Sự học hỏi đỉnh cao không thể gồm toàn sự thoải mái hạnh phúc. Ta sẽ phải học những khái niệm khó hiểu, phải luyện những kĩ năng tay chân đòi hỏi sự căng cơ đau nhức mướt mồ hôi. Ta sẽ phải đối mặt với chuyện ngán đến tận cổ không muốn tập thêm. 

Cái gọi là ra ngoài “vùng thoải mái” (comfort zone) chính là như thế. Không ra khỏi vùng thoải mái, thì không thể lên đẳng cấp mới được. 

Trông người nghệ sĩ lúc luyện thanh hoặc tập đàn, rất vất vả và trần  trụi. Khác xa lúc  biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu. Những đứa trẻ tập múa phải oằn lưng xoạc với giãn cơ, xương kêu răng rắc, chứ không thướt tha uyển chuyên như trên phim. 

Các vận động viên thể thao cũng vậy. Những nhà khoa học, hay nhà quản lí cũng thế thôi. Không có ngoại lệ. 

Đó là quy luật nghiệt ngã của luyện tập có chủ đích. Để vươn lên đến sự tinh thông, ta cần phải được đặt dưới một kỉ luật rèn luyện thực sự gian nan. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần có quyết tâm lớn trong thời gian đủ dài. Trong chặng đường đó, chúng ta thường cần người đồng hành, có thể là một “bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có thể là một ông thầy tâm huyết, có thể là đám bạn cùng tiến, và cần cả một môi trường cho việc luyện tập nữa. 

Written by Tấn Dương