Minh triết thực hành (practical wisdom, Aristotle gọi là phonesis), là sự khôn ngoan được sinh ra từ thực tiễn, để quay trở lại tác động vào thực tiễn với khả năng giải quyết vấn đề tài tình và đúng đắn. Sau đây sẽ gọi tắt là khôn ngoan.

Khôn ngoan không được “học” thông qua tham dự bài giảng hoặc đọc sách, mà được kiến tạo trong quá trình đắm mình vào thực tiễn để giải quyết vấn đề. Nó bao gồm cách ta nhìn nhận tình huống, đánh giá, cảm nhận về, chủ ý đưa ra phép thử và hành động để giải quyết vấn đề. Nếu việc học là để nắm dược dữ liệu và quy tắc (hay quy luật, cũng thế thôi), ta sẽ có được hiểu biết. Vận dụng tốt, trải nghiệm khéo léo ta có sự khôn ngoan. Vừa hiết biết sâu sắc vừa khôn ngoan, và ra phán đoán hiệu quả ở mức cao ta có được sáng suốt.

Khôn ngoan mang trong mình tri thức ẩn (tacit knowledge) chứ không phải thứ được trình bày tường minh để có thể “dạy” được. Nó được sinh ra trong trải nghiệm. Khôn ngoan có tính bối cảnh, vận dụng tình cảm, không phải là quy tắc sơ cứng.

Quy tắc chỉ ra cái tuyệt đối (nguyên lí để làm việc này là gì?), khôn ngoan là về một cái cụ thể bối cảnh hóa (ý định cụ thể của hành động này là gì? có xung đột với điều gì ta đã biết hay không?). Quy tắc là cái khuôn mẫu phải theo. Khôn ngoan là thứ để thử và chỉnh. Quy tắc là lấy búa để đập vào đinh để đóng vào gỗ; khôn ngoan là thích nghi để biết có lúc không nên dùng đinh mà nên dùng mộng mộc. Cái thước gỗ giống với quy tắc, cái thước dây giống với khôn ngoan. Ta thấy nhiều quy tắc ở dàn nhạc giao hưởng, và thấy nhiều khôn ngoan hơn ở ban nhạc jazz. 

Quy tắc không tính tới tình cảm, khôn ngoan là suy nghĩ với trái tim, lòng đồng cảm, sự tương tác với bối cảnh xung quanh để tạo ra giải pháp sáng tạo và vừa khít. Quy tắc là chỉ dẫn cụ thể phi tình huống. Khôn ngoan là sự lựa chọn “khuôn mẫu” (pattern) phù hợp với tình huống cụ thể.

Một chiếc thước linh hoạt, ảnh: thethaothientruong


Con người có thói quen bày thêm quy tắc. Ngày càng nhiều chỉ dẫn. Cho tới một lúc, người ta chỉ nhìn thấy chỉ dẫn mà quên mất mục đích cuối cùng là gì. Người ta làm các chỉ dẫn mà không có hồn. Đến lúc ấy, sự chỉ dẫn lại phản tác dụng. Nó không những không giúp người ta làm việc tốt lên, mà lại làm cho người ta mất đi nhiệt tình.

Quy tắc và phần thưởng là không đủ, không một hệ thống quy tắc chi tiết cỡ nào là đủ; thế giới của ta cần thêm sự khôn ngoan. Cỗ máy chỉ công năng (functionality), con người có mục đích và đạo đức. Phải có thêm chút tâm hồn và trí tuệ gói trong các quy tắc.

Để “bắc giàn” cho người học, giáo viên khôn ngoan (phronetic teacher) “khoe” (show/demo) để đạt được kết quả (mục tiêu), để chỉ ra một cách làm cụ thể (không hẳn là cách tối ưu), để người học nhìn thấy mà bắt đầu bắc chước, rồi lặp lại trải nghiệm để xây dựng trí khôn cho bản thân. Người giáo viên khôn ngoan không “nói” (tell/talk) ra phương án đầy đủ mà không kèm “demo”. Họ chỉ ra để người ta làm được, chứ không ham ‘bình luận về’ một giải pháp mà mình không có trải nghiệm.Giáo viên hay dạy quy tắc và bắt thuộc lòng, giáo viên khôn ngoan tạo điều kiện cho trải nghiệm và dạy “lí thuyết được lồng trong hành động”. Giáo viên thích học sinh mình làm “được việc”, “đạt điểm cao” (performance); giáo viên khôn ngoan còn biết hướng dẫn học trò có được sự thành thục (mastery) thực sự. Giáo viên khôn ngoan chú ý tới mọi học sinh trong lớp chứ không bỏ qua những đứa ‘không thể dạy nổi’, hoặc ‘những đứa có bỏ đấy nó cũng tự xoay sở được’ như một số ‘hướng dẫn’ bất thành văn từ người đi trước.

Nhà quản lí khôn ngoan không “ốp” phương pháp quản lí theo sách vở dù nó nổi tiếng (management fad), mà vận dụng khéo léo cho vừa với tạng của mình và tổ chức để đạt được mục tiêu trước mắt hoặc lâu dài. Anh ta không quên rằng mọi việc đều hướng đến một mục đích duy trì sự năng động của tổ chức và sự hạnh phúc của toàn thể nhân viên. 

Lập trình viên khôn ngoan không nhặt mã lệnh trong sách và gắn đại vào chương trình, mà đẽo gọt cho vừa với thiết kế tổng thể và có chương trình gọn đẹp hiệu quả đối với người dùng.

Nhà thiết kế dân dụng khôn ngoan tạo ra sản phẩm khiến cho người dùng sử dụng đúng như công năng mà họ mong muốn sản phẩm phải có.

Người khôn ngoan thì tìm thấy giải pháp tốt nhất trong sự phục vụ, hướng tới người khác (customer-centric), chứ không phải nhất nhất “theo quy tắc”. Người khôn ngoan, do đó, ‘đọc đời’ nhiều hơn đọc sách. Họ biết khi nào ‘chỉ cần theo hướng dẫn’, khi nào phải ‘bẻ cong’ luật lệ, và lúc nào là lúc phải chuyển hóa , lúc nào phải tạo ra một công cụ hoặc thực tại mới.

Tổ chức quan liêu nhiều quy tắc, tổ chức linh hoạt nhiều khôn ngoan.

Ta cần cả hiểu biết và khôn ngoan, trong một sự cân bằng và linh hoạt để suy nghĩ, làm việc và yêu thương. Một số sẽ muốn mình còn đi xa hơn, trở thành người hiểu đạo và là người sáng suốt. Nó vừa là phương tiện mang đến sự hạnh phúc và đủ đầy; tự nó cũng vừa chính là một sự đủ đầy.


Tham khảo:

  • Practical Wisdom: The The Right Way to Do the Right Thing, Barry Schwartz & Kennet Sharpe.
  • Wise Company: How Companies Create Continuous Innovation, Ikujiro Nonaka & Hirotaka Takeuchi.
  • Nicomachean Ethics, Aristotle