Theo chương trình của Sterling Group, các Giáo sư từ UK đã có chuỗi bài giảng đầy ấn tượng trong khuôn khổ hoạt động của nhóm tại các trường đại học Việt Nam.

Thật thích khi được lắng nghe những thông tin thú vị từ GS Alison Halstead, trường Aston về đổi mới và truyền cảm hứng trong giáo dục. Bài thuyết trình của GS như là một câu truyện về những nỗ lực cải cách giáo dục UK do chính GS là một trong cách leader của chương trình này. Cách thức mà trường Aston, nhóm GS Halstead đang vận hành tại UK để tổ chức một trường học chất lượng cao cho học sinh từ 14-19 tuổi có thể là một case-study tuyệt vời cho các nhà quản lí giáo dục cũng như các nhà giáo tại Việt Nam.

Aston University Engineering Academy

Aston University Engineering Academy (ảnh: AUEA)

Tôi đặc biệt chú ý đến hai việc:

1. Tự do tái thiết từ triết lí đến cách làm để thay đổi tận gốc vấn đề

Làm sao để cho học sinh hứng thú với Toán, Lí, Hóa khi chúng toàn là các công thức chán ngắt? Làm sao để các sinh viên kĩ thuật chịu khó học các môn này?

Gợi ý là: hãy cho họ tiếp xúc thật với điện tử, với iPad, với iPhone (những thứ không hề chán ngắt), rồi chỉ ra có “bài toán”, “công thức” nào trong đó. Điều này đòi hỏi phải vận hành lối học problem-based triệt để với thiết bị thật, người thật, bài toán thật v.v. Như Dewey từng mong ước: học sinh được trải nghiệm cuộc sống thật ngay khi học. Việc này đặt ra cả núi thách thức khác: làm sao để có thiết bị thật, công xưởng thật, kĩ sư thật, bài toán thật? rồi làm sao để lồng ghép các vấn đề cần dạy học trong đó, hay nói cách khác curriculum phải như thế nào? Họ có đầy đủ tự do để làm điều đó với một trường học hoàn toàn mới (xem tại: http://www.auea.co.uk/), với sự cải tổ cực kì quan trọng: gắn kết trường học – công ty.

2. Liên hệ education-industry cực tốt

Nhờ vào các chính sách CSR (Corpoprate-Social Responsibilities), họ đã kêu gọi được mạnh thường quân chính là cá big-players trong ngành engineering của UK (e-On, Royal Airforce, Goodrich, NationalGrid, v.v.) để hỗ trợ thiết bị, tutor, tiền tài, … đồng thời với việc học thực tập ngay tại công ty với thời gian 1 năm với các chuyên gia tại các công ty.

Ở Việt Nam, chỉ có FPT University là có chính sách rõ ràng cho việc này: học 3 năm đầu, thực tập (gần) 1 năm tại FSOFT, quay lại học  nốt năm cuối trước khi ra trường. Tuy nhiên, chính sách này vẫn có vẻ vướng phải vấn đề cố hữu của việc “thực tập” của SV:  sự kết nối trường-công ty có vẻ như chưa được “tới bến”, sự liên kết lỏng lẻo, giả tạo. Sinh viên chưa chắc chắn được đối mặt với “problem” thật, được tham gia giải quyết chúng với các “tutor” thật, cùng cho ra “sản phẩm” thật. Do vậy có thể nó chưa đạt được cái inspiration tốt như mong đợi. Tiếp cận của trường Aston thì khác hẳn về chất.

Trong phần thuyết trình này của GS Halstead, Mr. Trần Ngọc Tuấn có nêu vấn đề CSR gần như yếu hoặc không có ở hầu khắp các công ty Việt Nam khiến cho mối liên kết trường học – công ty là cực kì khó khăn. Tôi thì chưa có điều kiện nghiên cứu nhiều vấn đề này, nhưng có tự đặt ra một câu hỏi: liệu có thực sự khó khăn thế hay không? hay là do chúng ta chưa chịu ngồi với nhau? Ai cũng biết cái “gap” giữa trường học và công ty nó lớn, cần thu hẹp, nhưng liệu hành động đã đủ chưa? Có vẻ như chúng ta kêu ca nhiều hơn là bắt tay hành động thực sự kể cả với các nỗ lực tầm vĩ mô, cũng như ở tầm vi mô – vốn sát sườn với các trường học, đặc biệt là các trường tư. Với kinh nghiệm chủ quan, tôi thấy một số cơ sở giáo dục đã có sự kết nối rất tốt với các employer chủ chốt trong ngành để nâng cao chất lượng giáo dục, tăng  employability của người học. Câu trả lời có sẵn ở chỗ họ rồi.