Triết gia Mortimer Adler có một cách phân loại sách phi hư cấu rất có ích cho việc đọc trong sách “How to read a book” (Phương pháp đọc sách hiệu quả). Theo đó, sách có loại sách thực hành và sách lí thuyết.

Sách lí thuyết tự nó giải quyết được vấn đề mà không cần động chân động tay. Có thể sách sẽ chứa mấy công thức, đưa đầu vào thế là ra kết quả; hoặc chỉ cần dùng đầu óc để thu nạp các thông tin mang tính phổ quát, các quy luật của tự nhiên và xã hội mang lại sự hiểu biết tức thì. Sách lịch sử, khoa học , toán học, và triết học thuộc loại này. Đọc sách lí thuyết vì thế có thể khô nhưng lợi hại ngay tức thì. Ví dụ, đọc cuốn sách “Lược sử loài người” của Yuval Harari ta có ngay được một bộ tiêu chí để trả lời câu hỏi “tính người là gì?”, hay biết ngay tác dụng của các “trật tự tưởng tượng” (như nhà nước, thị trường,…) đối với đời sống. Đọc cuốn triết học giáo dục “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey giúp ta nắm bắt được ngay sự liên quan mật thiết giữa nội dung và phương pháp trong giáo dục, như thế nào là một mục tiêu tốt…, mà không cần phải làm gì thêm.

Một cuốn sách lí thuyết

Sách thực hành thì ngược lại, phải nhờ đến hành động trong thực tiễn thì sách mới có tác dụng. Kết quả của hành động có thể lúc nóng lúc lạnh, lúc ngon lành lúc tậm tịt, phụ thuộc bối cảnh, vào trình độ vận dụng của người thực hành. Vì thế sách thực hành có thể nhàn lúc đọc, nhưng lâu tiêu hóa, và việc hiểu nó đến đâu còn do “ngộ tính” và may mắn của của người đọc nữa. Sách về quản trị, sách self-help và phần lớn sách chúng ta đọc hằng ngày đều thuộc loại sách thực hành. Nó đòi hỏi bạn đọc phải hành động mới biết được sách đó là thực sự hiệu quả hay không vì  bản thân nó không thể tự mình giải quyết những vấn đề mà nó nói đến.
Đọc sách (phi hư cấu) là một hoạt động học tập, do đó việc tiếp xúc với sách mới chỉ là điểm bắt đầu. Quá trình tiêu hóa sau đó thông qua hoạt động phản tư, chứng nghiệm, vận dụng, mới giúp người đọc đi hết vòng trải nghiệm của cuốn sách.  

Một cuốn sách tự lực tiêu biểu

Cùng một cuốn sách (được cho là) hay, chẳng hạn như cuốn Đắc Nhân Tâm, mười người Việt Nam đọc, kiểu gì cũng có hai ba người tấm tắc khen, đôi ba người bực mình ném lên Facebook dòng status “đồ giấy lộn”. Nhưng có khi cả người khen và chê đều chưa chứng nghiệm điều Dale Carnegie viết trong sách, tức là họ chưa thực sự trải nghiệm cuốn sách. Nói theo Adler thì là chưa thật sự đọc cuốn sách ấy. Cuốn này thuộc thể loại sách self-help tức là tự lực, tự giúp mình. Đọc sách này là để tự giúp mình. Ta tìm đến sách self-help là để biến đổi bản thân, “đáp ứng một nhu cầu nào đó”, “giải quyết một vấn đề nào đó”, chắc chắn không phải chỉ để xem sách có hay như đồn thổi hay không. Đọc sách tự lực không phải để giải trí, thậm chí người ta cũng không nên tìm đến loại sách này để chữa lành, hay nâng cao tinh thần. Công dụng của sách ít khi thần kì như vậy, nếu như chưa “động chân động tay”. Thường thì người ta tìm đến sách tự lực để tự giúp mình thông qua việc tìm cái gì đó để thực hành và tự mình biến đổi. Vậy là nếu không đọc đúng cách, nhất là đối với sách thực hành (đọc sách thực hành mà lại không hề tiếp thu chọn lọc qua đường thực hành), thì cũng không thể tự giúp lấy mình được, sách không thể phát huy tác dụng được.

Cuốn “Đắc nhân tâm” kể trên chứa đựng đầy những lời khuyên rất cụ thể, phải làm thế này, nên làm thế kia. Nó cũng giống như sách dạy nấu ăn, công thức rất rõ ràng. Ta gọi sách thực hành loại này là sách “quy tắc”. Nhưng sách thực hành không phải lúc nào cũng cụ thể như thế. Có những sách khác chỉ chứa nguyên lí, ví như “Đạo đức kinh” của Lão Tử, hay “Triết lí Kinh doanh Kyocera” của Inamori Kazuo. Các sách này cũng là sách thực hành, nhưng nó lại nói các vấn đề chung, những thứ mang tính nguyên tắc phổ quát, vì thế đòi hỏi phải đọc kĩ hơn, có chút xử lí trong đầu trước khi mó tay vào hành động. Nếu ta gọi nhóm “Đắc nhân tâm” là sách quy tắc, thì loại sách thứ hay này là chứa nguyên lí để làm ra quy tắc. Ta phải vận dụng nguyên lí, để từ đó đề xuất ra quy tắc, rồi mới áp dụng được vào thực tiễn.

Một cuốn sách thực hành, hướng dẫn kĩ năng rất “cứng” là kĩ năng đọc.

Ví dụ, nhà quản trị cầm sách “Triết lí kinh doanh Kyocera” lên và đọc được nguyên lí gói trong công thức mà tác giả gọi là Công thức cuộc đời. Công thức được viết ra: Thành tựu = Tư duy * Nhiệt tình * Năng lực; với giá trị của từng tham số Tư duy từ -100 đến 100, Nhiệt tình từ 0-100; Năng lực từ 0-100. Người đọc không dễ gì vận dụng được ngay. Để vận dụng được, nhà quản trị buộc phải nghĩ ra tiếp một thang đo thế nào là tư duy -100 điểm, khi nào thì tư duy được đánh giá 10 điểm, khi nào thì tư duy được đánh giá 100 điểm, vì sao? Tương tự như thế với Nhiệt tình, và Năng lực. Như thế là từ nguyên lí, nhà quản trị đã xây dựng được thêm một bộ quy tắc để áp dụng nguyên lí này vào thực tiễn.  Xong rồi nhà quản trị lại phải tiếp tục đặt ra tình huống khi nào thì sử dụng công thức kia: dùng cho mình hay cho nhân viên đang làm việc, hay nhân viên tiềm năng đang tìm việc ở công ty, hay nhân viên chuẩn bị được thăng chức. Từng tình hống như thế sẽ đòi hỏi phải đánh giá lại nhân sự có sử dụng công thức kia. Đó chính là cách “đọc” một nguyên lí. Nó bao gồm việc nắm bắt nguyên lí đó, hiểu sâu nó để đề xuất ra được một loạt “quy tắc”, và rồi đưa vào các “tình huống” vận dụng công thức đó.

Sách “triết lí”, hay sách “nguyên lí”

Đọc sách nguyên lí, rõ ràng là mất công hơn, nhưng vì nó là cái “máy cái”, chính nó sẽ đẻ ra thiên biến vạn hóa các quy tắc để áp dụng vào thực tiễn đa dạng. Đôi khi, để nuốt được những sách loại này ta cần phải viện đến các ông thầy giảng giải cho chứ không thể “tự nhiên” như loại sách thực hành dạng quy tắc. Nếu đọc đúng và hiệu quả loại sách nguyên lí, lợi ích là vô cùng to lớn. Nhưng nếu đọc không đúng cách, ta dễ có cảm giác sách đó “lí luận suông”, “sáo rỗng”, “nói những điều hiển nhiên” (vì nó suông thật, làm gì có công thức nào để mà áp dụng ngay và luôn?), và vô dụng. Nhưng có lẽ, nó không vô dụng vì nó sai, mà nó vô dụng vì người đọc chưa thể tương tác với nó.

Những người có tinh thần tự lực cao thì dễ đọc sách thực hành đúng cách hơn. Người đó sẽ tự thấy việc mình chưa học được cách thay đổi bản thân ngay cả khi đọc được sách được cho là quý, chứ không quy trách nhiệm cho tác giả cuốn sách. Khi đó, người đọc sẽ chịu khó tìm hiểu hơn, hỏi han người đi trước, các bậc thầy để “vỡ bài cho bằng được” chứ không sớm ném sách vào sọt rác. Cho nên, để đọc được nhiều sách thực hành và có lợi lạc, thì người đọc cũng phải tự rèn cho mình tinh thần tự lực, cùng với cách thức đọc sách cho thành thục trước đã.

Written by Tấn Dương