Chương trình NeoManager có mấy giả định rất cơ bản: 

  1. Người học được tin tưởng là người có tiềm năng chưa được khai phá hết, mỗi người có thể đạt được mục tiêu ý nghĩa của riêng mình. 
  2. Nhà lãnh đạo được sinh ra trong học hỏi và thực tiễn, không phải bẩm sinh. Ai cũng có thể học được. 
  3. Cảm giác “ngợp” và “nặng” khi học bất cứ điều gì có ý nghĩa chỉ là nhất thời, ai cũng vượt qua được. Nhà quản lí đang rất bận, rồi sẽ bận hơn, chính vì thế mới cần phải học ngay trong lúc có vẻ bận nhất. Cần phải rèn lấy một năng lực học tập thượng thừa để học được trong bất kì cảnh huống nào.
  4. Làm việc chăm chỉ là quan trọng, nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng phải bận rộn. Cần phải luyện cách ưu tiên hóa, quản lí thời gian, và thực hành giao phó để luôn có thời gian cho điều thực sự quan trọng.
  5. Phản hồi là rất quan trọng trong việc học. Người học cần phải tăng tương tác, với các ý tưởng, với người khác, với chính mình.
  6. Nhà quản lí phải dẫn dắt, nhà lãnh đạo phải thạo quản lí. 
  7. Học tập và trưởng thành là chuyện rất cá nhân, muốn chuyển hóa thì tự mình phải chuyển hóa, giáo viên/bạn học/sách vở/cơ chế chỉ là chỗ đánh lửa, tri thức và sự trưởng thành là mồi câu, còn người học thì phải tự bắt lửa mà cháy. 
  8. Được học là “phần thưởng”. Hãy tận hưởng việc học, ngay cả khi nó rất “nặng”.

Thực tế đây là những quan điểm nền tảng định vị cách làm của toàn bộ chương trình. 

Làm thế nào để chuyển hóa? Gợi ý của NeoManager là thực hành năm hoạt động học cơ bản đều đặn (gọi vui là ngũ “hành”): 

  1. Xem kĩ: những video ngắn theo lối học tập tranh thủ micro-learning. Mỗi tuần vài chục video ngắn, gói trong một khóa học bám vào một chủ điểm, tiếp thu từ từ ngấm dần theo kiểu micro-learning để trang bị kiến thức cơ bản, có check-in theo nhóm dưới sự dẫn dắt của Instructor (online trên hệ thống trực tuyến Zoom). Xem xong nghĩ kĩ, ghi lại, nói lại và thử áp dụng một cách có chủ đích để tạo ra sự thay đổi trong thực tế. 
  2. Đọc sâu: đọc từ những kinh điển, đọc tận gốc, có suy tư kĩ để trang bị hệ thống khái niệm, và năng lực tư duy bằng khái niệm. Tìm hiểu những bộ óc vĩ đại trong lĩnh vực quản lí suy nghĩ gì, thực hành những gì, xem xét khả năng lặp lại cách làm của người đi trước trong bối cảnh hiện tại và tương lai của chính mình.Rèn luyện đọc sâu trong khi thiếu thời gian. 
  3. Tham Dự:  Có mặt đầy đủ và tham dự tích cực vào coaching workshop, bạn trao đổi những điều học được, cách làm, cách học, kết quả, thành công, thất bại trong thử nghiệm ý tưởng mới… với bạn bè trong lớp. Bạn tiêu hóa kiến thức & nuôi dưỡng động lực học hỏi; học tập từ nội dung của khóa học, học tập từ bạn học, và học hỏi từ kinh nghiệm của những nhà quản lí đi trước (Instructor và khách mời). Ngoài coaching workshop, bạn được thách đố tham gia dự án nhóm để tạo ra một thay đổi có ý nghĩa, cùng với đồng đội ngay trong lớp học. 
  4. Thử nghiệm: Người học được khuyến khích và hỗ trợ việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Người học được yêu cầu lập kế hoạch áp dụng kiến thức, thực thi, tổng kết và đúc rút kinh nghiệm. Thông qua hoạt động này, người học tái kết nối với thực tiễn, vừa xây dựng kĩ năng thực tế, vừa tạo kết quả thay  đổi tích cực.
  5. Hỏi người khác: câu hỏi hay sẽ có câu trả lời hay, hỏi và lấy được câu trả lời “theo nhu cầu”, đôi khi là cách nhanh nhất đạt được kết quả. Cộng đồng NeoManager có hàng chục người cho bạn khai thác, nhưng bạn phải mở miệng đặt được câu hỏi hay. 

Tất cả những nền tảng học tập số hóa, nội dung học tập số hoặc analog, kế hoạch học tập, tiêu chuẩn năng lực, bài tập, thách đố, giảng viên, người trợ giúp… đều là sự chuẩn bị cho một “đường băng”, còn người học thì tự cất cánh. Bạn có thể làm được, nó là chuyện rất cá nhân. 

Written by Tấn Dương