Ít ai lại thích bị phê bình, nhưng sự tiến bộ của bản thân mỗi người lại phụ thuộc không ít vào sự tiếp nhận sự phê bình từ những người xung quanh. Việc này thực ra có thể đã diễn ra rất thường xuyên và tự nhiên khi ta còn nhỏ. Quét nhà không sạch, bị mẹ rầy la; ta sửa lại cách quét cho nó sạch. Nấu cơm bị nhão, mẹ mắng; ta rút kinh nghiệm để lần sau cho bớt nước đi. Ta không lăn tăn về “thiện chí” của mẹ. Mẹ chỉ cần đưa ra phản hồi, và ta sửa. Ta không đánh giá xem lời “góp ý” của mẹ có mang tính xây dựng hay không. 

Nhưng lớn lên rồi, hình như ta lại hành xử hơi khác với những lời phàn nàn về chất lượng công việc của mình. Khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Ta bảo cô này khó tính thay vì xem có thể cải tiến điều gì. Đồng nghiệp kêu mình ồn ào quá, để im cho cô ấy làm việc. Ta nói cô này khó ở thay vì tự vặn nhỏ “volume” và bớt nói đi. Sếp mắng cho vì sản phẩm chưa tốt. Ta lại nói ông sếp này không ghi nhận nỗ lực của bản thân, thay vì xem nó kém chất lượng ở đâu và sửa đổi.

Chúng ta sợ mất mặt. Chúng ta đổ lỗi ra phía ngoài. Chúng ta đánh giá thiện chí của người đưa ra lời phê bình. Chúng ta bỏ luôn khách hàng, bỏ luôn mối quan hệ với đồng nghiệp, và bỏ luôn sếp mà đi. Tình trạng trên đây là do chúng ta đã cấu hình vào trong não bộ một tráng thái tư duy đông cứng (fixed mindset) mà không biết. Hậu quả là chúng ta mất khách, mất sự yêu mến của đồng nghiệp, mất đi sự tôn trọng của sếp. Và chúng ta cũng mất luôn một cơ hội để có một phiên bản tốt hơn của bản thân. Tự ta đánh mất chứ không ai cướp đi. 

Để tránh rơi vào tình trạng này, chúng ta có thể nhớ lại bài học khi nhỏ. Cài đặt lại tư duy để nó mở cửa đón chào các phê bình. Tập cách lắng nghe các phê bình, tập cách chọn lọc chúng, và phản hồi một cách tích cực nhất. Cái nào đúng thì tiếp thu, cái nào không thì nhẹ nhàng nói lại cho rõ hoặc thậm chí cứ lờ đi, nhưng luôn lắng nghe và chào đón cùng với lòng biết ơn người đã nói cho ta biết suy nghĩ của họ về chất lượng công việc của mình. Đấy cũng là một cách thực hành biết ơn người, biết ơn đời. 

Nhưng đấy là “chủ trương”, đường lối. Còn vào thực hành hằng ngày, có thể phải tập luyện mất thì giờ chứ chẳng chơi. Mỗi khi nghe thấy chỉ trích, đừng phản ứng, kể cả trong đầu. Nghe đã. Kiểm soát được phản ứng, coi như thành công một nửa. Tiếp theo, tự nhủ “đây là cơ hội để học hỏi”, không đánh giá thái độ người hỏi, dù họ có đang có vẻ lồi lõm nhấp nhô trong nét mặt hoặc giọng nói hoặc điệu bộ. Đặt câu hỏi về điều góp ý, chỗ nào đúng, chỗ nào sai nếu bạn chưa hiểu. Tự hỏi, nguyên nhân ở đâu, mình sẽ cải tiến cái gì. Hỏi thêm thông tin, vì có thể bạn chưa biết đủ thông tin, cũng như chưa nắm được cái toàn thể nên khi làm việc chưa đạt kết quả như yêu cầu, hoặc lệch hướng do hiểu sai yêu cầu. Dành thêm thời gian để xử lí phê bình, và có trách nhiệm giải trình nếu bạn đã có cam kết. 

Những việc rèn khả năng lắng nghe lời nghịch nhĩ có lẽ đòi hỏi nỗ lực nhất định, nhưng nó đáng, vì nó sẽ giúp ta trưởng thành lên. Số lượng phê bình được tiếp thu hoàn toàn có thể tỉ lệ với sự trưởng thành của bản thân. 

Written by Tấn Dương