Chúng ta ai cũng khác biệt. Trăm con người, trăm kiểu tính cách, trăm “nền văn hóa “, trăm “tiểu vũ trụ”.

Các lý thuyết đều đúng đắn một cách tương đối. Chân lý nếu có một thì có cả núi lý thuyết phản ánh chân lý ấy, mỗi người nói một kiểu. Mọi khẳng định đều kèm theo tham số, “nếu – thì”.

Vậy nên sự khác biệt càng lớn. Để sống được với nhau, làm việc được với nhau trong một xã hội (theo nghĩa rộng) phải chấp nhận sự khác biệt và không định kiến về cái đúng – cái sai. Ta phải tìm cách nói chuyện với nhau trong sự khác biệt ấy.

Để nói chuyện được với nhau, ta phải dùng chung một ngôn ngữ. Để làm việc với nhau ta bắt buộc phải sử dụng các quy tắc chung. Để nền công nghiệp tồn tại và phát triển, ta cần các tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn chưa hẳn đã là cái tốt nhất, đúng nhất, nhưng là cái cần thiết. Và khi ứng xử với tiêu chuẩn, ta hầu như chỉ có sự lựa chọn là “tuân thủ” hoặc “lựa chọn, rồi tuân thủ”. Và một tiêu chuẩn tốt phải là tiêu chuẩn tiệm cận được cái tốt nhất.

Trong nhóm cộng tác, việc có sử dụng tiêu chuẩn hoàn thành (Scrum gọi là Definition Of Done = Định nghĩa Hoàn thành) thì giúp nhóm có khả năng tự quản lí và tự tổ chức. Vì chung một “ngôn ngữ” nên mọi người cùng hiểu theo một kiểu, làm theo một kiểu, tự đánh giá, và đánh giá chéo (peer-review) cho nhau được. Khi đó không cần đến một bộ kiểm định chất lượng độc lập mà vẫn có khả năng cho ra được sản phẩm chất lượng tốt.