Triết gia Mortimer Adler có một cách phân loại sách phi hư cấu rất có ích cho việc đọc trong sách “How to read a book” (Phương pháp đọc sách hiệu quả). Theo đó, sách có loại sách thực hành và sách lí thuyết.
Sách lí thuyết tự nó giải quyết được vấn đề mà không cần động chân động tay. Có thể sách sẽ chứa mấy công thức, đưa đầu vào thế là ra kết quả; hoặc chỉ cần dùng đầu óc để thu nạp các thông tin mang tính phổ quát, các quy luật của tự nhiên và xã hội mang lại sự hiểu biết tức thì. Sách lịch sử, khoa học , toán học, và triết học thuộc loại này. Đọc sách lí thuyết vì thế có thể khô nhưng lợi hại ngay tức thì. Ví dụ, đọc cuốn sách “Lược sử loài người” của Yuval Harari ta có ngay được một bộ tiêu chí để trả lời câu hỏi “tính người là gì?”, hay biết ngay tác dụng của các “trật tự tưởng tượng” (như nhà nước, thị trường,…) đối với đời sống. Đọc cuốn triết học giáo dục “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey giúp ta nắm bắt được ngay sự liên quan mật thiết giữa nội dung và phương pháp trong giáo dục, như thế nào là một mục tiêu tốt…, mà không cần phải làm gì thêm.
Tri thức sách vở chỉ là một phương tiện để học tập và khám phá; không phải là thứ đích đến để mà thuộc lòng. Tri thức dạng kinh nghiệm cũng chỉ nên là một phương tiện để học tập. Người ta không thể “truyền kinh nghiệm” cho mình mà buộc mình phải làm mà tự có lấy. Tri thức sách vở hay kinh nghiệm đều là đầu vào cho quá trình biến đổi tri thức và kinh nghiệm trong bản thân, đồng thời và qua đó mà tạo ra sự thay đổi ở thế giới xung quanh.
Sau khi xem xong một video TED talk hay, học một bài học trên một nền tảng học tập trực tuyến, hoặc thậm chí là tham gia một khóa học trực tiếp, bạn không nên khép lại ngay (kể cả khi bạn đã vượt qua được các bài kiểm tra và nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học), mà thực hiện một thao tác “đóng gói” cuối cùng để thực sự kết thúc khóa học. Đó là thao tác viết một bài reflection. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn củng cố lại những kiến thức đã học, lưu nó lại dưới dạng văn bản, và học hỏi sâu thêm, cũng như mở ra một vài hướng đi tiếp theo (học thêm, hoặc đem kiến thức ra áp dụng).
Ít ai lại thích bị phê bình, nhưng sự tiến bộ của bản thân mỗi người lại phụ thuộc không ít vào sự tiếp nhận sự phê bình từ những người xung quanh. Việc này thực ra có thể đã diễn ra rất thường xuyên và tự nhiên khi ta còn nhỏ. Quét nhà không sạch, bị mẹ rầy la; ta sửa lại cách quét cho nó sạch. Nấu cơm bị nhão, mẹ mắng; ta rút kinh nghiệm để lần sau cho bớt nước đi. Ta không lăn tăn về “thiện chí” của mẹ. Mẹ chỉ cần đưa ra phản hồi, và ta sửa. Ta không đánh giá xem lời “góp ý” của mẹ có mang tính xây dựng hay không.
Trong lớp học NeoManager, nhiều học viên là các nhà quản lí không khỏi ngạc nhiên trước trải nghiệm tri thức tuyệt vời mà hoạt động reflection (phản tỉnh) mang lại. Có vài vị hỏi có bí kíp nào đặc biệt gì không, căn cứ nào để “bịa” ra hoạt động học tập tuyệt vời này. Chìa khóa ở đây chính là đường lối học tập trải nghiệm dựa trên sự phản tỉnh có chủ đích (reflective learning).
Có thể nói gần đúng đây là cách học của Phật, của Khổng Tử, của Lão Tử. Bằng cách quan sát thân/tâm/sự việc/vạn vật và tự rút ra bài học, rồi lại đối chiếu, chỉnh sửa và tiếp tục cải thiện sự hiểu biết thông qua thực hành để đạt được sự sáng suốt (wisdom) qua thời gian. Truyền thống học tập dựa trên kinh nghiệm và chiêm nghiệm này tiếp tục được truyền dạy cho đến ngày nay. Như trong các sách do Inamori Kazuo viết đã nhấn mạnh một “nguyên lí” để tu thân: phản tỉnh mỗi ngày. Tính ra, truyền thống này đã hơn 2500 năm rồi.
Học nhiều và biết nhiều là tốt. Vì nó giúp ta có thể học thêm những thứ khó hơn nữa, đào sâu thêm nữa. Học nhiều cỡ nào cũng không thừa. Có nhiều thông tin và trải nghiệm, ta có nguyên liệu để trộn, để móc nối, và tạo ra ý nghĩa mới. Học ít thì hiểu biết ít, lúc cần hỏi Google không biết hỏi hắn cái gì.
Nguyên lí là một từ được dùng rộng rãi, có lẽ do nhiều người thấy nó quan trọng. Nhẽ ra nguyên lí phải có tính khách quan (tức là cái gốc, không thể bỏ được), nhưng hầu hết các thứ được gọi là nguyên lí lại có tính tương đối, không đầy đủ và có tính bối cảnh. Vì thế có thể gọi chúng là hệ “tiên đề” hay các “giả định” của ai đó. Khi đã gọi nguyên lí theo nghĩa giả định (assumptions) thì tức là niềm tin cơ bản, miễn phán xét đúng sai. Ta sẽ làm theo nó, chấp nhận nó, và tự nguyện để nó điều khiển mình. Và do đó, nó rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của ta. Số lượng nguyên tắc thường không nhiều. Nhưng nó “cứng”, vượt thời gian. Cho nên, nếu có một danh sách nguyên lí đủ tốt, nó giúp ta làm việc linh hoạt trong bối cảnh. Nó giúp ta “lấy cái bất biến để ứng phó với cái biến động đa dạng”.
Nhiều người thông thái đã cất công đúc rút và kiểm nghiệm ra các bộ nguyên lí của riêng mình. Một số được đẽo gọt và kiểm chứng qua thời gian với nhiều bối cảnh đa dạng, một số thì không. Một số được viết ra, một số chỉ được truyền miệng. Ví dụ, đời làm việc năng động của Inamori Kazuo giúp ông đưa ra được một “triết lí” ngắn gọn và hữu hiệu để làm nền tảng cho một lối sống tích cực (Xem bản tóm tắt ở đây) . Nó được viết ra, lưu truyền rộng rãi và có cơ hội tốt để kiểm chứng tính hữu hiệu. Thử xem những gợi ý của ông để có một cuộc đời viên mãn và làm việc cho tốt:
Thành quả là do tích số của tư duy, nhiệt tình và năng lực
Tư duy thế nào, cuộc đời ra thế ấy
Luôn nuôi những giấc mơ đầy tham vọng, và bỏ toàn tâm toàn ý sống với giấc mơ ấy.
Luôn xác định rõ mục đích sống. Phải mài rũa tâm trí, mở rộng tâm hồn.
Hãy sống đúng đắn với tư cách của một con người. Đừng quên những bài học được dạy từ tiểu học: không nói dối, trung trực, không lừa gạt người khác, không tham lam.
Phục vụ những điều tốt đẹp hơn của nhân loại và thế giới với tâm thức vị tha.
Sống phản tỉnh mỗi ngày, để xem xét từng hành vi, sửa lỗi và cải thiện.
Sống nghiêm túc từng giây phút mỗi ngày.
Sống với động cơ không ích kỉ, và đức hạnh.
Sống với một trái tim thuần khiết và nồng ấm.
Luôn yêu công việc của bạn, không kể đó là việc gì.
Không nề hà những việc tẻ nhạt
Luôn sáng tạo trong công việc
Hãy là “trung tâm của cơn lốc” với sáng kiến và cam kết hết mình.
Ra quyết định đúng đắn, không ích kỉ
Bám sát hiện địa, hiện vật để giải quyết vấn đề
Làm hết sức mình vì đồng nghiệp
Không ngừng vươn tới sự hoàn hảo
Chỉ mua những gì chúng ta thật cần, đúng lúc
Nắm bắt vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi đối mặt với những thứ phức tạp
Nhìn quanh, tôi nhận ra phần lớn người đọc bộ “nguyên lí” này thấy nó gần gũi và dễ đồng tình. Nhưng cũng có vài người có thể không đồng ý với một trong các điểm kể trên. Họ có thể thấy phần còn lại hữu dụng thì có thể bỏ đi vài chỗ, hoặc sửa đi cho vừa với lối nghĩ của bản thân. Nếu ai đó bỏ gần hết thì tức là hệ tư duy của người đó rất khác so với Inamori. Lúc đó, họ sẽ đi tìm những bộ “bí kíp” khác.
Nhìn rộng ra, bộ nguyên lí trên đây có thể coi là một tập hợp các giả định để gây dựng nên một tập hợp người có nền tảng nguyên tắc giống nhau về lối nghĩ lối sống. Nó tạo ra một cộng đồng văn hóa chung niềm tin, chung hệ giá trị, chung quy ước. Sẽ rất có ích khi một cộng đồng được gắn kết xoay quanh những yếu tố văn hóa chia sẻ như thế này.
Trên đường học hỏi của mình, ta sẽ bắt gặp nhiều “guru”, những “cao thủ”, những “danh nhân”, với nhiều bộ “nguyên lí khác”. Họ sẽ có những lời khuyên, trong số đó là các “nguyên lí”. Câu hỏi được đặt ra là có nên theo hay không, theo cái gì và không theo cái gì? Từ quan điểm hành dụng (pragmatic), chúng ta xem xét nó có hữu ích không bằng cách đặt câu hỏi: nếu tin và làm theo thì thế nào? Giả sử nếu tuân thủ nguyên tắc “sống với trái tim thuần khiết và nồng ấm” thì thế nào? Cuộc sống ta có tốt đẹp lên không, thế giới quanh ta có tốt đẹp lên không? Nếu tuân thủ “phục vụ những điều tốt đẹp hơn với tâm thức vị tha”, thì thế nào? Nó có mang lại cuộc sống hạnh phúc viên mãn không? Cân nhắc xong, ta có thể có một danh sách “nguyên lí” của riêng mình. Thời gian tiếp theo là dành cho chứng nghiệm. Bạn sẽ phải sống với những nguyên lí này, và quan sát tác dụng của chúng.
Tôi cũng thử phác thảo về bộ nguyên lí tối giản của mình “Để làm việc cho tốt”, nó sẽ hao hao như thế này:
Luôn yêu công việc của bạn, dù đó là việc gì.
Có thái độ tốt, công việc sẽ tốt, kể cả những việc rất tẻ nhạt.
Cách bắt đầu một công việc tốt là tìm cách giải quyết vấn đề của chính mình.
Đặt được bài toán hay, sẽ có lời giải hay.
Làm cho vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi nó rất phức tạp
Là “chủ sở hữu” của sáng kiến và cam kết hết mình, và sống ở thể chủ động (proactive).
Bám sát thực tiễn để ra quyết định hiệu quả.
Ra quyết định đúng đắn, không ích kỉ
Sáng tạo không ngừng
Cải tiến liên tục, vươn tới sự hoàn hảo
Nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém bận rộn.
Khi đã mất hứng với một công việc, nghĩa vụ cuối cùng là bàn giao lại cho người có nhiệt tình và khả năng.
Nguyên tắc của bạn để làm việc cho tốt gồm những gì?
Sự học hỏi đỉnh cao không thể gồm toàn sự thoải mái hạnh phúc. Ta sẽ phải học những khái niệm khó hiểu, phải luyện những kĩ năng tay chân đòi hỏi sự căng cơ đau nhức mướt mồ hôi. Ta sẽ phải đối mặt với chuyện ngán đến tận cổ không muốn tập thêm.
Cái gọi là ra ngoài “vùng thoải mái” (comfort zone) chính là như thế. Không ra khỏi vùng thoải mái, thì không thể lên đẳng cấp mới được.
Trông người nghệ sĩ lúc luyện thanh hoặc tập đàn, rất vất vả và trần trụi. Khác xa lúc biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu. Những đứa trẻ tập múa phải oằn lưng xoạc với giãn cơ, xương kêu răng rắc, chứ không thướt tha uyển chuyên như trên phim.
Các vận động viên thể thao cũng vậy. Những nhà khoa học, hay nhà quản lí cũng thế thôi. Không có ngoại lệ.
Đó là quy luật nghiệt ngã của luyện tập có chủ đích. Để vươn lên đến sự tinh thông, ta cần phải được đặt dưới một kỉ luật rèn luyện thực sự gian nan. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần có quyết tâm lớn trong thời gian đủ dài. Trong chặng đường đó, chúng ta thường cần người đồng hành, có thể là một “bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có thể là một ông thầy tâm huyết, có thể là đám bạn cùng tiến, và cần cả một môi trường cho việc luyện tập nữa.
Chương trình NeoManager có mấy giả định rất cơ bản:
Người học được tin tưởng là người có tiềm năng chưa được khai phá hết, mỗi người có thể đạt được mục tiêu ý nghĩa của riêng mình.
Nhà lãnh đạo được sinh ra trong học hỏi và thực tiễn, không phải bẩm sinh. Ai cũng có thể học được.
Cảm giác “ngợp” và “nặng” khi học bất cứ điều gì có ý nghĩa chỉ là nhất thời, ai cũng vượt qua được. Nhà quản lí đang rất bận, rồi sẽ bận hơn, chính vì thế mới cần phải học ngay trong lúc có vẻ bận nhất. Cần phải rèn lấy một năng lực học tập thượng thừa để học được trong bất kì cảnh huống nào.
Làm việc chăm chỉ là quan trọng, nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng phải bận rộn. Cần phải luyện cách ưu tiên hóa, quản lí thời gian, và thực hành giao phó để luôn có thời gian cho điều thực sự quan trọng.
Phản hồi là rất quan trọng trong việc học. Người học cần phải tăng tương tác, với các ý tưởng, với người khác, với chính mình.
Nhà quản lí phải dẫn dắt, nhà lãnh đạo phải thạo quản lí.
Học tập và trưởng thành là chuyện rất cá nhân, muốn chuyển hóa thì tự mình phải chuyển hóa, giáo viên/bạn học/sách vở/cơ chế chỉ là chỗ đánh lửa, tri thức và sự trưởng thành là mồi câu, còn người học thì phải tự bắt lửa mà cháy.
Được học là “phần thưởng”. Hãy tận hưởng việc học, ngay cả khi nó rất “nặng”.
Thực tế đây là những quan điểm nền tảng định vị cách làm của toàn bộ chương trình.
Làm thế nào để chuyển hóa? Gợi ý của NeoManager là thực hành năm hoạt động học cơ bản đều đặn (gọi vui là ngũ “hành”):
Xem kĩ: những video ngắn theo lối học tập tranh thủ micro-learning. Mỗi tuần vài chục video ngắn, gói trong một khóa học bám vào một chủ điểm, tiếp thu từ từ ngấm dần theo kiểu micro-learning để trang bị kiến thức cơ bản, có check-in theo nhóm dưới sự dẫn dắt của Instructor (online trên hệ thống trực tuyến Zoom). Xem xong nghĩ kĩ, ghi lại, nói lại và thử áp dụng một cách có chủ đích để tạo ra sự thay đổi trong thực tế.
Đọc sâu: đọc từ những kinh điển, đọc tận gốc, có suy tư kĩ để trang bị hệ thống khái niệm, và năng lực tư duy bằng khái niệm. Tìm hiểu những bộ óc vĩ đại trong lĩnh vực quản lí suy nghĩ gì, thực hành những gì, xem xét khả năng lặp lại cách làm của người đi trước trong bối cảnh hiện tại và tương lai của chính mình.Rèn luyện đọc sâu trong khi thiếu thời gian.
Tham Dự: Có mặt đầy đủ và tham dự tích cực vào coaching workshop, bạn trao đổi những điều học được, cách làm, cách học, kết quả, thành công, thất bại trong thử nghiệm ý tưởng mới… với bạn bè trong lớp. Bạn tiêu hóa kiến thức & nuôi dưỡng động lực học hỏi; học tập từ nội dung của khóa học, học tập từ bạn học, và học hỏi từ kinh nghiệm của những nhà quản lí đi trước (Instructor và khách mời). Ngoài coaching workshop, bạn được thách đố tham gia dự án nhóm để tạo ra một thay đổi có ý nghĩa, cùng với đồng đội ngay trong lớp học.
Thử nghiệm: Người học được khuyến khích và hỗ trợ việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Người học được yêu cầu lập kế hoạch áp dụng kiến thức, thực thi, tổng kết và đúc rút kinh nghiệm. Thông qua hoạt động này, người học tái kết nối với thực tiễn, vừa xây dựng kĩ năng thực tế, vừa tạo kết quả thay đổi tích cực.
Hỏi người khác: câu hỏi hay sẽ có câu trả lời hay, hỏi và lấy được câu trả lời “theo nhu cầu”, đôi khi là cách nhanh nhất đạt được kết quả. Cộng đồng NeoManager có hàng chục người cho bạn khai thác, nhưng bạn phải mở miệng đặt được câu hỏi hay.
Tất cả những nền tảng học tập số hóa, nội dung học tập số hoặc analog, kế hoạch học tập, tiêu chuẩn năng lực, bài tập, thách đố, giảng viên, người trợ giúp… đều là sự chuẩn bị cho một “đường băng”, còn người học thì tự cất cánh. Bạn có thể làm được, nó là chuyện rất cá nhân.
Trên tạp chí Harvard Business Review số tháng 5-6/2020 có bài dài đáng chú ý “Maybe Failure isnt the best teacher” (“Thất bại có thể không phải là mẹ của thành công”) nêu quan điểm (dẫn thống kê) cho rằng người ta không dễ gì học được từ thất bại. Thất bại đồng nghĩa với sự khó chịu, khiến người ta dễ tìm cách đổ sang các yếu tố bên ngoài, hoặc lờ nó đi cho thoải mái hơn. Do đó người ta có thể không thực sự học được gì từ thất bại. Người ta có vẻ dễ học được từ thành công hơn. Nếu làm được điều gì đó, con người sẽ cố lặp lại, và có thể sẽ lại thành công tiếp nếu như cách làm đúng, từ đó người ta củng cố cách làm. Bài báo cũng nêu một quan điểm quan trọng: muốn người ta học được từ thất bại thì phải chuẩn bị cho điều đó, bằng cách dạy tư duy phát triển chẳng hạn. Người ta phải cách học từ thất bại, chứ không tự nhiên nói cái là biết. Có nhiều người đã viết về chủ đề này rồi (xem dưới cuối bài). Xem ra việc học từ thất bại nghe thì hay, kì thực lại không hề dễ dàng. “Thất bại là mẹ thành công” là lời khuyên răn dễ trở thành “sáo ngữ”, chỗ bám víu khi thất bại, chứ mọi người không thật tin vào điều đó, và cũng ít khi thực hành.
Trong lớp NeoManager, chúng tôi thiết kế chương trình học tập dành cho nhà quản lí bằng module “Học cách học và nuôi dưỡng tư duy phát triển”. Tư duy phát triển là cái gốc của văn hóa học tập NeoManager. Nó xuất phát từ một “tiên đề”: Nhà quản lí hiện đại PHẢI là người có tư duy phát triển. Muốn thế thì phải biết về nó, phải thấm nó trong thái độ và việc làm hằng ngày. Sau đó, tiên đề tiếp theo “Nhà quản lí hiện đại phải là cao thủ trong việc học”. Họ phải rèn kĩ năng học tập, từ sách vở, từ khóa học online, từ việc thử nghiệm (mà trong đó sẽ có cái thành công, có cái thất bại). Nhà quản lí sẽ học cách quan sát và phản tư để rút ra được cái gì hiệu quả, cái gì không, trong tình huống nào, với ai. Sau khi nhất trí với nhau về tiên để bên trên, nhà quản lí tự cam kết với một mục tiêu học tập với cường độ cao trong bối cảnh bận rộn. Nhà quản lí sẽ lần lượt đối mặt với hàng loạt thử thách khi học tập: 1. Đọc sách với tiêu chuẩn hoàn toàn khác biệt: Đọc xong phải tóm tắt được nội dung, phải viết báo cáo thể hiện suy tư sâu sắc về nội dung đọc được. 2. Thử áp dụng kiến thức vào thực tiễn, tập quan sát hiệu quả của nó, và phải báo cáo lại những điều quan sát được cùng với dự kiến cải tiến trong tương lai. 3. Hoàn thành việc học khóa học online trong bối cảnh bận rộn của công việc, với deadline bám đuổi liên tục. 4. Cộng tác tốt, hiệu quả và năng suất với đồng đội trong “thử thách nhóm” để hoàn thiện khả năng làm việc nhóm, cùng với kĩ năng xã hội. Tất cả đều rất thử thách. Nó đòi hỏi người học thường xuyên nhắc nhở mình về tư duy phát triển, suy nghĩ tích cực, rèn luyện ý chí vượt qua khó khăn để tự mình vượt khỏi giới hạn của bản thân. Khi thấm nhuần tư duy phát triển, kể cả người học không đạt được mục tiêu học tập đã đề ra, thì vẫn sẽ trưởng thành hơn trông thấy.