Hồi học cấp ba, mấy đứa bạn gọi tôi là sếp dù không phải lớp trưởng, cũng chẳng bí thơ. Tôi cũng không hãnh diện, không vui gì hơn, cứ kệ. Vào đại học, làm cán bộ đoàn, cũng có đứa gọi là sếp. Thấy quen rồi nên không nghĩ ngợi gì.

Đi làm, rồi cũng lần đầu được làm sếp chính thức. Là chức tổ trưởng tổ giáo viên. Không ai gọi là sếp mà cứ quen gọi “thầy”, riêng có một người hơn mình vài tuổi, cả chuyên môn và đạo đức hơn mình lại cứ luôn miệng gọi mình là sếp. Ngại.

Cũng là lần đầu ấy, một cô bạn đồng nghiệp vốn thân thiết lắm cứ né né mình ra. Hỏi thì bảo “anh làm sếp rồi, em không muốn gần lại có người bảo xu nịnh”. Thế là tôi và cô ấy cứ thế từ bấy giờ đến giờ; quý lắm nhưng không thân. Tôi thăng chức, làm sếp ngày càng to. Đến chỗ to nhất trung tâm thì một đàn anh xã hội lại khuyên “chú chưa biết kinh doanh, phải học đi chứ không thể ỷ lại vào người khác được”. Lúc này tôi cũng biết tự hỏi nhiều hơn “làm sếp phải như thế nào?”.

Việc kinh doanh của tổ chức đi xuống, tôi tham gia vào một đợt tái cấu trúc lớn, mà một trong những kết quả là việc để mình chuyển sang công việc có vẻ vừa với thế mạnh hơn là nghiên cứu và phát triển. Tôi vẫn còn gắn bó với nó từ bấy giờ đến giờ dù có kiêm nhiệm nhiều việc khác nữa. Dù làm RnD, tôi vẫn được làm sếp – một Executive.

Rồi tôi cũng đi học kinh doanh chính quy bài bản thật. Ngày phỏng vấn ghi danh vào chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Hawaii, tôi trả lời giáo sư giám đốc chương trình: “Em muốn đi học vì thấy mình cần hệ thống hóa lại kiến thức, cần học hỏi chính quy bài bản”. Học xong chương trình rất hay ấy, tôi lại không thể dùng chính quy bài bản mà làm việc, vì dùng chủ yếu “võ đường phố” để tham gia vào câu chuyện khởi nghiệp vốn rất mới mẻ với mình. Nhiều lúc tôi tự nhủ: đây mới là học kinh doanh. Đến giờ tôi vẫn thấy mình còn lâu mới tốt nghiệp đại học kinh doanh trường đời. Đúng là thế giới thật là rộng lớn, và có rất nhiều việc hay để làm, rất nhiều cái hay để học.

Tôi dùng sự chính quy bài bản học được và tích lũy được ở tập đoàn lớn để đi dạy các công quy mô vừa và nhỏ để giúp họ trưởng thành mau hơn. Người học chủ yếu là lãnh đạo cấp trung và cấp cao của doanh nghiệp. Kiến thức được đem đến đúng chỗ nên cũng phát huy được chút ít tác dụng. Tôi đi dạy để kiếm cơm, phục vụ công ty, nhưng cũng là tìm kiếm cơ hội học hỏi ở những môi trường khác, con người khác.

Học về lãnh đạo, quản trị nhiều, nhưng tôi bị ám ảnh bởi lời dạy của một nhà quản trị danh tiếng ngoại quốc “nguyên tắc bất di bất dịch và quan trọng nhất của tôi là làm sao sống cho ra người”. Ông ấy viết trong hồi kí “đến 60 tuổi tôi dự định đi học lại về cách sống”.

Cuối thập kỉ trước, học viên hỏi tôi “Em tò mò muốn biết thầy đang học cái gì?” Tôi đáp “Mình đang học lối sống”. Anh học viên ngạc nhiên lắm. Khi ấy một trong những cộng sự thân thiết nhất, cũng là bạn vong niên, người thầy không chính thức của tôi đang lâm trọng bệnh và sớm qua đời; tôi đang suy nghĩ rất nhiều về lối sống, về đạo, the way of life.

Thập kỉ này bắt đầu bằng hai năm Covid và những biến cố tày đình, cả ở quy mô cá nhân, gia đình, công ty và xã hội. Nó như một món quà làm cho các câu hỏi về lối sống trong đầu tôi sáng tỏ ra trông thấy. Tôi bắt đầu hiểu rõ hơn lời dạy của vị doanh nhân già “làm sếp phải mang lại hạnh phúc cho tổ chức, thúc đẩy sự phát triển cộng đồng xã hội và nhân loại”. Từ đó tôi bắt đầu tự nguyện để mình lún sâu hơn vào con đường giáo dục khai phóng, một thứ mà chính công ty của tôi theo đuổi bấy lâu: “Khai phóng tiềm năng con người”. Tôi gặp được tư tưởng của Inamori Kazuo, Peter Drucker, Phan Châu Trinh về đạo làm sếp. Thế là từ chỗ thiết kế chương trình học tập NeoBussiness để các sếp thuần túy học hỏi về chuyên môn kinh doanh, tôi chủ trương xây dựng chương trình học tập cho giới sếp theo triết lí mới: xây dựng những người sếp có hiểu biết sâu sắc và cập nhật về kinh doanh, nhưng còn hơn thế nữa với giá trị cốt lõi Trí-Khí-Đức-Sinh. Chương trình đặt lại tên thành NGE (The NextGen Executive).

Nhiều người sếp, cũng như tôi có khi phập vào đời làm sếp mà thiếu lí thuyết tốt, thiếu nhiều tri thức hành dụng, thiếu cả cái chí khí chiến đấu rực lửa của người làm sếp, thiếu hiểu biết về đạo làm người đạo làm sếp, và khó khăn trong tạo lập kết quả tích cực bền lâu trong thực tiễn. Do đó, The NextGen Executive mang trong mình một lí tưởng dành cho những người sếp đời mới. Đó cũng là câu chuyện tôi đã kể trong ngày khai giảng lớp học NGE đầu tiên mang niềm hy vọng của Trường Quản trị Hiếu Liêm.

Written by Tấn Dương