Gắn chấm
Những người làm phần mềm đánh dấu sự thay đổi về chất bằng các phiên bản: 1.0 là phiên bản đầu tiên, 1.1 là hơi khác đi một tí, 2.0 là khác cơ bản phiên bản 1. Cứ thế, phiên bản được nối dài ra. Giờ phần mềm đã trở nên phổ biến không còn cao siêu nữa, nên nhiều thứ cũng được gắn phiên bản không khác gì phần mềm, trong đó có các cuộc cách mạng công nghiệp. Thay vì nói cách mạng công nghiệp lần thứ nhất lần thứ nhì người ta nói Industry 1.0, Industry 2.0, hoặc viết tắt i2.0 cho gọn. Một phần do hiệu ứng cửa miệng mang tên Industry 4.0 nổi quá nên cái gì giờ cũng gắn chấm mà không thực sự quan tâm ý nghĩa của cái mình đang chấm là gì. Nào là Công nghệ 4.0, Thời đại 4.0, Nông nghiệp 4.0, Quản trị 4.0, Lãnh đạo 4.0, hay Giáo dục 4.0. Tất nhiên, bài này là về Giáo dục 4.0, nhưng là với những câu hỏi to đùng.
Công nghiệp 4.0
Ta thử soi vào khái niệm gốc: Industry 4.0. Giờ thì bạn và tôi dễ dàng tra cứu nó gốc gác thế nào. i1.0 cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất gắn với sự ra đời của động cơ hơi nước và cơ giới hóa, i2.0 có sự xuất hiện của điện và sản xuất hàng loạt, i3.0 gắn với công nghệ thông tin và tự động hóa sản xuất. Mỗi một phiên bản, nền công nghiệp bước sang một trạng thái mới, thay đổi về chất cách thức nền công nghiệp vận hành. Đến i4.0 mà chúng ta đang hăng hái gắn vào bất kì một hội thảo nào mà chúng ta tổ chức (kiểu như “công tác nhân sự trong thời đại 4.0” chẳng hạn), thì là một dự báo về cuộc cách mạng chưa từng có (tất nhiên rồi, đã là cách mạng thì làm sao mà có trước đó được!), với sự vượt trội và hội tụ của những công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, trạng thái số hóa và thông minh hóa các ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là thời kì lên ngôi của robot, trí tuệ nhân tạo, vận vật kết nối (IoT), của dữ liệu lớn, của tự động hóa…
Qua mỗi lần cách mạng công nghiệp, kinh tế và xã hội có những biến đổi sâu sắc.
Với I1.0, xã hội từ nông nghiệp chuyển sang xã hội công nghiệp, sau đó chuyển đổi sang xã hội tri thức. I4.0 sẽ đánh dấu của xã hội sáng tạo. Sự thay đổi đó là căn cơ, và giáo dục cũng thường phải thay đổi theo. Vì phần nào đó, giáo dục phải “chuẩn bị nguồn nhân lực” cho cái nền công nghiệp tương ứng. Nhưng có phải vì thế mà chúng ta có thể dễ dàng gắn lên một nền giáo dục cái phiên bản tương ứng với cuộc cách mạng công nghiệp không?
Gắn chấm cho giáo dục
Chúng ta phải quay trở lại cái bản chất nhất của việc gắn chấm: Qua mỗi phiên bản, có khác biệt cơ bản nào? Theo EY (báo cáo “Leapfrogging to Education 4.0“), nền giáo dục phương Tây nói chung trải qua bốn phiên bản. Education 1.0 gắn với i1.0. Cách mạng công nghiệp dẫn đến nhu cầu lượng người đi học tăng lên, nhà nước chính thức tham gia vào công cuộc giáo dục quốc dân. Giáo dục được thế tục hóa. Trước đó, số lượng người đi học giới hạn ở tầng lớp tinh hoa, và giáo dục còn thuộc trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo là chủ yếu. Education 2.0 xuất hiện khi số lượng lớn trường đại học ra đời, gắn với việc phát triển vượt bậc của công nghệ in ấn và xuất bản. Thời kì này đại học chủ yếu hoạt động động trong 2 lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, chưa kiếm tiền, chưa thương mại hóa, và chưa đến mức phổ biến cho số đông. Education 3.0 đánh dấu sự xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng của công nghệ trong lớp học. Đầu thế kỉ 21, người ta có thể thấy nhiều lớp học không còn bảng phấn, mà thay vào đó là máy tính cá nhân, phương tiện giảng dạy tương tác. Lớp học đã đa dạng hóa, giáo dục là dành cho số đông. Việc phân loại của các chuyên gia ở EY được giới hạn trong giáo dục đại học (Higher Education), nhưng lát cắt ấy cơ bản cũng thể hiện phần nào cái “thời kì” của nền giáo dục theo nghĩa rộng.
Ta biết một cuộc cách mạng công nghiệp tác động lớn tới toàn xã hội. Sau mỗi cuộc CMCN, xã hội biến chuyển sâu sắc. Từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, rồi đến xã hội tri thức, và sẽ sang xã hội sáng tạo (I4.0). Cố nhiên, nền giáo dục ở cái xã hội ấy cũng có biến chuyển tương ứng. Từ cách dạy, cách học, tới cái được dạy cái được học và mục đích của việc học cũng có những thay đổi đáng kể. Giáo dục, từ 1.0 đến 3.0 vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc dạy. Kể cả đến E3.0, khi công nghệ đã đầy nhà, thay vì cầm cuốn sách để đọc cho sinh viên chép, thì người ta dùng TV để chiếu lại bài giảng, hoặc đưa bài giảng lên YouTube. Vẫn là “truyền thụ kiến thức” một chiều. Nửa cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 chứng kiến những cải cách giáo dục theo đường lối “lấy học trò làm trung tâm”, sự tập trung bắt đầu chuyển từ việc “dạy” sang việc “học”. Các lớp học đã tương tác nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, học sinh đã tích cực chủ động nhiều hơn. Quy mô lớp học thu nhỏ lại để ‘nâng cao chất lượng’. Thực ra đây là một xu hướng có phần giống ‘mua vé trở về tuổi thơ’ khi giáo dục phổ cập đồng thời cũng mang đến những vấn đề lớn về tính đồng phục, sự hy sinh đối với tính cá nhân hóa. Thời đã xa rất lâu, khi giáo dục còn rất tinh hoa, quy mô lớp học rất nhỏ, thầy kèm từng người (hãy tưởng tượng bạn ở cái thời của các vị vua vị chúa được dạy riêng với thầy riêng, hoặc các lớp ở trường làng với chỉ dăm bảy đứa học trò lít nhít).
Nhưng ở cuối thế kỉ XX, kể cả mong muốn cá nhân hóa, do nhiều nguyên nhân về chi phí, sư phạm, hạn chế về công nghệ nên lớp học vẫn theo dạng một thầy nhiều trò, chung một chương trình.
Giáo dục 4.0
Giáo dục 4.0, theo EY (báo cáo đã dẫn), sẽ hướng sự tập trung đến việc học cá nhân hoá triệt để hơn. Với sự ra đời của hàng loạt nội dung học tập số hoá, sinh viên có thể lựa chọn nội dung học tập cho phù hợp với mục tiêu của mình. Các hệ thống học tập số hoá cũng giúp các bài kiểm tra có tính thức ứng hơn (adaptive assessment), cung cấp phản hồi về hiệu quả học tập cùng với gợi ý cho các nội dung học tập tiếp. Các công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp thông tin học tập được tổng hợp, phân tích và đưa ra các gợi ý hữu ích cho người học và người dạy. Mỗi sinh viên sẽ có một lộ trình học tập riêng, không giống ai. Nhà giáo sẽ dịch chuyển vai trò, từ ngừoi thuyết giảng là chính sang nhiệm vụ hỗ trợ (facilitating) và huấn luyện (coaching) là chính, giúp người học phát triển năng lực hữu ích phục vụ mục tiêu học tập của từng người. Các công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) sẽ giúp người học được trải nghiệm và rèn luyện kĩ năng với chi phí rẻ hơn. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, đó không còn là một tương lai xa vời. Những nền tảng của các công nghệ này đã hiện diện, những ứng dụng đầu tiên cũng đã được ứng dụng ở chỗ này hay chỗ khác. Trong một tương lai không xa, nền giáo dục 4.0 sẽ hiện thực hoá mong ước mỗi người một chương trình, nền giáo dục cho Một (Education of One) giống như xu hướng Thị trường cho Một người (The Market of One) đang lên ngôi hiện nay.
Giáo dục thông minh ở nhà ông hàng xóm
Chúng ta tạm dừng mạch suy nghĩ để du lịch sang nhà ông hàng xóm của Việt Nam đôi phút. Tại một căn phòng nhỏ màu xanh (Green Room, gọi như vậy là vì bốn bức tường của nó màu xanh lá, đề dễ dàng cho việc ghi hình xóa phông) ở trung tâm thành phố Đài Bắc được trang bị hiện đại, cô giáo bắt đầu bài học về tiếng Việt với hai em học sinh một ở Jakarta, một ở thành phố Cao Hùng. Cô giáo chào hai em và bắt đầu giảng. Hết một phần, cô giáo bật phần mềm lên để các em làm bài tập. Trong bài tập này các em học sinh 7 tuổi dùng chuột để làm bài tập ghép từ để học từ vựng. Cô giáo vừa nhìn thấy mặt hai bạn trên màn hình, đồng thời với kết quả bài tập mà hai bạn đã làm, sửa luôn cho hai em và hướng dẫn các em làm cho đúng. Rồi cô lại tiếp tục bài học. Ở một phòng học khác, một lớp học về chẩn đoán bệnh thông thường được diễn ra. Cậu sinh viên ngành Y ngồi một mình trong căn phòng nhỏ 2m vuông với một chiếc màn hình lớn có hình cô gái đang chờ được hỏi đáp. Cô gái ấy là giao diện của một phần mềm trí tuệ nhân tạo sẵn sàng trả lời và đánh giá những chẩn đoán về bệnh mà chàng sinh viên đang đưa ra. Cuộc trò chuyện này không cần có sự can thiệp của một người nào khác. Mọi diễn biến được ghi lại và phân tích về sau. Phòng bên cạnh, lớp học trải nghiệm về STEAM đang diễn ra. Trong lớp học được trang bị tới 9 cái camera cùng với các bảng tương tác hiện đại và một phần mềm trí tuệ nhân tạo khác ghi lại xem có bao nhiêu người trong lớp học, ai đang vui ai đang buồn. Khi cô giáo hỏi các câu hỏi nhanh, phần mềm tự đếm ai đang giơ tay phản đồng ý, ai đang phản đối. Những dữ liệu của lớp học này được ghi lại và lưu trên cloud để cho cô giáo và sếp của cô có thể phân tích và cải tiến bài học. Ở một phòng kế bên, một học sinh nữ đang đeo trên mình một chiếc kính VR để khám phá thiên nhiên vịnh Hạ Long trong một giờ học trải nghiệm trong một bài học về du lịch. Cô thấy mình đang ngồi trên thuyền Kayak chu du qua các tảng đá nổi trên vịnh, tiến về cầu Bãi Cháy ở phía xa xa, bên phải là Sun Wheel hoành tráng lừ đừ quay, trên cao là cáp treo đang di chuyển tấp nập. Toàn bộ các lớp học số hóa thông minh này đã là hiện thực. Lộ trình về Smart Classroom đã được Đài Loan khởi động từ hơn chục năm trước. Hôm nay, rất nhiều thứ đã thậm chí đã đi nhanh hơn tưởng tượng của người Đài Loan. Họ vẫn đang tiếp tục tưởng tượng tiếp 10 năm nữa giáo dục sẽ như thế nào.
Trong nền Giáo dục 4.0 ấy, cách mà con người học tập và giảng dạy tất nhiên là thay đổi hẳn. Không chỉ có vậy, những tri thức và kĩ năng mà người học cần lĩnh hội sẽ khác nhiều. Phần nhiều công việc sau khoảng một hai thập kỉ tới bây giờ chưa xuất hiện, sẽ không thể học kiểu thuộc lòng hoặc “truyền nghề” được nữa. Con người trong E4.0 sẽ phải trang bị năng lực tự học thật tốt, biết cách tự học, thành thạo việc tìm kiếm và rèn luyện kĩ năng mới. Những bộ kĩ năng mới sẽ lên ngôi, như năng lực thích ứng, tư duy phản biện, năng lực hợp tác và kết nối, khả năng sáng tạo. Đó là những kĩ năng nền tảng để mở khoá thời đại mới. Được hỗ trợ tối đa của công nghệ, giáo dục sẽ xoay chuyển về nguyên lí để đưa người học tới năng lực tự học, tự trưởng thành theo cách tối ưu và thuận tiện nhất.
Nền Giáo dục 4.0 sẽ có đặc trưng gia tăng tính tự chủ cho người học, hỗ trợ tối đa cho người học để họ có được một chương trình học tập tối ưu trên con đường học tập của mình. Không phải từng công nghệ riêng rẽ, lí lẽ cốt lõi của giáo dục 4.0 sẽ là “tự giáo dục, tự làm ra chính mình” dưới sự trợ giúp của công nghệ và nội dung học tập số hoá.
Như vậy chúng ta thấy giáo dục có một logic thay đổi của riêng nó. Mỗi một lần chuyển sang phiên bản mới, nền giáo dục cũng vận hành theo cách thức khác hẳn trước.
Giáo dục Việt Nam 4.0?
Nếu không hồn nhiên bắt chước Tây khi gắn chấm cho giáo dục thì có lẽ Việt Nam cần một tư duy về “thời kì giáo dục” hơi khác. Bởi chúng ta còn bị ngăn sông cấm chợ khi các các cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra. Từ khi Pháp vào Việt Nam, cùng với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ trong thế kỉ XX, giáo dục chúng ta mới dần dần có cái gì đó tương tác với thế giới ngoài cái “thế giới trung tâm mang tên Trung Hoa”. Chúng ta có ngàn năm phong kiến với nền giáo dục từ chương, có thể gọi đó là 1.0 (để đánh dấu khác hẳn thời kì trước đó khi chưa có nền giáo dục chính quy). Cách mạng tháng Tám mang đến cơ hội học tập cho mọi người. Chúng ta có thể tính đó là khởi điểm là Giáo dục 2.0. Nhưng thời kì này, giáo dục đại học vẫn còn dành cho cho số ít, chưa đại chúng. Nay, giáo dục phổ thông thì đã phổ cập, còn giáo dục đại học của ta thì đã đại chúng rồi (ước tính khoảng trên 30% thanh niên ở độ tuổi đi học đại học đã theo học đại học). Có thể gọi đó là E3.0. Cái 3.0 này tuy chưa bằng E3.0 của các nước tiên tiến như nhiều người hay so sánh, nhưng cũng đã có nhiều sự tương đồng về “thế hệ công nghệ” được sử dụng trong lớp học. Chúng ta thấy máy tính trong lớp học, trường học có e-learning, các trường học cũng đã bắt đầu hô “lấy học sinh làm trung tâm”… Nhưng đặc trưng cơ bản của các nền giáo dục này vẫn chưa thật lấy học trò làm trung tâm trong từng việc làm hằng ngày, và về cơ bản vẫn chưa thể có cá nhân hóa. Cùng được gắn E3.0, nhưng có lẽ giáo dục của Việt Nam (nhất là giáo dục đại học), có lẽ chậm hơn E3.0 của các nước tiên tiến một vài thập kỉ. Giờ đây, không biết khi người ta hô “tiến nhanh tiến mạnh lên Giáo dục 4.0” thì có võ gì mới để vượt qua cái khoảng cách kia không để E4.0 của mình “sánh ngang cùng E4.0 của thiên hạ”.
Đặt thêm câu hỏi
Nhìn rộng ra, chúng ta cơ bản đã thất bại trong mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Tức là về mặt xã hội, ở đâu đó chúng ta đã ở giai đoạn i3.0, nhưng phần lớn chúng ta vẫn chưa 2.0. Thế thì với cái hạ tầng đó, thật khó cho Giáo dục có thể nhảy vọt lên 4.0 dù cho ở đâu đó vài đơn vị đã biết đưa AI, VR vào để làm mới cách thực hành giáo dục của mình rồi.
Education 4.0 có trở thành hiện thực ở Việt Nam hay không? Đó là một câu hỏi không có câu trả lời.
Có điều này, mà tôi cho là quan trọng, I4.0 sẽ càn quét cả thế giới không trừ một ai. Thời gian cũng không chờ ai cả. Lúc này, chúng ta có thể lại thấy lời nhận xét của Victor Frankl là hữu ích: “Khi chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, chúng ta vẫn còn có thể chọn thái độ đối với nó”. Tôi thì đang liếc mắt xem hàng xóm đang làm gì. Còn thái độ của của bạn là gì trước cái nhãn chết tiệt Giáo dục 4.0 kia?