Tiếp bài “Thế nào là một chương trình tốt?”

Bây giờ ta bàn chuyện mục tiêu. Cái này nó hệ trọng tới phần lớn các hoạt động khác, như Peter Drucker từng nhấn mạnh. Có mục tiêu tốt tức là rõ cái cần làm, cũng rõ cái cần kiểm soát trong quá trình thực thi, và rõ cần đánh giá khi kết thúc. Lúc này một chương trình hiệu quả sẽ được đo bằng mức độ đạt được và vượt được những mục tiêu do chương trình đề ra. Nhiệm vụ của cả nhà trường là tổ chức các hoạt động để đạt được mục tiêu đó, kiểm soát tiến trình đạt được mục tiêu, và can thiệp kịp thời để thúc đẩy tiến trình đạt được mục tiêu, ở cả mức độ vi mô lẫn vĩ mô. Công nghệ, xét ở mức cao, không có gì hơn là tối ưu hóa và tự động hóa cái quá trình này.

Cần phân biệt những mục tiêu tổng quát, là những “ý tưởng lớn” với cái ta đang nói ở đây là những mục tiêu “nhỏ”, cụ thể, đo đếm được, có giá trị kĩ thuật trong quy trình đào tạo. Những mục tiêu này ít ra cũng phải SMART.

SMART là gì?

Là viết tắt của những đặc trưng mà một mục tiêu tốt cần phải có.

  • S = Specific: Mục tiêu phải cụ thể, không chung chung (ra con số là tốt nhất)
  • M = Measurable: Mục tiêu phải đo được, không đo được thì rất khó biết là ta có đạt được mục tiêu không (nói ra được con số sẽ đo được)
  • A = Achievable (Hoặc Attainable): Mục tiêu tốt là mục tiêu có thể đạt được (dĩ nhiên phải có căn cứ để biết là đạt được bằng cách nào)
  • R = Realistic (Hoặc Relevant): Mục tiêu tốt là mục tiêu thực tế (tức là phải bám vào nguồn lực sẵn có, không nên giả định “nếu tôi có toàn bộ thời gian và 100 tỷ…”)
  • T = Time-based: Mục tiêu tốt là mục tiêu có thể đạt được trong một khoảng thời gian cụ thể.

Đôi khi người ta còn thêm chữ C (Communicate-able) nữa, để thuận lợi hơn khi trao đổi trong nhóm – đặc biệt là những nhóm có chuyên môn và quan tâm khác nhau đối với yêu cầu chương trình đào tạo (như doanh nghiệp, hội chuyên ngành, cựu sinh viên, vốn hơi khác “ngôn ngữ” với nhà giáo).

Đọc thì dễ hiểu thế chứ làm cho nghiêm túc thì khó, và cũng tốn kém nữa.

Một cái mục tiêu chung chung là “nắm được các thông tin cơ bản về máy tính” thì rất là thiếu specific (thế nào là “cơ bản”?, thế nào là “nắm được”?), nó không thể đo được (không specific thì làm sao mà đo được, dựa vào đâu để biết là đã nắm được cái cơ bản trong khi không biết cơ bản nghĩa là như thế nào?).
Cho nên khi đặt mục tiêu, chúng ta phải dụng công, nhưng là cái đáng phải dụng công. Và cũng không chỉ có dụng công, chúng ta còn phải vận dụng hàng loạt các công cụ khác, như cách đặt mục tiêu theo Bloom, cách khảo sát yêu cầu từ các bên liên quan để có được danh sách các mục tiêu vừa đảm bảo kì vọng, vừa SMART để hiệu quả trong hướng dẫn các hoạt động thiết kế trải nghiệm cũng như viết sách, lập kế hoạch, giảng dạy và đánh giá về sau.
Như bạn thấy, một mục tiêu nhỏ như vậy mà còn phải có tiêu chuẩn cao như thế. Cách xây dựng chương trình không có tính kĩ thuật hiện nay (cơ bản là cứ điểm danh môn học cùng với thời lượng phân bổ cho nó) là một cách làm rất sơ giản, và khó lòng mà kiểm soát và tối ưu hóa cho được.
Tới đây bạn có thể ước lượng, với một hạng mục về yêu cầu đầu ra (learning outcome) ta có thể mất cả ngày cho nó. Một chương trình gồm cả trăm mục như vậy thì tốn kém biết dường nào. Nếu là phát triển chương trình có nhiều bên liên quan, thì còn phải họp lên họp xuống, mất thêm nhiều công báo cáo – góp ý – điều chỉnh – điều phối nữa. Khi phát triển chương trình, cần phải biết được điều này để không “cắt cúp” các nguồn lực và thời gian cần thiết cho khâu lập mục tiêu (có tính kĩ thuật).

Một chương trình giáo dục luôn muốn dạy cho sinh viên học được nhiều nhất, vì thế danh sách mục tiêu này có xu hướng dài ra. Thậm chí là rất ôm đồm. Nhưng thời gian đào tạo thì luôn rất hữu hạn, do vậy nhiệm vụ của người làm chương trình không chỉ làm sao để danh sách đó tinh giản nhất (mà vẫn đầy đủ) mà còn phải  làm sao để phân bố mục tiêu ấy cho các môn học một cách hợp lí, kinh tế và hữu hiệu. Đó là cả một công thuật (nghĩa là công nghệ và nghệ thuật hehe). Đến lúc ấy người ta mới phải nghĩ đến nhiều kĩ thuật phân công nhiệm vụ cho các môn học, các dự án, các chủ đề. Và chuyện “tích hợp”, nói nôm na là “cài răng lược” các thể loại mục tiêu sẽ đến như là một sự lựa chọn đáng giá.

Nhưng hượm đã, bài này là về mục tiêu, chuyện phân công nhiệm vụ ấy ta sẽ nói sau.