Peter Drucker nói “quản trị bản thân trước, quản trị công ty sau”. Nhiều người đồng tình với lời dạy sâu sắc đó. Tôi chỉ đồng ý 2/3. Phần đồng ý là “phải quản trị bản thân”, nhất là quan điểm cho rằng “đối với nhà điều hành, quản trị bản thân cũng cần chiến lược”. Nó là nội dung đầu tiên và xuyên suốt mà một nhà điều hành phải học tập và tái học tập không ngừng nghỉ. Chỉ có chuyện trước sau là không nhất thiết. Quản trị bản thân tốt không phải điều kiện tiên quyết để quản trị công ty tốt. Nó không phải là cần và đủ mà là một nhiệm vụ độc lập của nhà điều hành. Thứ đến, việc đó cần phải diễn ra liên tục. Tu thân là việc cả đời, không thể có chuyện “xong”. Từ trước khi có công ty, rồi cho tới khi rời bỏ công ty mà sang công ty khác hoặc chuyển hẳn sang việc khác. Ngoài công dụng thực dụng tu thân để làm gì đó, nó phải là công việc có giá trị tự thân. Vừa là phương tiện, vừa là đích đến.

Cách nói ngày xưa thì quản trị bản thân là “tu thân”. Ngày nay ta nói là “quản trị bản thân”, managing oneself, hay quản trị cuộc đời. Cũng đều hàm ý về một thức ý thức cải thiện cuộc đời của chính mình.
Có hai nội dung quan trọng của quản trị bản thân: Hiểu mình, và Mục tiêu phấn đấu. Hiểu mình từ tính cách, thiên hướng, các yếu tố bẩm sinh, tâm lí tình cảm, cho tới các mối quan hệ xã hội, địa vị, nguồn lực, trí tuệ, văn hóa…Mục tiêu là cái mình muốn có, muốn trở thành. Đa dạng phạm trù: tài chính, sức khỏe, sự nghiệp, tâm linh… Một cái trải dài từ quá khứ đến hiện tại, cái kia phóng mắt về tương lai.
Ở giữa hai cái đó là các chương trình hành động: học tập, dự án, công việc…

Từ xa xưa việc quản trị bản thân đã có lề lối nhất định. Người nhà Phật hướng dẫn tinh tấn cả trăm đường tu cho cả người trong chùa lẫn người ngoài xã hội; người khắc kỉ cũng hàng tá phương thức kiểm soát mình để đứng vững và an nhiên trước biến động cuộc sống; người theo Khổng học cũng không thiếu gì phương thức để phát triển bản thân: ngũ thường, tam cương, tới phương thức hành động cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Do vậy nhà điều hành ngày nay sinh ra đã có sẵn một kho tài nguyên khổng lồ mà tiền nhân để lại để quản trị và phát triển bản thân. Sách vở nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Ngày nay, kể từ khi thế giới bước vào xã hội tri thức, nhu cầu tự học và phát triển bản thân càng nở rộ. Khiến cho hàng loạt công cụ, framework ra đời và đi vào đời sống: Vòng tròn vàng, bánh xe cuộc đời, ikigai, bản phác thảo công việc cá nhân, thói quen hạt nhân (atomic habits), các bài test tính cách …

Trong số cả tá phương thức và quan điểm quản trị bản thân, có một quan điểm cấp tiến chủ động cho rằng cần phải “thiết kế cuộc đời đáng sống”. Tức là nắm bắt cuộc đời mình ở thế chủ động, tự đặt ra các mục tiêu, thử nghiệm và cải tiến thường xuyên. Quan điểm đó cho rằng tương lai phải được kiến tạo chủ động, và nó đến từ các chương trình hành động ngay hôm nay chứ không phải là mơ những giấc mơ to tát. Quan điểm ấy thừa nhận một thực thể phức tạp trong một con người. Mỗi người là một “quân đoàn” chứ không phải là có một căn tính duy nhất bất biến. Mỗi khi hành động, con người đó đang thể hiện một hiện thân khác. Sáng là nhà buôn, tối làm nghệ sĩ sân khấu, buổi trưa là nhà hoạt động xã hội. Năm nay là giảng viên, ba năm sau là doanh nhân, năm năm sau là nhà văn sáng tác truyện hư cấu. Một người hiểu sự phức hợp của bản thân, chấp nhận nó, và nương theo tự nhiên (theo nghĩa rộng rãi nhất) mà phát triển một “quân đoàn” trong mình. Để đi đến cực hạn của tiềm năng, và để viên mãn với sự chọn lựa chủ động – được sống theo cách mình mong ước.

Written by Tấn Dương