Trong bài “Cá nhân và tương tác” nhân lúc suy tưởng về “Agile Education“, tôi từng viết
“Công cụ chỉ là công cụ. Nó chỉ cho hiệu quả tương ứng với quy trình, nội dung và phương pháp (và xa hơn nữa là định hướng, triết lí). Việc thay cái bảng bằng trình chiếu PowerPoint và máy chiếu không giải quyết được vấn đề chất lượng nào.”
Mới đây nhà giáo Phạm Toàn có đề cập tới mấy cái chuyện công cụ trong bài viết trên báo Lao Động số Tết:
“Một máy chiếu overhead thực chất có khi cũng chỉ ngang bằng cái bảng cho giáo viên đỡ bẩn vì bụi phấn, để giáo viên càng thêm thì giờ thao thao bất tuyệt vì đỡ công đi lại xóa bảng và viết bảng.
Một máy chiếu dùng công cụ powerpoint để giảng bài bằng các slide soạn sẵn hoặc dùng những đoạn phim minh họa có khi càng làm cho học sinh hết cơ hội suy nghĩ. Đúng thế, vì kết luận nằm sẵn ở slide cuối cùng chắc hẳn cũng là kết luận định sẵn trong đầu người rao giảng – nhờ thiết bị dạy học hiện đại mà có được một sự áp đặt ngọt ngào, mềm mại như quả đấm thép bọc nhung.”
Điều này nhắc nhở một số người chớ có lòe bịp thiên hạ và chính mình về sức mạnh vạn năng của công nghệ: cứ áp dụng đồ công nghệ mới vào giáo dục là có thể nâng cao ngay chất lượng giáo dục, mua cái máy tính và nội dung tiên tiến là có thể đưa nền giáo dục tiến ngay lên hiện đại, cứ gắn lấy một cái mác ‘hot’ nào đó là thành hiện đại. Hiện đại hóa nằm ở tư duy và cách làm chứ không phải ở cái máy tính hay cái bảng trắng.
Cách làm ấy là gì, là “thời của hoạt động”, là “học trò tự tìm lấy tri thức, tự mở mang trí tuệ của mình”.
Cái điều thứ 2 trùng với định hướng “khả năng tự học hơn là điểm số và bằng cấp” trong agile education. Thành tích học tập phải được đo bằng năng lực học trò tự học được hay không trong lĩnh vực (chuyên sâu hoặc phổ thông) của mình, chỉ có bồi dưỡng năng lực học tập tự định hướng mới có thể giúp học trò tự vươn lên chiếm lấy tri thức cho chính mình.
From: T
To: Các nhà giáo
Message: Tránh xa Powerpoint ra, càng nhiều càng tốt 😀