Nhiều người biết là ProjectBased Learning hay nhưng hiện thực hóa thì khó. Mặc dù có nhiều sách hướng dẫn nhưng có lẽ chưa sách nào chạm vào được những chỗ khó vượt qua nhất.
Có thể kể ra vài cái :
1. Giáo viên ít người là những quản trị dự án giỏi, thậm chí không có năng lực quản trị dự án
Do không nắm vững dược các vấn đề cốt lõi của dự án, nên không thể vận dụng mô hình dự án vào trong học tập. Có lẽ đây là cái ít được để ý nhất: năng lực quản trị dự án cho giáo viên, và năng lực lái việc làm dự án phục vụ cho việc học. Phải đào tạo giáo viên trước, nhưng không phải là đào tạo áp dụng PBL, mà dạy lại cho GV project là gì, quản lí thế nào, rồi mới đến các vấn đề giáo dục của nó.
2. Thiếu môi trường phù hợp với dự án
Cái hay của dự án chính là sự phức tạp và chỉnh thể, thực (authentic) của các vấn đề. Những cái này đòi hỏi các setting thật, các điều kiện vật chất cũng như bài toán thật để giải quyết. Làm mãi phần mềm trên giấy thì còn gì là thú vị?
Bằng một cách nào đó (không nhất thiết tốn tiền), người giáo viên hoặc nhà trường phải tạo lập các settings này để đủ điều kiện vận hành cho các môn học theo PBL. Chuyện này cũng ít được để ý vì mất công, mất sức. Dù gì thì dễ nhất vẫn cứ để vác sách giảng thật hay hơn là nghĩ ra xây một phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo.
3. Thiếu khả năng đánh giá phù hợp
PBL thể hiện các khía cạnh khác của quá trình học tập: khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề, làm ra sản phẩm, tư duy trong thực tiễn … Thậm chí cả cái không khí và động lực của học sinh khi làm trong nhà xưởng cũng khác biệt so với trên lớp. Trong khi đánh giá cuối cùng lại thường nằm ở con số điểm tròn trĩnh, đặc biệt là những điểm chấm cho sự hoàn thiện của sản phẩm cuối. Bảng điểm có thể bóp chết tất cả những gì là hay ho của PBL. PBL là authentic learning, thì cũng cần một authentic assessment tương ứng. Tiếp cận tích hợp và chỉnh thể (holistic) thì đánh giá cũng phải chỉnh thể.