Gần đây tôi có điều kiện viếng thăm một số doanh nghiệp để chia sẻ về agile. Đối với cá nhân tôi, đó là những chuyến đi “thực tế”, “điền dã” để học hỏi từ thực tiễn sinh động và phức tạp của các đơn vị phát triển phần mềm – những thứ mà không sách nào dạy nổi. Đối với cộng đồng agile Việt Nam, đây là một tín hiệu rất đáng mừng vì các doanh nghiệp đã dần dần chủ động tiếp cận Agile để  nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng sức cạnh tranh trên thương trường.

Trong buổi nói chuyện gần đây nhất với một doanh nghiệp có tiếng trong ngành chứng khoán, tôi có chia sẻ một số nhận định, một số quan ngại về cách tiếp cận Agile của những đơn vị tôi đã có điều kiện tiếp cận (xem trang 14 trong tài liệu thuyết trình dưới đây). Thông điệp chính tôi muốn chia sẻ đó là quá trình tiếp cận Agile ở Việt Nam rất cần sự tham dự tích cực của các lãnh đạo cấp cao đối với quá trình học tập và áp dụng Agile vào công ty. Cái này không biết có phải là dữ liệu (ít ỏi) ngẫu nhiên hay không mà cứ công ty nào có sự tham dự tích cực của CEO, Chủ tịch HDQT thì nơi đó sớm có được Agile; còn nơi nào xuất phát từ lãnh đạo cấp trung (PM) hoặc từ dưới lên (developer) thì thường gặp nhiều khó khăn, cản trở. Giống như nhận định của anh Nam già (Nguyễn Thành Nam – cựu CEO của FPT Software, FPT): cần có lãnh đạo khó tính và khách hàng khó tính thì mới có quy trình – điều này phù hợp với thực tế ở  FPT: nếu không phải xuất phát từ anh Bình (Trương Gia Bình  –  cái này tôi được dạy thế, đọc Sử kí FPT thì thấy bảo thế, chứ chẳng biết thực hư thế nào 😀 ), thì công ty không có được ISO và hệ thống quản lí chất lượng như ngày nay.

Tuy vậy tôi cũng nhắn gửi các cấp lãnh đạo là cần phải “tham dự” thật sự thì mới có được Agile. Agile\Scrum (hay “quy trình” – như cách gọi của nhiều người) phải là thành phần quan trọng trong chiến lược đổi mới của công ty, xuất phát từ động lực của công ty, nhằm mang lại sự đổi thay tích cực và các giá trị cho công ty chứ không được phép là “management fad” – dùng Scrum đơn giản bởi vì nó “nghe có vẻ hay hay” hay “bởi vì nhiều người dùng Scrum” hoặc “bởi vì nhiều người bảo Scrum rất hiệu quả”. Để thành thạo việc gì cũng cần thời gian, Malcom Gladwell từng nói cần “10.000 giờ” để thành “xuất chúng”; Ken và Jeff nói trong “Software in 30 days” rằng “có thể cần 5-7 năm” để nhóm Scrum trưởng thành. Cách tiếp cận kiểu “management fad” không thể nào duy trì bất kì cái gì trong vòng ngần ấy thời gian được. Mà làm việc đã không thạo, thì làm gì có chuyện “siêu năng suất”? Dùng dao càng sắc, lại lúng túng – hậu đậu, thì càng đứt tay sâu!

Điều hết sức thú vị là tôi gặp khá nhiều câu hỏi kiểu “Scrum có hợp với người Việt không?” hoặc “trở ngại lớn nhất đối với người Việt khi áp dụng Scrum là gì?”. Đây rõ ràng là vấn đề không đơn giản. Bản thân câu hỏi đó cũng đã không thể trả lời được rồi, văn hóa Việt Nam đa dạng thế, làm sao mà quy hết về một từ “người Việt” mà xong được? Thế nhưng có vẻ như người ta rất thích hỏi câu hỏi này, ở khắp nơi trên thế giới. Chả thế mà Bas Vodde phải bỏ công làm cả cái  khảo sát rất chi tiết (có vẻ là một reflection hơn là khảo sát thực nghiệm, xem tại đây) về sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa tới Scrum; với các mẫu từ Trung Quốc, các quốc gia bắc Âu, Bắc Mĩ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác (có cả Việt Nam). Trong cái “Culture Agility Index” này, điều ngạc nhiên là Việt Nam ở thứ hạng rất cao,  chỉ sau các “cường quốc Agile” thực sự như Đan Mạch, Thụy Điển, Singapore, Nauy. Do không đề cập nhiều đến Việt Nam nên tôi cũng không hiểu nhận định chi tiết của Bas ra sao về “các đặc trưng Việt Nam”. Không hiểu Bas lấy mẫu “người Việt”  ở đâu, Sài Gòn hay Hà Nội? cỡ mẫu là bao nhiêu? thời kì nào? Tôi thì tin chắc là người Việt có thể phù hợp với Agile; nhưng tôi  nghi ngờ cái vị trí cao chót vót kia.

Tôi cũng đã “dè dặt” chia sẻ quan điểm về vấn đề này với từ khóa là “văn hóa tiểu nông”, nhưng chưa có được cái nhìn đầy đủ và các dữ liệu quan trọng. Đây là vấn đề hóc búa và thú vị, nên tôi sẽ còn trở lại với vấn đề này trong thời gian sớm nhất nhằm chỉ ra các rào cản đặc thù do yếu tố văn hóa Việt Nam gây ra cho quá trình học hỏi và thực hành Agile.