Tri thức sách vở chỉ là một phương tiện để học tập và khám phá; không phải là thứ đích đến để mà thuộc lòng. Tri thức dạng kinh nghiệm cũng chỉ nên là một phương tiện để học tập. Người ta  không thể “truyền kinh nghiệm” cho mình  mà buộc mình phải làm mà tự có lấy. Tri thức sách vở hay kinh nghiệm đều là đầu vào cho quá trình biến đổi tri thức và kinh nghiệm trong bản thân, đồng thời và qua đó mà tạo ra sự thay đổi ở thế giới xung quanh.

Kinh nghiệm có mặt chủ động và thụ động. Ta kinh qua việc gì đó, thế là có kinh nghiệm, dù ta có ý thức hay không. Ta chủ động thử, rồi thế là cũng kinh qua, và thế là có kinh nghiệm. Hành động đi qua, sẽ có sự thay đổi bên trong và bên ngoài.

Nhưng không phải mọi sự trải nghiệm đều mang tính học hỏi. Chỉ cái trải nghiệm nào có liên kết với hệ quả phản hồi lại, diễn ra một cách liên tục sẽ biến thành sự thay đổi ở bên trong chúng ta. Vì thế ta nói sự thực hành cần sự chú tâm. Nếu là thử nghiệm, ta gọi là thử nghiệm tích cực hoặc thử nghiệm có chủ đích. Chính quá trình dự liệu từ thử nghiệm, dự liệu từng hành động, cho đến việc tính toán hệ quả của hành động, được gọi là tư duy. Như thế là trong quá trình thử nghiệm tích cực này, thực chất là ta đang hình thành và rèn luyện tư duy: Đó là quá trình đi từ phán đoán vấn đề, quan sát các điều kiện, dùng lí trí để hình thành và xây dựng một đề xuất trong đầu, rồi chủ động thực hiện để kiểm tra kết luận đó. Bằng cách ấy, kinh nghiệm cũng đọng lại trong chúng ta, và tiếp tục bị biến đổi. Lúc ấy có sự tăng trưởng, tức là có sự học tập. Lúc ấy kiến thức đã đi vào bên trong. Cách học này ta sẽ gọi là học qua trải nghiệm, học qua hành động, hoặc làm-thì-học_học-mà-làm.

Sách là cái bên ngoài, lời giảng của bậc thầy là cái bên ngoài, video của Agilearn là cái bên ngoài, TED talks là cái bên ngoài, bài giảng của giáo sư Havard trên edX là cái bên ngoài. Bằng một chu trình thử nghiệm có chủ đích, ta đưa những thứ được gọi là kiến thức đó vào bên trong. Như ta biết, quá trình này không dễ dàng hay nhanh chóng. Chúng ta không dễ học mót của thiên hạ (ngay cả khi ta đã nhớ được vài điểm mấu chốt/một vài key takeaways, cũng không có nghĩa là ta đã học được, vì có khi ta sẽ quên ngay sau vài ngày, hoặc nói như một con vẹt mà khi được yêu cầu diễn giải lại không tài nào mở miệng ra được, hoặc cũng không thể vận dụng nó làm cái gì; nếu ta lưu vào sổ để lúc nào đó cần thì moi ra cũng có nghĩa là ta biến từ cái của người ta từ chỗ này ta đặt vào một chỗ khác là cái sổ, vẫn chưa đi vào bên trong của đầu óc chân tay chúng ta), cũng không dễ gì đọc lướt một vài kinh điển là trở trên thông tuệ. Đừng ngạc nhiên nếu như ta đọc cả đống sách mà vẫn không có gì đáng kể trong đầu, sưu tập cả chồng chứng chỉ mà vẫn thực sự là thiếu hiểu biết.

Cuốn sách PEAK của nhà tâm lí Anders Ericsson có giải ngộ nhận về các thiên tài. Họ đều là những người học qua trải nghiệm “chết thôi” chứ không tự nhiên sinh ra, không phải chỉ cần qua vài lần đốn ngộ là tỏa sáng rực rỡ như người ta thấy. Cái phẩm tính thiên tài mà ta thấy chỉ là phần nổi, là cái cuối cùng, còn không ai để ý cả một sự nỗ lực liên tục dài hơi. Hành trình đi đến thành quả về năng lực (chưa nói đến thành công trong sự nghiệp) là vô cùng gian nan. Nhưng có vẻ Ericsson quên không nhắn gửi vài lời cảnh báo tới những người bình thường, vì hình như ai cũng nghĩ mình có chất thiên tài trong con người mình. Cứ thử để ý mà xem, ngay cả cái tít phụ đấy, cuốn sách cam kết một phương pháp “đột phá”. Ở Việt Nam, đột phá nghĩa là đi tắt đón đầu, là “thần chưởng”, là “đập phát chết ruồi”, là “ba tuổi vươn mình thành thánh”. Trong lĩnh vực năng lực, nên ít tin vào chuyện chuyện đột phá thì tốt hơn.

Mấu chốt chính là thứ John Dewey đã nói: có kinh nghiệm chủ động, học hành làm việc để biến đổi kinh nghiệm thúc đẩy sự tăng trưởng (growth), và liên tục (continuity).

Written by Tấn Dương