi đánh giá cao việc:
Đặt câu hỏi trước khi trả lời, Quan sát trước khi đánh giá, Đổi góc nhìn trước khi nêu quan điểm, Tự phản tỉnh trước khi phê bình.
Con người có xu hướng nghĩ nhanh. Điều này dẫn đến những hệ quả không mong muốn. Các yếu tố bên trái thúc đẩy việc nghĩ chậm hơn. Chúng cải thiện những điều bên phải và do đó, nên được áp dụng một cách có ý thức và thật kĩ lưỡng.
Hãy áp dụng điều bên trái nhiều hơn so với những gì trực giác mách bảo bạn phải làm.
Chúng ta đang sống trong thời đại của mập mờ. Chữ A trong thuật ngữ VUCA là mập mờ. Chữ A trong thuật ngữ mới hơn TUNA vẫn là chữ ấy: Ambiguity là mập mờ. Một công ty khởi nghiệp trong thời đại TUNA thì lại càng mập mờ. Covid đặt nhiều thứ vào tình trạng “chả biết thế nào mà lần”. Mù mờ như xe đi trong màn sương trên Mã Pì Lèng mùa đông.
Ít ai lại thích bị phê bình, nhưng sự tiến bộ của bản thân mỗi người lại phụ thuộc không ít vào sự tiếp nhận sự phê bình từ những người xung quanh. Việc này thực ra có thể đã diễn ra rất thường xuyên và tự nhiên khi ta còn nhỏ. Quét nhà không sạch, bị mẹ rầy la; ta sửa lại cách quét cho nó sạch. Nấu cơm bị nhão, mẹ mắng; ta rút kinh nghiệm để lần sau cho bớt nước đi. Ta không lăn tăn về “thiện chí” của mẹ. Mẹ chỉ cần đưa ra phản hồi, và ta sửa. Ta không đánh giá xem lời “góp ý” của mẹ có mang tính xây dựng hay không.
Trong lớp học NeoManager, nhiều học viên là các nhà quản lí không khỏi ngạc nhiên trước trải nghiệm tri thức tuyệt vời mà hoạt động reflection (phản tỉnh) mang lại. Có vài vị hỏi có bí kíp nào đặc biệt gì không, căn cứ nào để “bịa” ra hoạt động học tập tuyệt vời này. Chìa khóa ở đây chính là đường lối học tập trải nghiệm dựa trên sự phản tỉnh có chủ đích (reflective learning).
Có thể nói gần đúng đây là cách học của Phật, của Khổng Tử, của Lão Tử. Bằng cách quan sát thân/tâm/sự việc/vạn vật và tự rút ra bài học, rồi lại đối chiếu, chỉnh sửa và tiếp tục cải thiện sự hiểu biết thông qua thực hành để đạt được sự sáng suốt (wisdom) qua thời gian. Truyền thống học tập dựa trên kinh nghiệm và chiêm nghiệm này tiếp tục được truyền dạy cho đến ngày nay. Như trong các sách do Inamori Kazuo viết đã nhấn mạnh một “nguyên lí” để tu thân: phản tỉnh mỗi ngày. Tính ra, truyền thống này đã hơn 2500 năm rồi.
Nguyên lí là một từ được dùng rộng rãi, có lẽ do nhiều người thấy nó quan trọng. Nhẽ ra nguyên lí phải có tính khách quan (tức là cái gốc, không thể bỏ được), nhưng hầu hết các thứ được gọi là nguyên lí lại có tính tương đối, không đầy đủ và có tính bối cảnh. Vì thế có thể gọi chúng là hệ “tiên đề” hay các “giả định” của ai đó. Khi đã gọi nguyên lí theo nghĩa giả định (assumptions) thì tức là niềm tin cơ bản, miễn phán xét đúng sai. Ta sẽ làm theo nó, chấp nhận nó, và tự nguyện để nó điều khiển mình. Và do đó, nó rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của ta. Số lượng nguyên tắc thường không nhiều. Nhưng nó “cứng”, vượt thời gian. Cho nên, nếu có một danh sách nguyên lí đủ tốt, nó giúp ta làm việc linh hoạt trong bối cảnh. Nó giúp ta “lấy cái bất biến để ứng phó với cái biến động đa dạng”.
Nhiều người thông thái đã cất công đúc rút và kiểm nghiệm ra các bộ nguyên lí của riêng mình. Một số được đẽo gọt và kiểm chứng qua thời gian với nhiều bối cảnh đa dạng, một số thì không. Một số được viết ra, một số chỉ được truyền miệng. Ví dụ, đời làm việc năng động của Inamori Kazuo giúp ông đưa ra được một “triết lí” ngắn gọn và hữu hiệu để làm nền tảng cho một lối sống tích cực (Xem bản tóm tắt ở đây) . Nó được viết ra, lưu truyền rộng rãi và có cơ hội tốt để kiểm chứng tính hữu hiệu. Thử xem những gợi ý của ông để có một cuộc đời viên mãn và làm việc cho tốt:
Thành quả là do tích số của tư duy, nhiệt tình và năng lực
Tư duy thế nào, cuộc đời ra thế ấy
Luôn nuôi những giấc mơ đầy tham vọng, và bỏ toàn tâm toàn ý sống với giấc mơ ấy.
Luôn xác định rõ mục đích sống. Phải mài rũa tâm trí, mở rộng tâm hồn.
Hãy sống đúng đắn với tư cách của một con người. Đừng quên những bài học được dạy từ tiểu học: không nói dối, trung trực, không lừa gạt người khác, không tham lam.
Phục vụ những điều tốt đẹp hơn của nhân loại và thế giới với tâm thức vị tha.
Sống phản tỉnh mỗi ngày, để xem xét từng hành vi, sửa lỗi và cải thiện.
Sống nghiêm túc từng giây phút mỗi ngày.
Sống với động cơ không ích kỉ, và đức hạnh.
Sống với một trái tim thuần khiết và nồng ấm.
Luôn yêu công việc của bạn, không kể đó là việc gì.
Không nề hà những việc tẻ nhạt
Luôn sáng tạo trong công việc
Hãy là “trung tâm của cơn lốc” với sáng kiến và cam kết hết mình.
Ra quyết định đúng đắn, không ích kỉ
Bám sát hiện địa, hiện vật để giải quyết vấn đề
Làm hết sức mình vì đồng nghiệp
Không ngừng vươn tới sự hoàn hảo
Chỉ mua những gì chúng ta thật cần, đúng lúc
Nắm bắt vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi đối mặt với những thứ phức tạp
Nhìn quanh, tôi nhận ra phần lớn người đọc bộ “nguyên lí” này thấy nó gần gũi và dễ đồng tình. Nhưng cũng có vài người có thể không đồng ý với một trong các điểm kể trên. Họ có thể thấy phần còn lại hữu dụng thì có thể bỏ đi vài chỗ, hoặc sửa đi cho vừa với lối nghĩ của bản thân. Nếu ai đó bỏ gần hết thì tức là hệ tư duy của người đó rất khác so với Inamori. Lúc đó, họ sẽ đi tìm những bộ “bí kíp” khác.
Nhìn rộng ra, bộ nguyên lí trên đây có thể coi là một tập hợp các giả định để gây dựng nên một tập hợp người có nền tảng nguyên tắc giống nhau về lối nghĩ lối sống. Nó tạo ra một cộng đồng văn hóa chung niềm tin, chung hệ giá trị, chung quy ước. Sẽ rất có ích khi một cộng đồng được gắn kết xoay quanh những yếu tố văn hóa chia sẻ như thế này.
Trên đường học hỏi của mình, ta sẽ bắt gặp nhiều “guru”, những “cao thủ”, những “danh nhân”, với nhiều bộ “nguyên lí khác”. Họ sẽ có những lời khuyên, trong số đó là các “nguyên lí”. Câu hỏi được đặt ra là có nên theo hay không, theo cái gì và không theo cái gì? Từ quan điểm hành dụng (pragmatic), chúng ta xem xét nó có hữu ích không bằng cách đặt câu hỏi: nếu tin và làm theo thì thế nào? Giả sử nếu tuân thủ nguyên tắc “sống với trái tim thuần khiết và nồng ấm” thì thế nào? Cuộc sống ta có tốt đẹp lên không, thế giới quanh ta có tốt đẹp lên không? Nếu tuân thủ “phục vụ những điều tốt đẹp hơn với tâm thức vị tha”, thì thế nào? Nó có mang lại cuộc sống hạnh phúc viên mãn không? Cân nhắc xong, ta có thể có một danh sách “nguyên lí” của riêng mình. Thời gian tiếp theo là dành cho chứng nghiệm. Bạn sẽ phải sống với những nguyên lí này, và quan sát tác dụng của chúng.
Bới cát tìm sò
Tôi cũng thử phác thảo về bộ nguyên lí tối giản của mình “Để làm việc cho tốt”, nó sẽ hao hao như thế này:
Luôn yêu công việc của bạn, dù đó là việc gì.
Có thái độ tốt, công việc sẽ tốt, kể cả những việc rất tẻ nhạt.
Cách bắt đầu một công việc tốt là tìm cách giải quyết vấn đề của chính mình.
Đặt được bài toán hay, sẽ có lời giải hay.
Làm cho vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi nó rất phức tạp
Là “chủ sở hữu” của sáng kiến và cam kết hết mình, và sống ở thể chủ động (proactive).
Bám sát thực tiễn để ra quyết định hiệu quả.
Ra quyết định đúng đắn, không ích kỉ
Sáng tạo không ngừng
Cải tiến liên tục, vươn tới sự hoàn hảo
Nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém bận rộn.
Khi đã mất hứng với một công việc, nghĩa vụ cuối cùng là bàn giao lại cho người có nhiệt tình và khả năng.
Nguyên tắc của bạn để làm việc cho tốt gồm những gì?
Covid19 đến đã quá nửa năm, nhưng cũng mới chỉ bắt đầu. Nó sẽ còn diễn biến gay cấn trong vài tháng một năm nữa. Nhưng tình hình kinh tế xã hội sẽ còn gay cấn thêm vài năm sau đó. Một cuộc khủng hoảng tầm cỡ này là chưa từng trải qua và không thể không có tác động trên diện cực rộng trong một khoảng thời gian tương đối dài, từ vài năm đến cả thập kỉ.
Với Covid19, thế giới bước vào thời kì Biến động cực độ (Turbulent), Bất định (Uncertain), Mới chưa từng thấy (Novel), và Mơ hồ (Ambiguous). Trong đó tính chất nhiễu động, bất ổn, lên xuống gập ghềnh theo ngày theo tuần là dễ dàng cảm nhận. Sáng thế này, chiều đã khác. Điều đó tạo ra hiệu ứng rất lớn tới tâm lí của con người cũng như là thách thức đối với bất kể tổ chức nào. Sau biến cố 11-9 ở Mĩ, người ta nhắc nhiều đến VUCA. Nhưng nay thì TUNA sẽ gọi đúng tên tình hình hơn, bởi tính chất nhiễu động ở diện cực rộng và mức độ rất cao.
Chúng ta phải chấp nhận một tiên đề là không còn được sống theo lối chắc ăn, kiểm soát mọi việc. Trong bối cảnh này, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, vừa đi vừa dò đường (empiricsim), làm nhanh học nhanh và thích ứng nhanh (be agile), sẵn sàng tích cốc phòng cơ, tăng cường tư duy “xây đập” và gia cố đập để dự trữ, trong khi xây dựng một năng lực bền bỉ (resilience) để đương đầu với khó khăn, trong khi nuôi dưỡng tư duy phát triển (growth mindset) với lối nghĩ kiến tạo (hành động ở thể chủ động tích cực – proactive) để không ngừng tiến về một tương lai rất mù mờ nhưng lúc nào cũng đầy triển vọng. Điều đặc biệt là không quên học hỏi thật nhanh chóng và mạnh mẽ. Không thể lề mề trong bối cảnh TUNA này.
Biển động
Khủng hoảng tạo ra khó khăn, hàng trăm triệu người mất việc, doanh nghiệp mất đi phần nào khách hàng truyền thống. Nhưng nó cũng tạo ra cơ hội cho đổi mới, tạo ra cơ hội làm ăn mới.
Từ một thập kỉ trước, người ta đã thu ngắn thời gian hoạch định chiến lược xuống còn 3 năm vì không ai có thể đoán biết được chuyện gì sẽ diễn ra sau 3 năm. Còn trong bối cảnh Covid19 này thì một số học giả bắt đầu tư duy chiến lượng trong khuôn khổ 18 tháng là dài. Tính linh hoạt và thích ứng sẽ trở thành thống soái.
Chúng ta buộc phải nhìn lại một cách nghiêm khắc hơn với bản thân mình, xem xét lại thực tại, truy vấn các giả định và buộc phải có hành động tích cực thay đổi để tồn tại và chuyển mình.
Hơn lúc nào, ta phải nghĩ khác, làm nhanh hơn và thông minh hơn. Đưa nó thành cốt lõi của lối sống mới ở thực tại mới.
Như đề cập ở bài giới thiệu về Chu trình học tập Kolb và bài “Mỗi Sprint như là một chu trình Kolb“, reflection (suy tưởng, suy tư, phản tư, phản tỉnh) được nhắc đến với vai trò rất quan trọng trong việc học tập và làm việc của người trưởng thành (adult learning). Tuy vậy, việc thành thục kĩ năng reflection, cũng như ứng dụng reflection trong học và dạy học lại không phải là việc dễ dàng. Dưới đây tôi xin liệt kê mấy gợi ý cho việc thực hiện reflection để giúp người mới làm quen với phương pháp này đỡ bỡ ngỡ và thu được kết quả từ một phương pháp học tập thú vị và chất lượng.