Rất dễ mất thì giờ vào cái tào lao bí đao, loanh quanh luẩn quẩn với các hiện tượng bề ngoài. Đầu óc ta dễ mặc kệ cho tình trạng không phân biệt cái vô thưởng vô phạt với điều gì là thực sự có ý nghĩa.
Giữa logo và thương hiệu.
Giữa việc “dịch marketing là tiếp thị có chuẩn không”, so với thực sự “marketing là làm gì, và để làm gì”.
Giữa việc nở bung quy mô công ty to chà bá với khả năng mang lại lợi nhuận và công ăn việc làm bền vững.
Giữa đọc nhiều sách và sự trí tuệ đích thực.
Giữa việc thả tim tưng bừng trên tút Facebook với kết nối bè bạn.
Giữa việc sở hữu rõ lắm tài sản danh nghĩa so với mức sống thịnh đạt và hạnh phúc thực sự.
Để phân biệt giữa cái vẻ ngoài và cái thực sự quan trọng, người ta cần tìm về những câu hỏi cơ bản. Tại sao? Được việc gì? Hỏi chúng nhiều lần cho tới khi ngã ngũ. Có thể là 5 lần, nhưng cũng có khi ít hơn đã xong việc rồi.
Cách đây 15 năm, khi viết giáo trình Computing Fundamentals cho người học CNTT, mục dạy Word Processing (công cụ có Microsoft Word, Google Docs và Open Office) được đặt trong một chương có tên Productivity Suites. Năm ấy nhiều giảng viên thắc mắc “sao lại không gọi thẳng là Office Suite”? Tôi giải thích rằng mình dạy khái niệm chứ không chỉ dạy công cụ (mặc dù sinh viên sẽ phải làm việc với công cụ để lĩnh hội được khái niệm). Ý tưởng chính là thông qua việc dùng công cụ đó mà nâng cao năng suất lao động. Trong mục Spreadsheets, các ví dụ đều mang tính chất ứng dụng và giải quyết vấn đề: dùng Excel để quản lí thời gian, dùng để quản trị dự án; chứ không phải là bảng tính cộng trừ nhân chia hay chỉ dành cho mấy chị kế toán (như thường nghĩ hoặc thường thấy trong các sách dạy Excel thời đó). Những công cụ ấy đa năng, đa nhiệm, đa mục đích; nếu dùng đúng chỗ có thể cải thiện đáng kể năng suất của người lao động tri thức.
Năm nay, nếu viết lại giáo trình ấy cho người mới học, thì mục Productivity sẽ phải có thêm Notion, Copilot, ChatGPT, MidJourney, Stability.ai… Khái niệm không đổi, nhưng công nghệ đã có diễn biến mới. Nếu thêm, tôi sẽ đưa quản trị và những nội dung chủ đạo trong Được việc làm phụ lục thật dài để hoàn thiện bài giảng. Vấn đề cũ, khái niệm cũ, cách giải mới, công cụ mới.
Đầu thế kỉ 17, Francis Bacon viết “Bộ công cụ mới”, mở đường cho tư duy khoa học phát triển. Loài người từ cái mốc đó ào ạt bước ra khỏi hang tối, không còn như trước nữa. Ngày nay, công cụ mới nhất, tân kì nhất có tên trí tuệ nhân tạo. Chúng ta có lẽ đang được chứng kiến một cuộc thay đổi toàn diện đời sống con người, thậm chí tạo sức ép lật lại những câu hỏi bản thể luận quan trọng nhất liên quan tới tính người. AI vừa mang lại cơ hội to lớn, sự phấn khích, cũng như những nghi hoặc và cả nỗi khiếp sợ.
Người có giáo dục được dạy cho biết đọc biết viết, biết tự học, biết làm người công dân, biết chung sống, biết tự chủ, biết làm lụng và phát triển. Nhưng biết rồi thì có còn học nữa không?
Kinh tế lao dốc, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, người lao động khốn đốn. Mục tiêu còn ở rất xa, nguồn lực và trí tuệ ngày càng giới hạn. Người khôn của khó, nhưng ta vẫn mong muốn đạt được sự thịnh vượng và an lạc. “Điều gì quan trọng và lúc này?”
Dưới đây là mấy dòng ghi nhanh, để tự răn mình:
Nỗ lực cải thiện tư duy không ngừng nghỉ
Đạo đức
Tích cực
Cởi mở
Vị tha
Thấu cảm
Trắc ẩn
Hiện sinh
Cầu tiến
Không rời bỏ mục đích và nguyên tắc của mình.
Thực hành tự do suy nghĩ, tự do hành động. Vượt lên định kiến, chống giáo điều.
Đốt lửa và duy trì ngọn lửa nhiệt tình
Duy trì và cải thiện sự nhiệt tình là nhiệm vụ của bản thân.
Tinh thần chiến đấu rực lửa là chìa khóa cho hầu hết tình huống khó khăn
Hành động từng bước để đạt được mục tiêu
Không từ bỏ tầm nhìn, mục đích dù khó khăn cỡ nào.
Kiểu gì cũng có những thách thức, ngáng đường, cản trở… nó là một phần của công việc.
Cứ khi nào định từ bỏ mục tiêu, đấy mới thật sự là lúc công việc bắt đầu.
Quan sát và cảnh giác, và phản hồi hợp lí với các hiện tượng có nguy cơ làm giảm sự hăng hái hành động
Mục đích, ước mơ, khát khao, lí do tồn tại, lí lẽ đời người, lời khích lệ, cây gậy và củ cà rốt, lời khích tướng, sự mắng mỏ … tất cả những gì cần thiết để cháy lên – dùng được thì cứ dùng.
Tương lai tươi sáng nhất định thành hiện thực
Mở rộng năng lực
Cải tiến liên tục cách làm mọi việc
Học cái mới chưa từng học, để nghĩ sáng hơn, làm hiệu quả hơn
Gặp mọi người -cả cũ và mới – và học từ họ cái mà mình không biết, bất kể tuổi tác, xuất xứ, hay địa vị
Kết nối con người-công nghệ-tri thức để cải thiện hiện trạng khai thác nguồn lực
Thử, rút kinh nghiệm và học từ các phép thử nghiệm
Học cách làm nhiều hơn với ít hơn
Làm việc thông minh hơn phải là một mệnh lệnh.
Mài rũa năng lực sáng tạo, trong chính những hoạt động cải thiện hiện trạng sáng tạo trong công việc hằng ngày.
Thích ứng là một năng lực sống còn thời biến động
Kiến tạo và khai thác tri thức dưới tất cả thể hiện của nó. Bất cứ thứ gì giúp ta làm tốt hơn công việc và sống tốt hơn đều góp phần cải thiện năng lực.
Xắn tay giải quyết các vấn đề nhân sinh, tạo thành quả tích cực
Nhìn ra cơ hội. Từ trong sự bất cập của thực tế; từ trong những sự kiện xảy ra bất thình lình; từ trong những nhu cầu mới phát sinh; từ những phát kiến và sáng chế công nghệ mới; từ sự thay đổi cơ cấu ngành đang xảy ra nhanh chóng từ sau Covid và dưới tác động của biến động trong môi trường kinh doanh; từ sự thay đổi về lối sống, suy nghĩ, nhân sinh quan, giá trị quan của cá nhân và các nhóm; hay từ trong sự dịch chuyển về về cơ cấu xã hội, dịch chuyển về thế hệ.
Huy động nguồn lực, trí tuệ, con người và kết nối trong các giải pháp cụ thể để khai thác cơ hội.
Trong khi tìm cách duy trì tính hiệu quả, phải tích cực khám phá những “vùng đất mới”. Thí nghiệm phải là một GEN mới trong hoạt động.
Không ngồi than vãn kinh tế xuống dốc hay những trục trặc nội bộ. Mọi khủng hoảng đều có lối thoát của nó.
Hướng sự tập trung của Tư duy, Nhiệt tình, và Năng lực của mọi người vào quá trình khai thác cơ hội và kiến tạo tương lai tốt đẹp mà chúng ta hằng mong ước.
Mèo trắng mèo đen đều được, miễn là phải bắt được chuột thì là mèo tốt. Thoải mái “nghĩ ra ngoài chiếc hộp”, “chống giáo điều”, “phá bỏ định kiến”, nhưng “giữ đạo đức làm người” là được.
Điều quan trọng cuối: Làm những điều trên cùng nhau.
Lùi sâu vào khoảng mười ba mười lăm năm trước tôi bắt đầu tìm hiểu về quản trị tri thức để phục vụ những dự án đang làm, tôi dần tiếp cận với tri thức luận của giáo sư Ikujiro Nonaka – một người đối với tôi lúc đó đơn giản chỉ là “ông nội của Scrum” (còn cha đẻ là Jeff Sutherland và Ken Schwaber). Nhưng chính mô hình SECI của Nonaka dần dà lại trở thành một cái lỗ đen để tôi lún ngày càng sâu hơn vào việc tìm hiểu về tri thức, về lao động tri thức, xã hội tri thức, kinh tế tri thức, cách tân, sáng tạo, khởi nghiệp, và quản trị mới.
Trong hơn một thập kỉ qua, cứ xuân thu nhị kì, tôi lại có dịp làm một seminar, hoặc khởi động một dự án, hoặc thực hiện một bài giảng nào đó mà lí luận của Nonaka mang tính chỉ đường. Tôi đã mang nó đi theo những cùng những bước chân qua nhiều trạm dừng chân (thoáng qua hoặc lâu dài) Hanoi Scrum, FPT Aptech, FPT University, FPT Corporate University, NTQ Solution, Agile Conferences, TrueMoney, BIDV, MSB, Cánh Buồm, Học viện Agile, CodeGym, GrowMind…
Đường đi ấy để lại một số kết quả của quá trình đó là nhìn thấy được (như sách vở, khóa học, sản phẩm, công ty khởi nghiệp); nhưng kết quả lớn hơn là trong nhận thức của mình về một lí luận quan trọng dẫn dắt con người chủ động tiến vào xã hội tri thức.
Con đường ấy tôi gọi là Tri Đạo, đường đi của tri thức, được vạch ra với viễn kiến tài tình của Peter Drucker, lí luận về công ty tạo dụng tri thức của Nonaka, cùng nhiều học giả, người thực hành lỗi lạc đi sau. Con đường ấy ngày càng sáng rõ và tiềm năng mang lại thật to lớn cho cá nhân, tổ chức, và xã hội.
Nay tôi mở lớp Tri Đạo để nối dài cái đường ấy, thông qua việc tìm hiểu sâu hơn về nó, đúc kết tích cực hơn, và truyền bá nó tích cực hơn chút nữa.
Việc mở lớp là lẽ đương nhiên phải làm. Tri Đạo được Viện Phát triển Giáo dục Khai phóng Libero và Trường Quản trị Hiếu Liêm (thuộc Học viện Agile) bảo trợ và thúc đẩy.
Minh triết thực hành (practical wisdom, Aristotle gọi là phonesis), là sự khôn ngoan được sinh ra từ thực tiễn, để quay trở lại tác động vào thực tiễn với khả năng giải quyết vấn đề tài tình và đúng đắn. Sau đây sẽ gọi tắt là khôn ngoan.
Khôn ngoan không được “học” thông qua tham dự bài giảng hoặc đọc sách, mà được kiến tạo trong quá trình đắm mình vào thực tiễn để giải quyết vấn đề. Nó bao gồm cách ta nhìn nhận tình huống, đánh giá, cảm nhận về, chủ ý đưa ra phép thử và hành động để giải quyết vấn đề. Nếu việc học là để nắm dược dữ liệu và quy tắc (hay quy luật, cũng thế thôi), ta sẽ có được hiểu biết. Vận dụng tốt, trải nghiệm khéo léo ta có sự khôn ngoan. Vừa hiết biết sâu sắc vừa khôn ngoan, và ra phán đoán hiệu quả ở mức cao ta có được sáng suốt.
Khôn ngoan mang trong mình tri thức ẩn (tacit knowledge) chứ không phải thứ được trình bày tường minh để có thể “dạy” được. Nó được sinh ra trong trải nghiệm. Khôn ngoan có tính bối cảnh, vận dụng tình cảm, không phải là quy tắc sơ cứng.
Quy tắc chỉ ra cái tuyệt đối (nguyên lí để làm việc này là gì?), khôn ngoan là về một cái cụ thể bối cảnh hóa (ý định cụ thể của hành động này là gì? có xung đột với điều gì ta đã biết hay không?). Quy tắc là cái khuôn mẫu phải theo. Khôn ngoan là thứ để thử và chỉnh. Quy tắc là lấy búa để đập vào đinh để đóng vào gỗ; khôn ngoan là thích nghi để biết có lúc không nên dùng đinh mà nên dùng mộng mộc. Cái thước gỗ giống với quy tắc, cái thước dây giống với khôn ngoan. Ta thấy nhiều quy tắc ở dàn nhạc giao hưởng, và thấy nhiều khôn ngoan hơn ở ban nhạc jazz.
Quy tắc không tính tới tình cảm, khôn ngoan là suy nghĩ với trái tim, lòng đồng cảm, sự tương tác với bối cảnh xung quanh để tạo ra giải pháp sáng tạo và vừa khít. Quy tắc là chỉ dẫn cụ thể phi tình huống. Khôn ngoan là sự lựa chọn “khuôn mẫu” (pattern) phù hợp với tình huống cụ thể.
Con người có thói quen bày thêm quy tắc. Ngày càng nhiều chỉ dẫn. Cho tới một lúc, người ta chỉ nhìn thấy chỉ dẫn mà quên mất mục đích cuối cùng là gì. Người ta làm các chỉ dẫn mà không có hồn. Đến lúc ấy, sự chỉ dẫn lại phản tác dụng. Nó không những không giúp người ta làm việc tốt lên, mà lại làm cho người ta mất đi nhiệt tình.
Quy tắc và phần thưởng là không đủ, không một hệ thống quy tắc chi tiết cỡ nào là đủ; thế giới của ta cần thêm sự khôn ngoan. Cỗ máy chỉ công năng (functionality), con người có mục đích và đạo đức. Phải có thêm chút tâm hồn và trí tuệ gói trong các quy tắc.
Để “bắc giàn” cho người học, giáo viên khôn ngoan (phronetic teacher) “khoe” (show/demo) để đạt được kết quả (mục tiêu), để chỉ ra một cách làm cụ thể (không hẳn là cách tối ưu), để người học nhìn thấy mà bắt đầu bắc chước, rồi lặp lại trải nghiệm để xây dựng trí khôn cho bản thân. Người giáo viên khôn ngoan không “nói” (tell/talk) ra phương án đầy đủ mà không kèm “demo”. Họ chỉ ra để người ta làm được, chứ không ham ‘bình luận về’ một giải pháp mà mình không có trải nghiệm.Giáo viên hay dạy quy tắc và bắt thuộc lòng, giáo viên khôn ngoan tạo điều kiện cho trải nghiệm và dạy “lí thuyết được lồng trong hành động”. Giáo viên thích học sinh mình làm “được việc”, “đạt điểm cao” (performance); giáo viên khôn ngoan còn biết hướng dẫn học trò có được sự thành thục (mastery) thực sự. Giáo viên khôn ngoan chú ý tới mọi học sinh trong lớp chứ không bỏ qua những đứa ‘không thể dạy nổi’, hoặc ‘những đứa có bỏ đấy nó cũng tự xoay sở được’ như một số ‘hướng dẫn’ bất thành văn từ người đi trước.
Nhà quản lí khôn ngoan không “ốp” phương pháp quản lí theo sách vở dù nó nổi tiếng (management fad), mà vận dụng khéo léo cho vừa với tạng của mình và tổ chức để đạt được mục tiêu trước mắt hoặc lâu dài. Anh ta không quên rằng mọi việc đều hướng đến một mục đích duy trì sự năng động của tổ chức và sự hạnh phúc của toàn thể nhân viên.
Lập trình viên khôn ngoan không nhặt mã lệnh trong sách và gắn đại vào chương trình, mà đẽo gọt cho vừa với thiết kế tổng thể và có chương trình gọn đẹp hiệu quả đối với người dùng.
Nhà thiết kế dân dụng khôn ngoan tạo ra sản phẩm khiến cho người dùng sử dụng đúng như công năng mà họ mong muốn sản phẩm phải có.
Người khôn ngoan thì tìm thấy giải pháp tốt nhất trong sự phục vụ, hướng tới người khác (customer-centric), chứ không phải nhất nhất “theo quy tắc”. Người khôn ngoan, do đó, ‘đọc đời’ nhiều hơn đọc sách. Họ biết khi nào ‘chỉ cần theo hướng dẫn’, khi nào phải ‘bẻ cong’ luật lệ, và lúc nào là lúc phải chuyển hóa , lúc nào phải tạo ra một công cụ hoặc thực tại mới.
Tổ chức quan liêu nhiều quy tắc, tổ chức linh hoạt nhiều khôn ngoan.
Ta cần cả hiểu biết và khôn ngoan, trong một sự cân bằng và linh hoạt để suy nghĩ, làm việc và yêu thương. Một số sẽ muốn mình còn đi xa hơn, trở thành người hiểu đạo và là người sáng suốt. Nó vừa là phương tiện mang đến sự hạnh phúc và đủ đầy; tự nó cũng vừa chính là một sự đủ đầy.
Tham khảo:
Practical Wisdom: The The Right Way to Do the Right Thing, Barry Schwartz & Kennet Sharpe.
Hôm nay khai giảng lớp NeoManager đầu tiên, mình có hỏi một câu hỏi rất bình thường nhưng có lẽ là rất thú vị.
“Theo bạn, từ Paris gợi lên điều gì?”
Có người bảo “cái hiệu bánh”. Có người bảo “Tháp Eiffel”. Có người bảo “Thủ đô nước Pháp”.
Mỗi người sẽ ghi nhớ và ấn tượng với ý nghĩa của một Paris khác nhau.
Mình hỏi thêm có ai biết Paris là một chàng hoàng tử trong chuyện cổ Hy Lạp không. Có người bảo có, phần lớn bảo không.
Nếu một đứa trẻ ở một buôn làng xa xa, chưa biết đến nước Pháp, chưa có tiệm bánh Paris quanh nhà, mới chỉ đọc cuộc chiến thành Troy thì nó sẽ chỉ biến đến một anh chàng đẹp giai tên là Paris thôi.
Hiểu biết trong đầu luôn diễn biến. Giống như Thomas Kuhn từng nói về tri thức khoa học: lớp sau phủ nhận lớp trước, cứ thế tri thức nhân loại tiến lên.
Tri thức trong đầu cũng vậy, mỗi lần tiếp xúc với cái mới, khả năng nó sẽ ghi đè, hoặc thêm vào những tầng nghĩa mới lên một khái niệm đã có ở trong đầu.
Cứ mỗi khi học được một tầng nghĩa mới, ta lại thấy ngày xưa mình hiểu khái niệm đó thật nông cạn. Cứ mỗi khi đọc lại một cuốn sách hay sau mỗi năm, ta lại thấy hình như ngày xưa hiểu chưa đúng. Cứ mỗi khi đọc lại bài viết của chính mình từ dăm bảy năm trước, ta lại có thể cười tủm “sao vớ vỉn ngần kia”. hehe.
Mười nghìn giờ giờ là số giờ luyện tập có chủ đích (deliberate practices) để trở thành “kẻ xuất chúng” trong lĩnh vực của mình. Tác phẩm “Những kẻ xuất chúng” của Malcom Gladwell trích dẫn nghiên cứu của nhà tâm lí học Anders Ericsson về sự phát triển tài năng ở con người. Thực tế là hầu hết chúng ta sẽ không trở thành “kẻ xuất chúng” theo nghĩa “trên đỉnh thế giới”. Nhưng nếu ta tích luỹ đủ số giờ luyện tập có chủ đích thì ta sẽ ở cái đỉnh của riêng mình. Ở đây luyện tập có chủ đích là luyện tập để nâng cao tay nghề, có mục đích, và có hệ thống chứ không phải là cứ làm việc gì đó bất kì thì được tính vào số giờ tích luỹ.
Dù muốn nay không chúng ta ai cũng có nhiều căn tính (identity).
Ở nhà có thể là một ông chồng bỏ bê việc nhà, nhưng ở cơ quan lại có thể là một nhân viên cần mẫn.
Ở công ty có thể là một nhân viên chỉ biết làm tròn vai, nhưng ở quán karaoke và các cuộc ăn chơi thì lúc nào cũng tỏa sáng như ngôi sao và leader thực sự.