luyen tap

Mười nghìn giờ giờ là số giờ luyện tập có chủ đích (deliberate practices) để trở thành “kẻ xuất chúng” trong lĩnh vực của mình. Tác phẩm “Những kẻ xuất chúng” của Malcom Gladwell trích dẫn nghiên cứu của nhà tâm lí học Anders Ericsson về sự phát triển tài năng ở con người. Thực tế là hầu hết chúng ta sẽ không trở thành “kẻ xuất chúng” theo nghĩa “trên đỉnh thế giới”. Nhưng nếu ta tích luỹ đủ số giờ luyện tập có chủ đích thì ta sẽ ở cái đỉnh của riêng mình. Ở đây luyện tập  có chủ đích là luyện tập để nâng cao tay nghề, có mục đích, và có hệ thống chứ không phải là cứ làm việc gì đó bất kì thì được tính vào số giờ tích luỹ. 

Nhưng 10K giờ tương đương 10 năm luyện tập hoặc hơn. Hầu hết chúng ta không dễ dàng đi được đường dài đến thế. Cho nên đối với nhiều người, mức này rất không phù hợp. Thực tế là có rất nhiều người phê bình con số mà Ericsson đưa ra và cái trào lưu ăn theo mà con số này kích hoạt. Tuy vậy, con số này vẫn còn tiếp tục mang nhiều ý nghĩa.  

Người ta cũng quên mất, có lúc Ericsson còn đưa ra các mốc khác cũng đáng lưu tâm. 

5.000 giờ là mốc để trở thành người “chuyên nghiệp”. Ví dụ, ca sĩ có thể biểu diễn thành thục, bắt đầu có tiếng, chạy sô đều và có thể gây dựng sự nghiệp của mình. Giờ luyện tập này có thể tích luỹ trong khoảng thời gian 5 năm làm nghề và cải tiến liên tục. 

Mức thấp hơn nữa là 3.000 giờ. Là mức mà Ericsson gọi là amateur professional, tức là đã có thể thành thục về kĩ năng nhưng cường độ “hành nghề” còn thấp. Nghệ sĩ phòng trà sáng lập trình tối đánh đàn cho vui chẳng hạn. Thường thì 3 năm tích luỹ giờ luyện tập chủ đích sẽ đạt được. Đây là mức có ý nghĩa đầu tiên. Nhà quản lí có thể quan sát thấy nhân viên từ lúc mới rời khỏi nhà trường đến lúc có một chút tay nghề thành thục cũng thường rơi  vào khoảng 3 năm. Bắt đầu chúng ta gọi tên những người này bằng cái tên “senior”. Nhưng trong một số môi trường nhân sự cạnh tranh và biến động (như ngành lập trình chẳng hạn), thì một anh có thâm niên (có thể được gắn mác senior developer) có thể chỉ mới làm việc được 1 năm, và giờ tích luỹ chưa được 1000 giờ luyện tập có chủ đích. Trong những trường hợp này, cái mác “senior” không thể hiện thực lực. 

Nhưng còn một mức thấp thú vị khác nữa có tính động viên cao là 20 giờ. Nếu bạn tách kĩ năng nghề nghiệp ra thành những kĩ năng thành phần, đủ nhỏ, thì có thể lĩnh hội kĩ năng đó trong vòng 20 giờ luyện tập. Bạn có thể chơi một bản nhạc đơn giản theo điệu chậm với vòng hợp âm đơn giản để nghêu ngao lúc rảnh rỗi trên một chiếc guitar hoặc một cái ukelele. Bạn có thể cài đặt được một website trông có vẻ chuyên nghiệp để giới thiệu cửa hàng nông sản ra thế giới. Vân vân, chỉ cần 20 giờ. Đây là nội dung chính của cuốn “20 giờ đầu tiên” của Josh Kaufman.

Nhưng có vẻ như còn một cái mốc thú vị nữa. Mốc này có vẻ quan trọng hơn nhiều, là khoảng 20 phút đầu tiên. Là lúc bạn bắt đầu. Rất nhiều dự kiến hỏng vì bắt đầu không đúng lúc, hoặc thậm chí không thể bắt đầu được. Cứ 20 phút, rồi thêm một lần 20 phút vào ngày mai (hoặc tuần sau), rồi cứ thế. Công dụng của các khoá đào tạo có lẽ quan trọng nhất chính là chỗ này: kích hoạt được 20 giờ đầu tiên, sau đó nối dài chuỗi luyện tập ra, sẽ đạt được được 20 giờ đầu tiên, rồi có được khả năng tạo ra kết quả đầu tiên, rồi cái thứ hai, rồi tiếp tục, và từ đó mà từ từ tiến đến các mốc khác 3K, 5K, 10K. 

Written by Tấn Dương