Học nhiều và biết nhiều là tốt. Vì nó giúp ta có thể học thêm những thứ khó hơn nữa, đào sâu thêm nữa. Học nhiều cỡ nào cũng không thừa. Có nhiều thông tin và trải nghiệm, ta có nguyên liệu để trộn, để móc nối, và tạo ra ý nghĩa mới. Học ít thì hiểu biết ít, lúc cần hỏi Google không biết hỏi hắn cái gì.

Nhưng học nhiều mà suông thì lại rất dở. Học suông tức là không liên hệ gì với thực tiễn, không dùng gì trong đời thực, không móc nối với dữ liệu mình đã biết trước đó. Học thế thì nhớ được vài hôm là quên tiệt. Học thế thì cũng phí thì giờ và thậm chí phí cả nhiệt huyết khi tự cho rằng những gì mình biết là không có tác dụng gì. 

Biết nhiều nhưng nông thì tính hữu ích cũng giới hạn. Có thể gọi đó là chiến lược học dàn hàng ngang. Học kiểu này cũng tệ như học suông, mấy bữa là chẳng còn gì.  Nếu bạn chỉ định học để biết mà sử dụng trong ngắn hạn (báo cáo cho xong, hài lòng khách hàng, làm hài lòng tổ chức, để biết nó là cái gì khi nói chuyện cho đỡ ngượng…) thì lối học ấy cũng là phù hợp. Nhưng nếu tính chuyện lâu dài thì rất dở. 

Cho nên, để tránh học suông thì phải áp dụng rồi quan sát (ta gọi là thử nghiệm tích cực), phải phản tỉnh (reflection) để kết nối kinh nghiệm-kiến thức-thực tiễn.  Đọc một cuốn sách thì cũng phải luyện được cách đọc thông minh để chắt lọc tri thức và đem ra áp dụng. Phải tiêu hóa kiến thức.

Nhiều người cổ súy việc học ít thôi, nhưng hãy học đến nơi đến chốn, bằng cách áp dụng nó cho được, và mang lại sức sống cho sự hiểu biết mới của mình. Đó là cách học sâu, để đưa kiến thức vào bên trong con người mình thật vững chắc. Để học sâu học kĩ cũng là một cách học nhiều theo trục thẳng đứng, trải nghiệm dày lên, mức độ hiểu biết chi tiết hơn. Không thể có chuyện ít nỗ lực mà sâu mà hữu ích được. 

Về phương diện thực hành, học sâu tức là luyện tập sâu, đòi hỏi thời gian, nỗ lực, và cả người hướng dẫn tốt mới tốt được. Ta phải tìm được cho đủ các yếu tố đó thì mới có cơ hội học sâu mà năng suất.

Một người ham học thực sự sẽ ham muốn cả sâu và rộng để vừa mở mang đầu óc, vừa tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống từ kiến thức học được, để ngày càng sáng suốt (wiser) hơn. Không phải học cái gì cũng đòi sâu, vì điều đó là bất khả thi. Nhưng định hướng ngày càng sâu hơn cái thế mạnh, nhất là cái thế mạnh ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả công việc, thì nên là một việc làm nhất quán. Các nhà tư vấn phát triển nghề nghiệp gọi là mô hình phát triển năng lực hình chữ T (sâu cái cần sâu, nhưng vẫn phải mở rộng cái kiến thức hỗ trợ và kiến thức nền). 

Cách học tốt sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cao hơn, trong thời gian ngắn hơn. Hãy cứ đặt mục tiêu thật cao và ý nghĩa cho việc học, bao gồm cả nhiều và sâu. Bản thân việc đạt được mục tiêu đó để trở thành người “có học”, người “có hiểu biết” đã là một mục tiêu có giá trị cho đời người rồi. Chứ không đợi đến “kiến thức đó mang lại gì cho bạn”. Khoa học về sự học và giảng dạy cho thấy là người ta vừa có thể học được nhiều hơn, và vừa không lí thuyết suông. Hãy học cách nâng cấp cách học của bản thân dựa trên những hiểu biết này.
Nhưng khoan đã, với bạn bao nhiêu thì gọi là nhiều? 

Written by Tấn Dương