Người một lần đọc sách kinh điển hoặc sách khó đều có cảm giác mình hiểu mấy, chưa hiểu hết, hiểu chưa tới, hoặc đôi khi hoang mang không rõ mình hiểu sách “thánh hiền” thế có đúng không nữa. Đấy là lúc bạn cần một nhóm bạn để thảo luận cùng, hoặc một chuyên gia gỡ nút thắt. Bây giờ, bạn có thể nhờ cậy ChatGPT nữa. Tất cả đều hữu ích.
Trong số đó, cùng nhau đọc và thảo luận có nhiều lợi ích hơn cả, vì nó không chỉ mang lại cái nhìn đa chiều, năng suất đọc được nâng cao, mà còn kiến thiết tình huynh đệ chia sẻ giá trị của sách. Khi ngồi cùng nhau đọc, bạn đã tham gia một tri trường có chất lượng cao, một cộng động học tập thân thiện có mối quan tâm chung. Đó là nơi hoàn hảo để tri thức mới được kiến tạo, thực hành giao tiếp , phát triển sự hiểu biết sâu sắc.
Muốn có được nhiều kết quả thì việc đọc sách cùng nhau nên có cấu trúc, được tổ chức tốt, có phương pháp. Một gợi ý tốt là đi theo định dạng của Great Books Foundation (greatbooks.org): Cùng Khám phá (Shared Inquiry). Hạt nhân của nó bao gồm việc Tự đọc, và Thảo luận cùng nhau. Hoạt động này có thể thực hiện ở trong khuôn khổ của lớp học, ở câu lạc bộ đọc sách, trong các giờ giải lao ở công ty, hoặc ở quán cafe ngoài giờ làm việc căng thẳng. Tài liệu đọc theo kiểu này nên là loại sách kinh điển, những tác phẩm (toàn bộ hoặc một phần) vĩ đại, hoặc những bài báo rất quan trọng cần khám phá sâu.
Bạn có thể dễ dàng tự tổ chức theo hướng dẫn dưới đây.
1. Phân vai: Người tham dự và Người dẫn dắt
Người dẫn dắt có nhiệm vụ tổ chức cuộc khám phá. Chọn tài liệu để đọc, chuẩn bị cơ sở vật chất, nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề thảo luận và tài liệu thảo luận, tổ chức việc đọc, tham gia điều phối người tham dự thảo luận để đạt mục tiêu khám phá.
Người tham dự đọc kĩ tác phẩm, tham gia chủ động và tích cực vào phiên thảo luận để hiểu sâu tác phẩm và có được sự tăng trưởng tri thức sau khi tham gia đọc sách cùng nhau. Người tham dự cũng có nghĩa vụ đóng góp vào sự hiểu biết chung của tập thể khi cùng nhau khám phá tác phẩm.
Nếu là nhóm đồng đẳng, người dẫn dắt sẽ là một trong số người tham dự, xoay tua đóng vai cho đỡ nhàm chán. Trong lớp học, người dẫn dắt có thể là giáo viên, hoặc sinh viên khóa trên. Nhưng khi vào vai thì thực hiện đúng nhiệm vụ mô tả. Đặc biệt, trong trường hợp người dẫn dắt là giáo viên, thì khi vào vai, cần xem bản thân như một người sinh viên khóa trên, một người tham dự thứ n+1 có vai trò được quy định rõ ràng chứ không còn là người giảng bài trên lớp.
2. Chuẩn bị trước
Người dẫn dắt chọn tác phẩm, mời người tham dự, đặt lịch, địa điểm, có thể nêu vấn đề và trọng tâm thảo luận cùng với câu hỏi gợi mở từ đầu (nhưng không bắt buộc, nếu bạn muốn cuộc thảo luận mở hơn và rộng hơn). Chuẩn bị toàn bộ những gì cần thiết cho một cuộc thảo luận diễn ra thuận lợi. Soạn sẵn chủ đề sẽ được thảo luận (có thể là một phần của tài liệu, hoặc một ý niệm trong toàn bộ tác phẩm, hoặc một vấn đề mà tác phẩm muốn tiếp cận). Giao nhiệm vụ chuẩn bị cho người tham dự (nếu cần).
Người tham dự tự đọc tác phẩm được chọn. Tóm tắt nội dung đọc được và thực hiện phản tư (lượt đi) cá nhân đối với hoạt động đọc của mình. Việc đọc kĩ lưỡng (nên ít nhất 2 lần) văn bản được lựa chọn là cần thiết. Việc tự phản tư là rất quan trọng đối với việc tự nhận thức về tác phẩm, giúp cho việc tham gia thảo luận có chất lượng hơn. Bạn sẽ có cái để đóng góp vào hiểu biết chung của cả nhóm (lưu ý: đó là nhiệm vụ khi tham gia Cùng Khám phá).
3. Tổ chức thảo luận
3.1 Nguyên tắc của thảo luận:
- Người tham gia phải đọc kỹ văn bản trước khi thảo luận (Không lấy lí do bận rộn để không đọc trước, đọc ít nhất 2 lần).
- Nhóm thảo luận và khám phá ý tưởng một cách triệt để (Giả định “Chúng ta còn có thể khám phá thêm khi thảo luận cùng nhau”).
- Mọi ý kiến phải được hỗ trợ bằng bằng chứng từ văn bản, không chỉ dựa vào ý kiến cá nhân. (“Nói có sách, mách có chứng”).
- Mọi người lắng nghe và phản hồi trực tiếp với ý kiến của người khác. (“Lắng nghe trước, phản hồi theo tinh thần của tư duy phê phán để có hiểu biết mới, không phải tranh biện để phân thắng thua”).
- Người dẫn dắt chỉ đặt câu hỏi, không giảng bài. (“Đứng song song với cuộc thảo luận”).
3.2 Thực hiện thảo luận:
- Theo lịch trình chuẩn bị sẵn, bắt đầu đặt câu hỏi để cả nhóm thảo luận. Nếu có người chuẩn bị trước, hãy để người đó trình bày trước khi mọi người thảo luận. Đặt khung giờ hợp lí cho phần trình bày chuẩn bị trước.
- Người dẫn dắt đặt câu hỏi cho người tham dự, hoặc gợi ý để cả nhóm đặt câu hỏi và cùng thảo luận về chủ đề vừa chuẩn bị.
Chú ý Người dẫn dắt chỉ đặt câu hỏi, không giảng giải. Các câu hỏi có thể liên quan tới các câu hỏi làm rõ, các câu hỏi giải thích, đánh giá hoặc liên hệ thực tiễn. Hướng dẫn chi tiết hơn về cách đặt câu hỏi, có ở bài Hỏi trong blog này. - Người tham dự trả lời câu hỏi, thảo luận và nêu ý kiến. Chú ý đảm bảo nguyên tắc thảo luận bên trên.
- Người dẫn dắt đảm bảo khung thời gian của cuộc thảo luận.
- Khi hết thời gian, Người tham dự tổng kết và nhận xét về cuộc thảo luận vừa rồi. Nếu có thời gian, hãy để mọi người phản tư nhanh về phiên làm việc vừa xong. Nhắc nội dung thảo luận sắp tới (nếu có).
4. Đọc lại
Sau phiên thảo luận, sự hiểu biết của từng cá nhân người tham dự có thể sẽ rất khác trước. Hãy dành thời gian viết lại phản tư, đọc lại (lượt về) một lần nữa, nhất là những chỗ được thảo luận sâu, hoặc còn nhiều nghi vấn, nhiều tranh luận trong suốt phiên thảo luận vừa diễn ra; rồi bổ sung các ghi chú cần thiết để lưu trữ thông tin quan trọng. Bằng cách đó, bạn lại có được tăng trưởng hiểu biết, và có tư liệu sử dụng về sau.
Ghi chú 1: Nhóm không nên lớn quá (ví dụ: ngoài 30 người), nếu nhóm quá lớn thì phân nhỏ ra cá nhóm 5 người để thảo luận theo cụm, lúc đó cần có lịch trình chi tiết với một mội hạng mục thảo luận trong một khoảng thời gian ngắn rồi tổng hợp lại chia sẻ của các nhóm. Khi thảo luận nên vui vẻ nhưng nghiêm túc, đảm bảo nguyên tắc.
Ghi chú 2: Hãy thực hiện theo cách của bạn, cải tiến liên tục, miễn là việc khám phá cùng nhau có hiệu quả cao.
Ghi chú quan trọng chỉ dành riêng cho thời đại AI: Hãy đảm bảo mọi người tự đọc. Đừng để tình trạng “người tham dự nhờ AI đọc hộ, người khác hỏi AI để phản hồi, người dẫn dắt gật đầu, tất cả đều vỗ tay”.