Bài này đã đăng trên Action.vn với một cái tít khác, kêu hơn: ““5 ý tưởng đột phá” từ Agile và những thành công đã được minh chứng”

Joe Justice, Founder\CEO của WIKISPEED, đã mang đến rất nhiều sự kinh ngạc và sửng sốt tới sự kiện Agile lớn nhất Đông Nam Á vừa diễn ra tại HCM trong hai ngày 8,9/11/2012 – AgileTour 2012 Ho Chi Minh –  với các chủ đề về xây dựng một tổ chức thế hệ mới với nhiều ưu điểm vượt trội từ các triết lí của Agile. Cùng với Agile, WIKISPEED của Joe và các đồng sự có thể sản xuất ra những ô tô với chất lượng và tốc độ đáng kinh ngạc. Ít ai có thể tin được việc một chiếc xe ô tô cực kì linh hoạt, có độ tin cậy cao, tiết kiệm nhiên liệu và tốc độ lại có thể sản xuất theo dạng mô-đun hóa, mỗi tuần đều có mẫu để thử, và có thể hoàn tất trong vòng 3 tháng thay vì 10 năm. Các ý tưởng đột phá cùng với sản phẩm của Joe đang lan nhanh với tốc độ ánh sáng tới các ngóc ngách trên thế giới, từ những hội thảo chuyên ngành của hiệp hội Agile lớn nhất thế giới là AgileAlliance, tới các buổi nói chuyện thu hút sự chú ý của TED ở Mỹ hay các nhóm công nghệ ở châu Á; từ những diễn đàn trên các mạng xã hội cho tới các tờ báo lớn như Forbes hay New York Times.

Joe và chiếc xe WIKISPEED mẫu tại hội thảo Agile 2012 tại Dallas, 7-2012 (ảnh: WIKISPEED)

Joe bật mí, đằng sau sự thành công của WIKISPEED là “5 ý tưởng đột phá” từ Agile, đó là:

–          luôn luôn chuyển giao một phiên bản mới của sản phẩm mỗi tuần

–          chào đón sự tham gia của khách hàng và đối thủ tham gia vào đội của bạn, sử dụng IP của bạn, và cùng làm việc với phiên bản tiếp theo của sản phẩm

–          lựa chọn công việc để làm cho thế giới tốt đẹp hơn, làm những việc thực sự có giá trị, tập trung vào giá trị của người dùng cuối hơn là việc sinh lời

–          nhìn nhận tất cả các “đối thủ cạnh tranh” như là những đối tác trong tương lai

–          cam kết với sự minh bạch triệt để –  xuất bản tất cả những gì bạn học được bất cứ khi nào bạn có thể theo cách rõ ràng nhất có thể, bất kể tốt hay xấu.

Những “bật mí trên” là cách hiểu của Joe về Bốn Giá trị Agile, và 12 Nguyên lí Agile. Joe cùng nhóm của mình luôn tự đánh giá công việc của mình dựa trên các triết lý và nguyên tắc đó để liên tục cải tiến công việc của nhóm, 7 ngày một lần.

Trong ảnh: Joe Justice đang thuyết trình về “Agile Manufacturing” tại AgileTour HCM 2012

Sau những thành công đã được minh chứng với việc sản xuất ô tô, Joe tin tưởng chắc chắn “Agile cần thiết và khả thi cho mọi ngành nghề”, từ ngành sản xuất, tới giáo dục, marketing, sales v.v.

WIKISPEED là một trong rất nhiều minh chứng cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng khắp của Agile tới sự cách thức làm việc trong thế kỉ XXI. Bắt đầu từ một sự kiện quan trọng tại Utah, Mỹ năm 2001, Tuyên ngôn Agile đã ra đời, chính thức đánh dấu một chặng đường phát triển vượt bậc của Agile Software Development, một triết lí mới để giúp ngành phát triển phần mềm phát triển nhanh chóng và bền vững. Theo thống kê của Forrester Research, 1/3 doanh nghiệp phần mềm đã áp dụng Agile vào công việc của họ; tỉ lệ này được dự báo là sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Xuất phát từ giới phát triển phần mềm, ngày nay, các giá trị của Agile đã lan tỏa ra ngoại phạm vi khác, và mang lại mang lại giá trị lớn hơn cho các dự án cộng đồng, sản xuất, truyền thông và giáo dục, v.v.

Ở Việt Nam, eXtreme Programming, một trong các phương pháp Agile phổ biến nhất, theo chân những lập trình viên và công ty “có yếu tố nước ngoài” du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (khoảng đầu những năm 2000), nhưng chưa bao giờ giới sản xuất phần mềm tiếp cận Agile một cách có hệ thống cho tới khóa học đầy đủ và tiêu chuẩn đầu tiên của hiệp hội Scrum thế giới (ScrumAlliance) tại thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2011,và ngay sau đó là sự ra đời của hai tổ chức cộng đồng Agile tại Việt Nam gồm Agile Forum Vietnam  và Hanoi Scrum với các hoạt động đa dạng nhằm phổ biến tri thức, chuyển giao công nghệ và kết nối cộng đồng phát triển phần mềm lại để gia tăng sức mạnh cạnh tranh cho. Với hai kì AgileTour thành công và sắp tới là ScrumDay Vietnam 2012 vào ngày 9/12/2012 tại Hà Nội, cộng đồng Agile Việt Nam cho thấy sự phát triển nhanh chóng và được chuyên gia nước ngoài kì vọng về sự phát triển đột phá trong những năm tới đây. Việt Nam đã chủ động tiến trình hòa nhập sâu hơn với cộng đồng Agile thế giới.