Có những người thầy không dạy ta tí nào, nhưng lại để cho ta rất nhiều bài học sâu sắc, bằng chính cuộc đời của họ.
Nhờ sống bên cạnh họ, nhìn thấy việc họ làm, nói chuyện với họ, thế là ta có được bài học cho bản thân mình mà không mất xu học phí nào cả. Tôi có nhiều người thầy như vậy. Vài trong số họ đã chuyển sang sinh hoạt ở một dòng thời gian khác.Tuần này tôi tiễn biệt một người thân thiết bậc nhất – một người bạn vong niên đặc biệt. 

Bốn chục năm trước, anh là một cử nhân sư phạm 1 chuyên ngành Vật Lí được đào tạo bài bản xung phong vào khu kinh tế mới Lâm Đồng theo tiếng gọi của lí tưởng. Hăng hái phấn đấu, chuyên môn vững, không ngừng học hỏi, nhanh chóng trở thành một giảng viên sư phạm mẫu mực và uy tín, cũng được đề bạt làm chức nọ chức kia. Nhưng sống cơ cực của người trí thức vừa dạy học vừa trồng cà phê nuôi thân, đối lập với những lí tưởng sách vở, anh tự xét lại, bỏ hết và đi về với đất Sài Gòn làm lại từ đầu. Từ chỗ làm giám thị lương không đủ sống ở trường phổ thông, ăn cơm chực nhà bạn gái, nỗ lực thành giáo viên hợp đồng, rồi trở thành giảng viên cao đẳng chính quy, và lại phấn đấu đến tận chức trưởng khoa IT của trường cao đẳng lớn.Nhưng rồi lại bỏ. Anh ra với trường tư, lại bắt bắt đầu từ đầu. Rồi lại được đề bạt vào làm giám đốc một chương trình đào tạo đại học liên kết với nước ngoài. Được vài bữa anh lại bỏ hết để theo tiếng gọi của con tim để đi “khởi nghiệp” theo mạng lưới đa cấp. 

Anh thích gì thì làm nấy, tự do tuyệt đối trong sự lựa chọn công việc. Với anh không có việc nào là cao, việc nào là thấp. Chỉ có việc thích và không thích, việc nào ra kết quả việc nào không. Việc nào anh cũng làm say mê đến mức người khác có cảm giác dị thường, ngây thơ và cả tin. Thực ra anh cũng không cả tin, mà là người hành động theo cảm xúc, với bản tính tự do phóng khoáng không theo khuôn khổ. Sự lựa chọn nào của anh cũng nghiêm túc chứ không phải là nghe lời xúi dại của người khác.

Học sư phạm Vật lí chính quy, nhưng khi bỏ nghề anh bắt đầu lại từ đầu bằng việc đi học mót để làm nghề mới. Xếp lại bằng thạc sĩ vật lí, học từ vỡ lòng IT, đến cử nhân rồi thạc sĩ lần thứ hai ở ngành IT. Anh lại khiến người ta kinh ngạc khi đã  ở tuổi ngoài 50 vẫn có thể lấy thêm một bằng cử nhân ngoại ngữ hàm thụ sau hơn ba năm theo học. Anh muốn mình thật xứng đáng khi đứng trên bục giảng trường đại học. Đấy là một sự nghiêm túc với nghề. Anh là người dễ dàng gạt qua “sĩ diện hão” để làm cái mình muốn.

Anh trải qua ba đời vợ, vợ nào cũng yêu. Vợ đầu yêu hết mực cho đến lúc chia tay vì lí do khách quan. Mặn nồng với người thứ hai cho đến lúc chị gặp bạo bệnh phải chia lìa. Rồi lại yêu tiếp. Lần gần nhất, anh gặp người yêu trẻ bằng nửa tuổi của mình, vẫn ríu rít, đam mê và tiếp tục làm đám cưới ở cái tuổi lục tuần có dư.Người ta gọi anh là “phượt lão gia”, vì thường xuyên du ngoạn bằng xe máy. Anh đi khắp đất nước, chinh phục tất cả các đỉnh đèo, đi vòng quanh Đông Đương. Năm kia anh vẫn còn nói tớ mong thực hiện được một chuyến vòng quanh thế giới, giờ phải kéo cày để thực hiện cho bằng được. Lúc nào anh cũng tràn đầy nhựa sống như thế. 

Mấy năm trước, anh bảo khi chết tớ sẽ hiến tạng cho khoa học. Hôm nay tôi đã đọc được bài báo ghi nhận một người được nhìn thấy ánh sáng nhờ con mắt anh để lại sau khi ra đi. 
Nhìn từ bên ngoài, người ta thấy anh truân chuyên, nhưng hình như anh chưa bao giờ kêu khổ, lúc nào cũng cười phe phé. Người ta dễ có cảm giác cuộc sống của anh lúc nào cũng đầy đủ và phong phú biết bao. 

Anh rất hay khiến người khác phải ngạc nhiên. Ngay cả cái cách ra đi cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhiều người thương nhớ anh, từ người vợ mới vừa tân hôn đầu năm, tới hàng xóm, người thân, đồng nghiệp, học trò và bạn phượt nữa. Thực sự anh đã có một cuộc đời đầy đủ, “sống khỏe, chết nhanh, người đời thương nhớ”. 

Tôi sẽ nhớ những ngày bữa cơm có rau bắp cải luộc với cốt lết mỗi người một tô lớn giản tiện công nấu nướng và dọn dẹp đến tối đa với vợ chồng anh. Sẽ nhớ những cuộc nói chuyện thời cuộc om sòm quá nửa đêm, nhớ những lần anh hớn hở khoe việc mới, khoe nhà mới, khoe bạn gái mới, khoe dự định mới. 
Có thể anh không biết là tôi học anh rất nhiều: những bài học về tự do, về đam mê, về lòng tin, về sự dấn thân, về sự học tập suốt đời, về nết sống hết mình, về sự tử tế và sự lạc quan không ngừng nghỉ.
Đã gần 40 năm kể từ lúc anh biết đặt câu hỏi “ta sống để làm gì nhỉ?”, nó vẫn không ngừng thôi thúc anh sống tốt hơn cho đến những ngày cuối cùng. Anh đã tạo nên thật nhiều câu chuyện hay. Nếu xếp tất cả chúng vào một cuốn sách, chắc chắn tôi sẽ còn đọc cuốn sách ấy nhiều lần nữa.  

Written by Tấn Dương