Hiện nay chúng ta hầu như chỉ sử dụng một thứ duy nhất để nói tới thành quả học tập: điểm số.
Mặc dù điểm số là cần thiết (và practical nữa, việc tìm kiếm một thước đo hoàn toàn không đơn giản), nhưng nó ẩn chứa nhiều mặt trái:
- Điểm tốt nhưng kĩ năng kém vì người ra đề tồi, cách chấm điểm tồi hoặc người chấm điểm tồi (cái này rất dễ xảy ra).
- Thầy có thể không cần quan tâm gì đến việc học hành của trò vì giả định rằng học trò tự giác, chỉ có kết quả cuối cùng (điểm) là đủ, học kiểu gì cũng được, miễn là điểm tốt là học giỏi.
- Trò chỉ cần kiếm đủ điểm để qua hoặc có bằng đẹp là được. Những thứ khác không được nhìn nhận đúng vai trò: sự tiến bộ trong tri thức\kĩ năng, sụ vui thú trong học tập, sự tiến bộ về khả năng học tập lâu dài v.v.
- Vì điểm là cái thang duy nhất, người ta cứ xoay quanh cái đó để họat động, những cái khác không được để ý tới: sáng tạo, kĩ năng, phương pháp làm việc và học tập, khả năng giao tiếp, độ trưởng thành trong suy nghĩ, sự độc lập trong họat động, khả năng tiến bộ trong tương lai, sản phẩm trong quá trình học tập và nghiên cứu…
- v.v.
Rõ ràng điểm chỉ là một đại lượng số hóa của cái được gọi là năng lực sau khi học. Nhưng để có được giá trị đúng nghĩa của điểm như vậy thì cần năng lực đo lường giáo dục (educational measurement) tốt. Trong khi năng lực này lại hầu như ít xuất hiện ở các nhà giáo ít kinh nghiệm (thậm chí ngay cả đối với nhà giáo nhiều kinh nghiệm cũng vẫn cứ yếu như thường). Thậm chí một số nhà giáo dục được coi là chuyên nghiệp, có vai trò hoạch định vĩ mô ở một trường lớn vẫn không phân biệt nổi “khảo thí” và “đo lường” chất lượng giáo dục. Và chỉ thấy việc thi đơn giản chỉ là chuyện thi cử: nói với mấy ông giảng viên ra cái đề, rồi lên danh sách, đánh số, cho thi và chấm bài; xong.
Bức tranh giáo dục hiện nay ở nhiều nơi vẫn cứ xám ngoét: đầu vào đã bỏ ngỏ, định hướng nghề nghiệp yếu; nay đến đầu ra của giáo dục cũng không được quan tâm nên mới không biết mình dạy được cái gì hay không. Trường thì cứ nỗ lực kêu gào “gia tăng chất lượng giáo dục”, còn đơn vị sử dụng lao động thì cứ mãi điệp khúc “nhân lực yếu, phải đào tạo lại”.