Theo một khảo cứu do Quỹ Bill & Melinda Gates năm 2006 tài trợ, khoảng 1/3 học sinh rời trường trung học mà không có bằng. Nghiên cứu này đã được dùng như là dữ liệu quan trọng để kí giả Nathan Thornburgh gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nước Mĩ trong bài viết “Quốc gia Bỏ học” trên tờ Time cùng năm ấy.
Có chi tiết đáng quan tâm ở nghiên cứu này là những lí do khiến học sinh bỏ học:
- do lớp học không thú vị
- nghỉ học nhiều, không theo kịp
- do sinh viên được tự do quá, thiếu quy tắc
- bỏ học vì trượt
- nghỉ học để kiếm tiền
- không được động viên để làm việc chăm chỉ
Một báo cáo khác đăng trên trang online của The Sydney Morning Herald cho thấy chỉ có chưa đến 1/3 số sinh viên hoàn tất được khóa học nghề nghiệp (vocational training). Họ dự đoán nguyên nhân chính nằm ở chỗ có một khoảng cách quá lớn giữa kì vọng của sinh viên và sự đáp ứng của nhà trường. Báo cáo đề nghị cần phải có ‘võ’ để gia tăng độ hài lòng của sinh viên.
Như thế chứng tỏ Tây bỏ học “hơi bị nhiều”, chả giống Việt Nam tí nào. Hầu như bạn sẽ chẳng thể có được chỉ 10% bỏ học chứ đừng nói đến 1/3 hay 2/3 như Tây (con số chính thống năm 2010-2011, rơi vào khoảng dưới 5%). Học sinh sẽ đi hết các niên khóa, và cuối cùng sẽ được cấp bằng. Giới trẻ sẽ tiêu xài hết thời gian cấp phép mà không phải lo ngại mình rơi vào trạng thái “vô học” như ở xứ Tây. Hay là nền giáo dục của ta vượt trội so với Mĩ\Úc?
Một chi tiết thú vị khác, trong hội nghị lãnh đạo Aptech Việt nam vừa diễn ra tại Đà Nẵng, một quan chức của Aptech Ấn Độ dẫn một khảo sát thị trường của McKinsey năm 2012, cho biết có độ vênh khá lớn giữa lí do bỏ học của sinh viên với lí giải của các đơn vị đào tạo về lí do bỏ học của sinh viên. Khoảng 39% nhà cung cấp được hỏi cho rằng sinh viên bỏ học chủ yếu là vì khó, trong khi chỉ 9% số sinh viên được hỏi xác nhận lí do bỏ học vì Khó. Đúng là “mỗi người một phách”!
Liệu mình có học được gì từ những dữ liệu gì trên đây không nhỉ?