Tiếp theo bài “Bẻ nhỏ mục tiêu”.
Như bài trước tôi có biện luận là mục tiêu phải rõ ràng mạch lạc đo đếm được. Danh sách cái gọi là mục tiêu giáo dục (mốt bây giờ gọi là chuẩn đầu ra, tôi không khoái cái cụm từ này lắm vì nó dính cái từ “chuẩn” nghe hơi bị phản cnb cảm) phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được chứ không phải chuyện đùa.
Bài này giới thiệumột số lược đồ tối giản mô tả các cách thức phân phối các mục tiêu giáo dục đó vào các khóa học (course – có thể được tổ chức dạng môn học, đồ án, chủ điểm, seminar, worshop…).
Cách 1 (hình 1): Nhóm các mục tiêu thuộc cùng lĩnh vực vào một môn. Ví dụ môn A chuyên trị kĩ năng mềm, môn B chuyên trị kĩ thuật lập trình, môn C chuyên trị Quản lí dự án. Rồi cứ thế lấy 1-2 giáo trình có cùng tên mà dạy, thế là xong. Nhàn nhất, nhưng cũng xưa nhất. Xưa như hột dưa nhấm vỉa hè hehe.
Cách 2 (Hình 2): Cài răng lược. Bẻ nhỏ mục tiêu ra, đặt các mức độ khác nhau, khi đó thì nhiệm vụ “giải quyết” mục tiêu O1.2 (tức mức độ 2 theo Bloom của cùng một mục tiêu O1, hoặc một phần nhỏ cụ thể hóa của mục tiêu O1 là cái O3.1) được gom vào trong hoạt động học tập ở môn C thay vì khoán trắng trong môn A.
Ví dụ: kĩ năng làm việc nhóm sẽ được dạy ở môn A (như là một phần kĩ năng mềm, nhưng chỉ dừng ở mức hiểu – O1.1 , O1.2 ở mức vận dụng theo thang Bloom) và được sử dụng ở môn C (quản trị dự án) vốn có các hoạt động thực tiễn phù hợp phải sử dụng kĩ năng ấy. Như vậy là cùng một hoạt động là kĩ năng mềm làm việc nhóm, nhưng mục tiêu O1 được dùng đi dùng lại, “luyện chưởng” thật kĩ ở môn C chứ không phải ở môn A. Đó chính là kĩ thuật tích hợp ở dạng đơn giản nhất.
Một cách làm khác, là ta khoán trắng luôn nhiệm vụ “kĩ năng viết tài liệu kĩ thuật” (vốn được xếp vào kĩ năng viết) cho môn Lập trình (viết tài liệu phân tích thiết kế, báo cáo kiểm thử ….). Như vậy là môn kĩ năng mềm sẽ rất tinh gọn (hoặc thậm chí là biến mất luôn), mà học sinh thì vẫn luyện được kĩ năng mềm ấy, đến một mức độ cứng cáp cao hơn và thiết thực hơn đối với tay nghề của sinh viên. Đây chính là âm mưu “cứng hóa kĩ năng mềm” mà nhiều lần tôi có ý đồ đưa vào các chương trình đào tạo mà mình có can dự đôi chút.
Về mặt thời gian, các mục tiêu thuộc lĩnh vực kiến thức/kĩ năng A giờ đây không “tiêu xài” hoang phí như trước (cần phân bổ tới 6 tín chỉ – ví dụ thế), mà chỉ cần tí chút để giới thiệu là đủ, thời gian dôi ra để phân bổ cho các nội dung trọng yếu khác, hoặc đưa thêm mục tiêu hay ho vào chương trình, (hoặc tốt nhất là để thời gian trống cho sinh viên đi chơi và tán gái – cái này không khéo quan trọng hơn kiến thức rất nhiều hehe).
Như vậy, cái ma trận phân bố mục tiêu vào các môn giờ đây có thêm một chiều kích nữa là đường đi của các mục tiêu (từ A qua C rồi kết thúc ở B – ví dụ như hình 2). Hay như một ma trận khác (số 3) liệt kê sự lặp lại của các mục tiêu ấy ở các môn: I= giới thiệu thôi mà không dạy, T = dạy (Teach), và U = Utilize – chỉ dùng mục tiêu ấy để “tích hợp” với mục tiêu mới, tạo năng lực mới hơn. Nhìn vào các thứ ma trận lằng nhằng ấy, ít nhất là ta có thể biết được logic giảng dạy, lộ trình tăng trưởng năng lực/phẩm chất ở học trò. Biết được con đường cụ thể hướng đến mục tiêu giáo dục cuối cùng, một cách chắc chắn, chi tiết.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là lợi ích về mặt lý thuyết của cái gọi là thiết kế chương trình tích hợp (mới dừng ở mục tiêu, cần thêm chuyện kĩ thuật dạy dỗ, kĩ thuật đánh giá nữa). Còn các khó khăn (phải nói là ngút ngàn) khi động đến chuyện triển khai thì không dễ gì vượt qua được. Ít nhất, chúng ta có thể nêu ra những câu hỏi :
- Thế cho giáo viên Kĩ năng mềm nghỉ việc hết à?
- PS. Trong các bối cảnh khác, chỉ cần thay cụm từ [Kĩ năng mềm] bằng “môn” nào đó “bị” đem đi tích hợp.
- Làm sao mà giáo viên lập trình lại dạy được kĩ năng viết? Không cần ai là chuyên gia gì nữa sao?
- Hỏi cách khác: Giáo viên lập trình (cũng như giáo viên khác) có phải học thêm kĩ năng mới không?
- Làm sao để tôi biết chắc là mục tiêu về kĩ năng viết sẽ đạt được sau khi học môn lập trình?
- Sự “tích hợp” giữa các giáo viên như thế nào? Vì chương trình “tích hợp” thì giáo viên cũng phải “tích hợp” với nhau chứ?
- Có chương trình tích hợp rồi, thì có cần “sách tích hợp” không? Hay chỉ cần nhúp chỗ này một tí cóp chỗ kia một tẹo?
- Trong trường hợp không có sách thì Thiết kế bài học cần phải như thế nào? Yêu cầu chi tiết đến mức độ nào thì GV có thể dạy được?
- Cuối cùng, rõ là chúng ta thấy được nhiều khó khăn như vậy, lí do thực sự để tích hợp là gì?
- Không liên quan đến chuyện triển khai, mà là chuyện khoa học: cái gì thì tích hợp, cái gì thì không nên tích hợp? Ở trình độ nào thì tích hợp là tốt, trình độ nào thì “phân tách” là tốt?
- Câu này phải nói là dễ cãi nhau nhất. Và nếu không chung chiến thuyền thì để đồng thuận được là hơi bị khó.
Tôi sẽ kết thúc vệt bài về “tích hợp” này ở đây, vì xét thấy cũng chỉ cần như vậy là để “hiểu” một cách “kĩ thuật” về chuyện này. Còn để bàn chuyện cụ thể thì dài dòng và quá kĩ thuật. Thôi, để dịp khác.
PS. Ảnh bonus thêm – cài răng lược là thế nào?