Ở chỗ “cá nhân và tương tác” như là giá trị cốt lõi

Trong khi giáo dục các nước tiên tiến như Mỹ, Úc hay thậm chí là một nước nghèo như Ấn Độ đã đi trước ta rất nhiều trong việc cá nhân hóa, thay đổi quy trình cho phù hợp với thời đại (thời đại thông tin, media và Internet), sử dụng hiệu quả blended-learning và elearning vào giáo dục để gia tăng khả năng kết nối, trao đổi, cộng tác,v.v. để từ đó gia tăng khả năng tiếp cận đa chiều, tăng tính cá nhân hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; thì có vẻ như giáo dục của ta thậm chí chưa đạt đến cái chuyện đơn giản là quy trình và công cụ. Có vẻ như trường học của ta vẫn đang loay hoay ở đó; chưa có thời gian nghĩ nhiều về cá nhân hóa, về tương tác thầy trò, về học tập cộng tác (collaborative), học tập có tính xây dựng (constructive learning). Mới nghe một trường đại học công lập của ta được chứng nhận ISO, bắt đầu quảng cáo rầm rộ như là một sự đột biến thì thấy mình đang tụt hậu quá xa trong làm giáo dục.

Ở đâu thì công việc cũng cần có quy trình mới hiệu quả, nhưng để hiệu quả trong giáo dục thì nó cần linh hoạt vì đối tượng của nó là con người, không phải máy móc. Và vì thế yếu tố cá nhân và xã hội (tương tác) trở nên thiết yếu hơn. Quy trình chỉ là thủ tục hóa những việc cần thiết theo trình tự để đảm bảo hiệu quả và chất lượng hơn, nhưng nó phục vụ cho con người vận hành quy trình ấy chứ không vì mục đích nào khác. Như thế là nhân bản. Giáo dục thì phải nhân bản.

Công cụ chỉ là công cụ. Nó chỉ cho hiệu quả tương ứng với quy trình, nội dung và phương pháp (và xa hơn nữa là định hướng, triết lí). Việc thay cái bảng bằng trình chiếu PowerPoint và máy chiếu không giải quyết được vấn đề chất lượng nào.

Ngủ gật trong lớp.
Ảnh: TP.

Cá nhân sinh viên là số một, là trung tâm: tự chịu trách nhiệm với việc học của mình, tự chọn môn học – thầy học, tự lập kế hoạch học tập, tự thúc đẩy mình đến lớp, thư viện hay đến phòng lab v.v. Tất cả là sinh viên.

Để phục vụ tính cá nhân hóa, cần có đượng thông lượng giao tiếp đủ lớn qua đủ các kênh. Thầy trò có thể trao đổi trong  office hours (giờ hành chính) của GS, nhưng nếu qua hẹn thì hầu như muốn gặp là được (trừ khi thầy đang trong phòng lab hoặc đi công tác – hội nghị). Quy chế trường ghi rõ office hour là giờ GS phải tiếp SV. Ngoài ra thầy trò liên tục trao đổi qua các công cụ hiện đại khác (email, hệ LMS, CMS v.v.). Giờ lên lớp (thường chiếm tỉ trọng không lớn trong tổng số giờ của môn học – 30-50%) là để trao đổi và tương tác là chủ yếu. Phần “giảng” đôi khi là phụ, phần “trao đổi ý tưởng chủ đạo” mới là chính. Hỏi đáp không cần có trigger. Các hình thức cộng tác được sử dụng với tần suất và hiệu quả cao: collaborative learning, group work, constructive learning, game play v.v.

Về mặt thể chế, các cá nhân được trao quyền nhiều hơn trong thực hiện công việc của mình: GS được tự do hơn trong việc quyết định dạy cái gì và dạy như thế nào, SV được tự do hơn trong các quyết định học tập của mình. Mặc dù vẫn còn đó các quy định rất khắt khe về chuyên môn và học thuật.

Tuy nhiên, cách làm giáo dục hướng-tới-cá-nhân này khiến chi phí tăng lên đáng kể. Muốn học ở trường danh tiếng, bạn phải là người có tiềm lực (đủ tiền, hoặc đủ giỏi) để có thể nhận được sự giáo dục đỉnh cao. Để “giảm giá thành”, các đơn vị giáo dục cũng đã nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công nghệ, đặc biệt là ICT để vừa nâng cao chất lượng, vừa giảm được chi phí. Đó là lí do vì sao các xu hướng elearning, opencourseware, blended-learning trở nên rõ nét và thu hút sự chú ý trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn về chi phí đầu vào và chất lượng đầu ra, thì ít có người sử dụng dịch vụ giáo dục nào lại không nghiêng về vế thứ hai; nhất là ở Việt Nam.

Ở chỗ cá nhân không là gì hết

Ngược lại với cách làm đó là việc sự đào tạo thiên về “lô”. Đào tạo cả lứa, “cả lô”, “cả rổ”. Do nhiều giới hạn về nguồn lực, nhưng chủ yếu là do các cơ chế về luật pháp, đạo đức ngành nghề và năng lực giáo dục  chưa đủ mạnh nên phải vận hành hệ thống như vậy. Giả sử thành phẩm (sinh viên ra trường) là ngang nhau. Không có khái niệm chăm sóc từng  cá nhân làm gì cho mệt. Hơn nữa, dạy cả trăm người trên lớp  thì có mà “chăm bằng niềm tin” à? Sự tương tác thầy trò giới hạn ở giờ lên lớp, dăm ba câu hỏi chiếu lệ của thầy và trò cho “giờ giảng thêm sinh động”. Tương tác không phải là cái được ưa thích, thậm chí thầy trò không biết cách nào để tương tác với nhau. Sau giờ lên lớp thì tuyệt nhiên không có chuyện tương tác (trừ các tương tác phi giáo dục).

Để đảm bảo cho khối lượng lớn, có nơi phải có quy trình chặt chẽ đến từng chi tiết (để mong đạt được chất lượng). Mọi người phải làm theo quy trình: điểm danh, chấm điểm, soạn đề cương, ra đề v.v. Cấm làm khác đi. GS phải dạy theo quy trình: cứ nói cho hết giờ, hết giáo trình là được. Không cần nói khác và cấm nói khác. Đôi khi các công cụ được sử dụng (ví dụ mua về một ít máy chiếu) để thêm phần “hiện đại hóa”, nhưng cái lõi “thầy đọc – trò chép” thì không có gì suy chuyển.

Hệ quả của lối học này thì không cần phải nói, cứ lên mạng hỏi Dr. Google thì biết liền. Cả xã hội bức xúc.