Aristotle đã để lại cho hậu thế một khung tư duy tuyệt vời về các loại tri thức mà con người có thể đạt được. Trong Đạo đức học Nichomachus (Nichomachean Ethics), ông thảo luận về câu hỏi làm thế nào để trở thành người nhất có thể. Câu trả lời của Aristotle là có một mục đích (eudaimonia – hạnh phúc trọn vẹn), phương tiện đạt được là phẩm hạnh đạo đức và phẩm chất trí tuệ. Trong đó cái sau thể hiện phẩm chất ưu tú của lý trí, trí năng người. Các phẩm chất này được bồi đắp bằng việc học hỏi, rèn giũa trí tuệ, và nhất là chiêm nghiệm. Vậy là tri thức theo nghĩa rộng trong đầu một con người được chia làm năm loại:

  • Sophia – Minh triết (Wisdom): Đây là loại trí tuệ bậc cao nhất, liên quan đến năng lực chiêm ngưỡng và thấu hiểu những chân lý vĩnh cửu, bất biến của vũ trụ và sự tồn tại. Sophia hướng đến tri thức thuần lý, sự am tường về những nguyên lý và cội nguồn tối thượng. Đức hạnh này thường được thể hiện trong triết học lý thuyết và khoa học thuần túy. Aristotle xem sophia là thứ phẩm chất cao quý nhất, gần gũi với thần thánh.
  • Nous (νοῦς) – Trí tuệ trực giác (Intellectual Intuition): Là năng lực trí tuệ nắm bắt trực tiếp những nguyên lý nền tảng, những chân lý tiên đề, những khái niệm căn bản mà không cần đến chứng minh hay lập luận. Nous đóng vai trò nền tảng cho cả sophia và phronesis.
  • Phronesis (φρόνησις) – Khôn ngoan thực tiễn/Trí tuệ thực hành/sự hiền minh (Practical Wisdom/Prudence): Đây là phẩm hạnh của lý trí thực hành, gắn liền với khả năng suy xét đúng đắn và hành động sáng suốt trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống. Phronesis giúp ta lựa chọn phương cách thích hợp để đạt mục tiêu tốt đẹp, ra quyết định chính xác trong các vấn đề đạo đức và chính trị, và ứng xử khéo léo, linh hoạt trong các mối quan hệ xã hội.
  • Techne (τέχνη) – Kỹ năng/Nghệ thuật (Art/Skill/Craft): Là năng lực tạo tác một sản phẩm hoặc dịch vụ hữu ích theo những quy tắc và phương pháp nhất định. Techne đòi hỏi tri thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, và sự tinh xảo trong một lĩnh vực cụ thể (ví dụ: thủ công, y học, kiến trúc, âm nhạc, kĩ nghệ). Dù không phải là phẩm hạnh cao nhất, techne vẫn được xem là một hình thái trí tuệ quan trọng và mang giá trị thực tiễn.
  • Episteme (ἐπιστήμη) – Tri thức khoa học/Hiểu biết khoa học (Scientific Knowledge): Là tri thức thu được thông qua chứng minh, lập luận, và quan sát theo phương pháp khoa học. Episteme thể hiện năng lực giải thích, phân tích, và hệ thống hóa tri thức về thế giới tự nhiên và xã hội

Sophia, Nous, và Phronesis được xem là những phẩm chất trí tuệ đáng để tu rèn, trong đó phronesis đặc biệt cần thiết cho đời sống đạo đức và hoạt động thực tiễn. Có điều, ngày nay ít người dám động đến Sophia hay Nous vì thấy nó xa vời. Chỉ một số người có trí tuệ vượt trội và ham hiểu biết vẫn còn đang nỗ lực chiêm nghiệm và dày công tu luyện.

Kể từ cách mạng khoa học thế kỉ 16 đổ đi thì episteme lên ngôi. Có một thứ chủ nghĩa khoa học trong việc truy tìm chân lí. Các tri thức khoa học được coi là chắc ăn hơn và mang trong mình sức mạnh. Cho đến nay tri thức khoa học vẫn còn đứng ở hạng nhất như thế. Nhưng ở những nơi tư duy khoa học chưa thật phát triển (như ở Việt Nam chẳng hạn) thì lại có tâm lí thù ghét lí thuyết (nhân danh thành ngữ “lí thuyết suông”, “lí thuyết chỉ màu xám, cây đời thì mãi xanh tươi”), sợ lí thuyết (chữ của dịch giả Hoàng Hưng) cho nên ít tìm đến tri thức khoa học như một thói quen. Hậu quả là không có khả năng tư duy trừu tượng, ít dùng lí luận trong đời sống và công việc, không có khoa học kĩ nghệ trình độ cao.

Techne, do tính chất hành dụng của nó vẫn có vai trò quan trọng xưa nay. Thời cổ đại thì nó đứng ở hạng bét, chỉ nô lệ mới làm những công việc tay chân. Thời đại thủ công nghiệp nó dần quan trọng, thời công nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng tầm quan trọng. Ở Việt Nam, ngay nay thậm chí nó còn được tôn lên hàng đầu ở một bộ phận dân cư, lấy lí do là “thực chiến”, “thực dụng”, vì quan điểm ngự trị thời nghèo đói vẫn còn ám ảnh chúng ta “có thực mới vực được đạo”, “hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”. Techne trực tiếp giải quyết vấn đề, tạo ra của cải vật chất nên sẽ còn được quý trọng, có thể đem bán được trong một nền kinh thế tri thức, kinh tế thị trường. Nhưng khi chỉ còn nó độc tôn, người ta có thể thấy phẩm chất trí tuệ người nhất/cao nhất thiếu vắng, con người tự biến mình thành công cụ trong một guồng máy. Một nền giáo dục chỉ giới hạn mình trong việc đào tạo kĩ năng cụ thể để làm việc (job, kiếm sống), thì sẽ được các nhà lí luận giáo dục gọi cho cái tên là “nền giáo dục công cụ”, chỉ có khả năng tạo ra những con người công cụ (tệ hơn, họ có thể nói là những con cừu/dê – Mortimer Adler), đối lập với mục tiêu đích thực mà nền giáo dục tử tế phải hướng tới (liên quan tới phát huy và phát triển những điều tốt nhất ở con người).

Phronesis vốn rất bí ẩn, nhưng với tiến bộ của khoa học nhận thức, tâm lí hoc và triết học, nó đã được giải mã dần dần và có tính ứng dụng cao (vì nó thuộc loại tri thức thực hành, có tác dụng trong thực tiễn). Nó được Nonaka làm cho sống động trở lại trong lý thuyết về đổi mới sáng tạo và lãnh đạo hiền minh, như tôi đã viết trong bài về ông. Loại tri thức này chính là phẩm chất tuyệt với mà các nhà lãnh đạo thứ thiệt đều dày công phát triển.