Đặt ra một mục tiêu tốt, ta quan tâm tới ý nghĩa lớn lao và sự khao khát. Nhưng có thể phải rất lâu mới đạt được mục tiêu như vậy. Nhìn vào những mục tiêu xa, lòng người có thể phấn chấn, nhưng tay chân thì không nhúc nhích để hành động. Chúng ta trì hoãn, vì lợi ích thì còn lâu mới thấy, trong khi khó khăn thì đã sờ sờ. 

Cho nên mục tiêu tốt cần phải được phân rã thành những đại lượng đo được trong thời gian ngắn, ví dụ: một tuần, rồi từ đó phân rã tiếp ra từng hành động để làm từng tí từng tí. Tập trung vào quy trình, trình tự được vẽ ra mà không quan tâm tới đích đến, chúng ta sẽ bớt trì hoãn hơn. Và sẽ tốt hơn nếu cứ xong mỗi việc nhỏ ta được hưởng một chút thành quả tự thưởng, hoặc được thưởng sớm cho chính việc bắt đầu sớm. 

OKR đòi hỏi chúng ta phải đạt được cả hai yếu tố: Phát biểu tường minh một mục tiêu giàu ý nghĩa có khả năng thôi thúc; và những đại lượng đo được có khả năng phá vỡ sự trì hoãn hằng ngày. Nó là công cụ giúp người ta đo được điều quan trọng. Measure what matters. 

Hơn nữa, nó đòi hỏi chúng ta phải ưu tiên hành động hướng kết quả (key results) tại mọi thời điểm. Đằng sau, đó chính là triết lí quản trị hướng tới sự hiệu quả được cha đẻ quản trị theo mục tiêu (MBO), giáo sư Peter Drucker, nhắc đi nhắc lại đến mỏi mồm.  

Cho nên, lúc hoạch định, thì hết sức cân nhắc O. Nhưng lúc thực thi, KR và Hành động là mấu chốt cho hiệu quả. 

Written by Tấn Dương