Daily Standup là một phương pháp thực hành rất hay và được sử dụng rộng rãi trong các công ty – tổ chức. Scrum tiêu chuẩn hóa Daily Standup thành một event quan trọng: Daily Scrum. Đây là một cơ chế thanh tra – thích nghi quan trọng bậc nhất trong Scrum. Việc thành thục Daily Scrum cũng chứng tỏ nhóm phát triển có khả năng vận dụng Scrum cũng như có thể được hưởng lợi từ các giá trị cốt lõi của Scrum.
Daily Scrum quy định rõ nhóm phát triển phải gặp nhau hằng ngày trong thời gian ngắn ngủi mười lăm phút và từng người trả lời ba câu hỏi để đồng bộ hóa công việc trong nhóm, cũng như phát hiện các vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển:
  1. Từ hôm qua đến hôm nay tôi làm những gì rồi?
  2. Từ bây giờ đến ngày mai tôi sẽ làm gì?
  3. Có điều gì cản trở công việc của tôi không?
 Daily Scrum (Photo by geekswithblogs.net)

Mục đích chính của ba câu hỏi này rất rõ, chắc không cần nói cũng biết. Khi trả lời ba câu hỏi đó một cách nghiêm túc, nhóm cộng tác sẽ nắm rất rõ tình hình công việc đã tiến triển đâu, các vấn đề gặp phải được phát hiện sớm để kịp thời giải quyết. Tuy nhiên, nếu trả lời qua quýt, ba câu hỏi đó sẽ trở nên rất nhàm chán và sáo rỗng, dần dần mất hết tác dụng. Thời buổi hiện đại, các công cụ online support đến tận răng: nào là version control, nào là Project Management System, nào là Bug Tracking System . v.v.; ai cũng dễ “thừa nhận” là mọi việc được ghi nhận hết cả ở “đó” rồi, vào đó mà xem, còn phải họp làm gì. Ỷ lại các công cụ này, mọi người sẽ ngại chia sẻ, dần dần sẽ mất đi các cuộc trao đổi trực tiếp có chất lượng. Các thông tin cần thiết (tiến độ thực sự, các vấn đề, các khó khăn, lỗi, v.v.) sẽ dần dần bị che lấp. Hơn thế nữa, sự thúc đẩy công việc thương phần lớn do cảm xúc chứ không phải dữ liệu. Nhìn vào biểu đồ hay con số rất khó có cảm xúc gì phát sinh. Khi đó sẽ chẳng có cái tiến trình nào, vấn đề nào visible cả. Scrum sẽ bị vô hiệu hóa!

Thế nên, để có được Daily Scrum hiệu quả và có ích, hãy tích cực tự rà soát các công việc của mình phụ trách; tự mình phát hiện, tích cực ghi nhận các khó khăn và vấn đề để trao đổi và tìm cách giải quyết để thúc đẩy công việc. Có thể đưa đó vào trong thủ thục công việc hằng ngày (End-Of-Day Procedure) cho khỏi quên. Một người học giỏi thường mang nhiều câu hỏi đến lớp; một nhân viên(hay nhà quản lý) giỏi là người mang đến cuộc họp cái tiến trình có tiến bộ của công việc, và nhiều vấn đề khúc mắc gặp phải. Khi không còn phát hiện ra vấn đề nào nữa thì hoặc là ta chẳng làm gì, hoặc là ta không còn khả năng tiến bộ hơn nữa. Song, cũng đừng biến Daily Scrum thành buổi tranh luận không ngừng. Bạn chỉ có mười lăm phút, vậy nên phải biết trình bày cái gì, nói cái gì trong Daily Scrum, nói cái gì sau; đừng đánh mất cơ hội đồng bộ hóa công việc của cả nhóm. Cái này thì lại không thể có ngay được, như học ghita vậy, bạn phải tập luyện hằng ngày thì mới “lên cơ” được. Hãy nhờ Scrum Master hoặc đồng nghiệp trợ giúp nếu cần.